Trên quốc lộ 14 đoạn từ bến xe phía bắc TP Buôn Ma Thuột đến chợ Đạt Lý (Đắk Lắk) với hơn 10km có nhiều biển báo “lạ”, không có trong hệ thống biển báo giao thông đường bộ VN.
Biển báo lạ, đánh đố
Cách đây vài năm, Tổng cục Đường bộ VN đã cho xây dựng hai dải phân cách bằng thép sáng ở hai bên đường để phân làn ôtô, xe tải với xe máy, xe đạp.
Hàng chục biển báo “đi kèm” được dựng lên, bảng hiệu này là một ô tròn màu xanh, đường ngăn một vạch trắng ở giữa, phía trên in hình người lái môtô, phía dưới là hình người đi xe đạp.
Bảng được dựng ngay trên dải phân cách, đầu mỗi đoạn đường rẽ ngang quốc lộ 14. Có khoảng 20 tấm bảng như vậy được dựng dọc hai bên đường có dải phân cách.
Một người dân đi đường cho biết chắc người dựng dải phân cách tự nghĩ ra bảng này chứ trong hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ không có loại bảng này.
Không chỉ có biển báo “lạ”, dải phân cách trên đoạn đường này đã gây ra nhiều vụ tai nạn cho người đi đường. Do dải phân cách mảnh, không có sơn phản quang nên nhiều xe máy, ôtô đã tông phải, gây tai nạn.
Đây là hạng mục do Tổng cục Đường bộ VN xây dựng để hạn chế tai nạn giao thông nhưng thực tế lại gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Tháng 8-2014, khoảng 1,4km dải phân cách đã được tháo dỡ, phần còn lại để lại tiếp tục thử nghiệm.
Trưa 16-1, chúng tôi lên một taxi đi trên quốc lộ 1 mới mở rộng, nâng cấp đoạn từ thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) đến xã Suối Tân (huyện Cam Lâm).
Đoạn đường chỉ dài chừng 20km, nhưng ông Thụy (tài xế) đã chỉ cho chúng tôi nhiều biển báo bất hợp lý trên đường mà ông cho là “đánh đố cánh tài xế chúng tôi”.
Xe chạy qua hết cầu Lùng (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh) thì cũng vừa gặp biển báo hết khu đông dân cư, ông Thụy mới vừa nhấn ga tăng tốc độ lên chưa đến 80km/giờ theo quy định thì lại gặp ngay một biển báo vào khu đông dân cư khác.
“Hai biển báo chỉ cách nhau chưa đến 400m, tốc độ thì từ 60km/h chưa kịp lên 80km/giờ đã phải thả ga cho xe giảm tốc. Biển báo “nhảy múa” kiểu này không đánh đố tài xế là gì” - ông Thụy phàn nàn.
Tôi đã nhắc rất nhiều các cơ quan đi kiểm tra từng biển báo một. Trong khi chưa thay đổi được thì nhổ biển vứt đi là xong, không tốn tiền gì cả. Nếu không có chỗ để thì nhổ xong cho bà mua đồng nhôm sắt vụn là xong, chả gây bức xúc gì. Biển báo bức xúc thì thà không có còn hơn. Đầu tư bao nhiêu tiền cho cao tốc, mở rộng quốc lộ mà vẫn để tốc độ như cũ thì rất bất hợp lý. Để người dân kêu mãi, bức xúc mãi |
Bộ trưởng Đinh La Thăng nói trong hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của Tổng cục Đường bộ VN sáng 14-1 |
Một đường nhiều biển báo phân làn
Quốc lộ 1 từ TP.HCM đến ngã ba Trung Lương (tỉnh Tiền Giang) đi qua ba tỉnh thành và việc phân làn, cắm biển báo cũng khác nhau nên tạo thành những cái bẫy cho người đi đường.
Cụ thể, đoạn qua tỉnh Tiền Giang và Long An đều có cắm bảng phân làn thể hiện người đi xe hai bánh được đi trên hai làn đường, trong đó một làn sát lề đường và một làn chạy chung với xe bốn bánh.
Tuy nhiên, vừa vào đến địa phận TP.HCM lại có một bảng phân làn khác thể hiện xe máy chỉ được đi làn trong cùng. Điều đáng nói là khác với cách đặt bảng phân làn ngay bên lề đường, tại TP.HCM lại đặt bảng phân làn trên cột cao chót vót nên hầu như không ai để ý tới và vô tình phạm lỗi lấn làn.
Sáng 16-1, có rất nhiều người đi trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh (TP.HCM) bị cảnh sát giao thông thổi vào vì vi phạm lỗi lấn làn.
Cũng trên quốc lộ 1, trao đổi với chúng tôi, nhiều tài xế cho biết ở tỉnh Đồng Nai (đoạn từ ngã tư Dầu Giây đến thị xã Long Khánh) bình thường có ba làn đường.
Nhưng ngay dưới chân cầu vượt cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có bốn làn đường mà không có biển hướng dẫn khiến nhiều tài xế đi không đúng làn nên thường bị “dính phạt” cảnh sát giao thông.
Biển báo “lạ” và dải phân cách gây tai nạn trên quốc lộ 14 đoạn từ bến xe phía bắc TP Buôn Ma Thuột đến chợ Đạt Lý - Ảnh: T.Tân |
“Có vào không có ra”
Theo phản ảnh của giới tài xế, hiện trên các tuyến quốc lộ từ Cần Thơ về Cà Mau có những biển báo rất dễ khiến tài xế đường dài “sụp bẫy”.
Cụ thể, tại một số tuyến đường được quy định là khu vực đông dân cư nhưng không có biển chỉ dẫn 420 “bắt đầu khu đông dân cư” để người cầm lái biết.
Ông Hải - một tài xế chở khách du lịch từ TP.HCM về Bạc Liêu - phản ảnh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) có bất hợp lý là nếu qua trung tâm thị xã thì tài xế biết chạy thế nào bởi đều có cắm biển 420 và cắm biển 421 (hết khu đông dân cư).
Tuy nhiên nếu đi theo đường tránh thị xã Ngã Bảy vốn là đường ngoại thị đến đoạn giao với quốc lộ 1 (vào nội thị) ngành giao thông chỉ cắm biển 420 khi rẽ về trung tâm thị xã Ngã Bảy, còn rẽ về hướng tỉnh Sóc Trăng thì không cắm biển này cho tài xế biết.
Ông Đức Hiền, tài xế xe tải đường dài, cũng phản ảnh tình trạng bất hợp lý “có vào không có ra” tương tự khi chạy theo đường dẫn cầu Cần Thơ (đường ngoại thị) đến khu vực giao với quốc lộ 1 (vào đường nội thị) rồi đi thẳng qua cầu Ba Láng về Hậu Giang thêm khoảng 400m thì gặp biển chỉ dẫn 421.
Trong khi lẽ ra ngay đoạn giao với quốc lộ 1 phải cắm biển 420 để tài xế biết. Nếu không phải là người địa phương, nhiều tài xế sẽ bị dính “bẫy” biển báo ở đoạn đường 400m này.
Rất dễ dính lỗi
Tại Hà Nội, trưa 16-1, có mặt trên đường Nguyễn Văn Linh, chúng tôi nhận thấy việc phân làn và kẻ vạch sơn liền ở những điểm mở để quay đầu xe, giao lộ như trên gây khó khăn cho lái xe.
Một tài xế cho biết nếu xe tải chuyển vào làn xe con trước điểm có vạch sơn liền để rẽ trái cũng dễ bị phạt vì sai làn. Từ làn của mình đi thẳng hết vạch để rẽ thì lại chặn đầu dòng xe con đi thẳng.
Tình trạng cắm biển cấm rẽ trái, cấm quay đầu xe sang chiều đường bên trái được cắm ở vỉa hè bên phải đường cũng xảy ra ở nhiều tuyến đường Hà Nội như đường dẫn lên cầu Chương Dương, đường Nguyễn Văn Cừ.
Tại điểm mở dải phân cách để quay đầu xe từ chiều đường Hà Nội - Hải Phòng sang chiều đường Hải Phòng - Hà Nội trên quốc lộ 5 đoạn trước đại lý Hyundai Bắc Việt biển cấm rẽ trái với xe tải lại được cắm khá hiểm hóc.
Tại đây, biển báo cho phép quay đầu xe được cắm ở dải phân cách giữa với dòng chữ “chỗ quay xe” khá rõ, song dưới dòng chữ này có dòng chữ nhỏ ghi cụ thể cho phép xe con, xe máy, xe đạp quay đầu. Còn ở lề phải chiều đường Hà Nội đi Hải Phòng cắm biển cấm xe tải quay đầu.
“Chúng tôi thường xuyên đi qua còn biết mà tránh nhưng tài xế không quen đường rất dễ bị dính lỗi” - một tài xế cho biết.
Theo Tuổi trẻ