Cụ thể ở Phụ lục B.23 có quy định về biển 123a "Cấm rẽ trái" và biển 123b "Cấm rẽ phải", theo đó biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới và thô sơ rẽ sang phía theo hướng mũi tên chỉ. Ngoài ra quy chuẩn ghi rõ "nếu đã đặt biển cấm rẽ trái thì các loại xe "cơ giới và thô sơ" cũng không được phép quay đầu xe".
Như vậy khi gặp biển 123a và 123b, người điều khiển phương tiện không được phép rẽ theo hướng mũi tên, đồng thời không được phép quay đầu xe. Đây là trường hợp "cấm rẽ thì cấm quay".
Còn ở phụ lục B.24 thì có quy định biển 124a "Cấm quay xe" và biển 124b "Cấm ô tô quay đầu xe". Trong phần miêu tả ghi rõ biển "không có giá trị cấm rẽ trái để đi sang hướng đường khác", do đó khi gặp biển này người điều khiển phương tiện không được quay đầu nhưng có thể rẽ trái. Đây là trường hợp "cấm quay thì không cấm rẽ".
Ngoài ra, một biển báo được nhiều người băn khoăn gần đây là biển cấm ô tô rẽ trái. Đây là biển số 103ca, được mô tả trong mục B.3, thuộc loại biển cấm riêng từng loại phương tiện. Trong phần mô tả ghi rõ "đường cấm tất cả các loại xe cơ giới kể cả môtô 3 bánh có thùng rẽ phải hay rẽ trái, trừ môtô hai bánh, xe gắn máy và các xe được ưu tiên theo quy định, phải đặt biển số 103b ‘Cấm ôtô rẽ phải' hay biển số 103c ‘Cấm ôtô rẽ trái'".
Có thể thấy trong phần mô tả của biển số 103c không hề nhắc đến việc "không được phép quay đầu xe" như ở biển 123a. Do vậy khi gặp biển số 103c, người lái ô tô không được rẽ trái nhưng có thể quay đầu.
Về bản chất thì rẽ trái và quay đầu là hai hành động khác nhau, và trong quy chuẩn do bộ GTVT phát hành cũng có quy định rõ đối với trường hợp rẽ trái hoặc quay đầu. Việc chúng ta "mặc định" cấm rẽ trái thì không được quay đầu là do nghĩ rằng hai biển 123a và 103c có cách áp dụng giống nhau, thực tế không phải như vậy.
Theo VnReview