VietTimes -- Đó là những ý kiến của các đại biểu đưa ra tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng với lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Liên Chiểu vừa diễn ra sáng 14/3.
Sáng 14/3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Liên Chiểu về công tác quản lý, quy hoạch phát triển địa phương trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới.
Biên chế "con ông cháu cha"!
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến phát biểu chỉ rõ những bất cập, yếu kém, tồn tại của địa phương trong công tác cán bộ, quản lý xây dựng, trật tự đô thị và phát triển kinh tế. Đặc biệt là công tác quản lý trên lĩnh vực đất đai trên địa bàn quận Liên Chiểu trong thời gian qua.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Vân, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, trong thời gian qua, quận Liên Chiểu đã xảy ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác cán bộ và hiện tại đang có nhiều vấn đề về công tác cán bộ, nhất là biên chế lao động tại địa phương. “Có một thời kỳ nội bộ có chuyện này chuyện kia. Có tin nhắn, xì xầm. Nhưng nay các đồng chí đã phối hợp với các cơ quan của TP để xử lý tốt. Có nhiều vụ việc lắm, thậm chí xử lý hình sự mà liên quan cán bộ chủ chốt của quận”, ông Trần Thanh Vân, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng nói.
Đồng quan điểm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chia sẻ, bên cạnh thứ hạng cải cách hành chính thì Đà Nẵng đang đối mặt với bất cập là tăng biên chế. "Rõ ràng là phình bộ máy, rồi sự nhũng nhiễu với người dân thì thứ hạng đó có đúng không, thực chất không. Vì sao Liên Chiểu đứng thứ nhất về sử dụng lao động hợp đồng. Khái niệm biên chế là những người hưởng lương từ ngân sách. Việc cải cách hành chính đứng thứ 2 trong các quận và phình biên chế thì nó có đúng không, cần phải xem lại”, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói.
Cũng theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, Ban Nội chính, Sở Nội vụ cần giám sát việc tăng hợp đồng, xem xét đánh giá thực chất số người làm việc thật sự. “Bao nhiêu phần trăm là con em mình ngồi đây, rồi của TP gửi gắm. Ta cứ suy từ Nhà khách Thành ủy, có bao nhiêu người là con em người này người kia. Có ai tự nhiên mà đi xin làm ở đây không. Phải xem lại nghiêm túc cái này. Xem lại cho rõ. Chúng ta nhận một cách dễ dãi thì cũng phải loại dễ dàng, bời vì đó là con em của chúng ta. Chúng ta không làm thì ai làm cho bao giờ. Đối tượng có quan hệ với cán bộ công chức viên chức trong bộ máy công quyền thì chúng ta phải gương mẫu làm trước", ông Nghĩa yêu cầu.
Đồng thời Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu trong 2018 phải xem xét thực hiện giảm biên chế theo yêu cầu của Trung ương. “Đấy mới là số lượng chứ chưa nói tới hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Song song với số lượng là sự nhũng nhiễu. Việc 1 người làm lại thành 2 người người ngồi thì chắc chắn bao giờ cũng khổ dân cả, chất lượng cũng không ra gì. Vì 2 người ngồi dòm ngó nhau. Ngồi câu giờ”, Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh.
Cò đất lộng hành, cản trở báo chí!
Liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho rằng, quận Liên Chiểu là điểm nóng về môi trường và đất đai. Tuy nhiên, trong năm 2016 và 2017, quận Liên Chiểu đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc xây dựng nhà trái phép và có chuyển biến tích cực. Trong tháng 4/2018 sẽ có báo cáo toàn bộ về quá trình thanh tra đất đai ở quận.
Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng lưu ý quận Liên Chiểu về nhà máy xi măng đang nằm trong khu dân cư gây bụi và tiếng ồn. Ông cho rằng, đây là bài toán giống 2 nhà máy thép. Nếu nhà máy này không nằm trong quy hoạch cảng Liên Chiểu thì nên giữ lại còn không thì nên tính đến phương án di dời.
Liên quan đến việc quản lý đô thị, ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, quận Liên chiểu có tốc độ xây dựng nhanh và thiếu quy chuẩn. Không chỉ vậy, một thực trạng buông lỏng quản lý để cho các đối tượng cò đất đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, an sinh của một bộ phận người dân địa phương. Nhất là người dân nghèo.
“Chiếu lên google thì không tưởng tượng nổi. Trước chỉ loe hoe mấy cái nhà, giờ thấy nhà đông đen. Khổ cái, tội nhất là dân, nghèo khổ vô gặp cò đất dụ rồi khóc hết nước mắt. Hiện cơ quan chức năng đã xử lý tới 11 Đảng viên, luân chuyển, kỷ luật. Nên mạnh dạn cho thanh, kiểm tra làm rõ để xử lý chuyện này”, ông Nguyễn Nho Trung nói.
Theo ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cò đất đang gây tác động xấu đến công tác quản lỳ đô thị và đời sống nhân dân
Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng, cần phải xem xét các dự án trên địa bàn quận Liên Chiểu, đánh giá lại và rà soát lại kỹ càng để phát triển Liên Chiểu thành đô thị bền vững. “Xứng đáng với một quận của Đà Nẵng với mục tiêu là TP môi trường, đáng sống chứ không phải là khu giải quyết những vấn đề bức bách, khó sắp xếp của TP chúng ta. Năm nay kiên quyết làm, rà soát lại quy hoạch Liên Chiểu trong quy hoạch chung của TP, không phải là bí chỗ nọ thì vứt chỗ kia đâu. Qua chuyện giải quyết nhà máy thép vừa rồi đề nghị quận Liên Chiểu thực hiện chỉ đạo của Ban thường vụ là khẩn trương rà soát các cơ sở sản xuất nguy cơ gây ô nhiêm.
Rà soát là theo tiêu chí TP môi trường chứ không phải so chỗ này chỗ kia. Sở TN-MT đang có đề án đánh giá tổng kết 10 năm xây dựng Đà Nẵng là TP môi trường, phải có tiêu chí cụ thể. Không phải trung tâm chỗ này mà ra ngoại vi là thấp hơn một chút đâu. Mọi người dân đều phải được hưởng môi trường sống như nhau”, ông Trương Quang nghĩa nói.
Bên cạnh đó, Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Quận Liên Chiểu rất phức tạp về quản lý đất đai, xây dựng trái phép và xây dựng trên đất nông nghiệp. Đề nghị đồng chí có trách nhiệm liên quan khẩn trương xem xét lại ngay chuyện tiêu cực về đất cát hiện nay ở Liên Chiểu. Những thông tin tôi được biết là báo chí tìm hiểu, viết bài phản ánh tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của quận Liên Chiểu thì đang bị một số cán bộ thực thi nhiệm vụ can thiệp vào. Từ Sở TT-TT đến Văn phòng Quận ủy, Ủy ban đến trật tự đô thị…
Những ngày vừa rồi tôi nhận rất nhiều thông tin. Dùng cả người dân, dùng cả mấy ông đầu nậu gây ảnh hưởng với báo chí, cản trở báo chí. Và điều không thể chấp nhận được là có những người can thiệp cả việc đăng hay không đăng bài ở báo Đà Nẵng. Báo chí có quyền đăng và người ta chịu trách nhiệm về nội dung. Ai cản trở việc đó, đề nghị đề nghị Ban Tuyên giáo xem xét, trả lời, không thể xảy ra tình trạng này được”.