BIDV tiết lộ lý do chưa phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài

VietTimes -- Năm 2019, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện tăng vốn trên cơ sở các cấu phần kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua từ năm 2018. Trong số 4 giải pháp tăng vốn do BIDV đề xuất, chỉ có phương án phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã được NHNN chấp thuận chủ trương bằng văn bản; 3 phương án còn lại đang chờ phê duyệt.
NHNN đồng ý cho BIDV phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
NHNN đồng ý cho BIDV phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Vì sao BIDV chưa thực hiện tăng vốn trong năm 2018?

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã CK: BID) vừa công bố tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2019, dự kiến được tổ chức vào ngày 26/4/2019 sắp tới.

Theo đó, BIDV đã có những tiết lộ khá chi tiết về tiến độ thực hiện các phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2018 nhằm tăng tổng quy mô vốn điều lệ thêm 9.541 tỷ đồng.

Được biết, các phương án tăng vốn tiếp tục được BIDV trình xin ý kiến cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên, phải tới tháng 12/2018, NHNN mới có ý kiến bằng văn bản, trả lời BIDV về các nội dung này.  

Kế hoạch tăng vốn của BIDV đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 thông qua (Nguồn: BIDV)
Kế hoạch tăng vốn của BIDV đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 thông qua (Nguồn: BIDV)

Đối với việc phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, BIDV cho biết trong năm 2018 đã thực hiện báo cáo, giải trình bổ sung với các cơ quan quản lý để xem xét phê duyệt phương án này.

Đến ngày 30/10/2018, NHNN đã có công văn “chấp thuận chủ trương” đối với phương án tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIDV. Trên cơ sở đó, BIDV đã triển khai thủ tục báo cáo ĐHĐCĐ thông qua việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản. Sau khi được ĐHĐCĐ thông qua, BIDV đã nhanh chóng triển khai các hạng mục công việc tiếp theo.

Cụ thể, ngay trong tháng 11/2018, BIDV và đối tác đã hoàn thành các nội dung Khảo sát thực trạng bổ sung. Từ tháng 12/2018 đến nay, BIDV tiếp tục triển khai các bước tiếp theo, bao gồm: (i) Báo cáo NHNN xem xét chấp thuận tăng vốn điều lệ; (ii) Hoàn thành việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá độc lập trong nước và thực hiện Báo cáo định giá; (iii)Tiếp tục đàm phán các văn kiện giao dịch với đối tác.

Cổ đông BIDV thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu cho KEB Hana Bank

Tới ngày 21/2/2019, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ cho BIDV từ 34.187 lên 40.220 tỉ đồng thông qua phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phần cho ngân hàng Hàn Quốc là KEB Hana Bank.

Đồng thời, trong giai đoạn này, BIDV đã báo cáo NHNN các vướng mắc trong quá trình đàm phán (về Điều khoản chuyển nhượng, Thư cam kết của NHNN…) và tích cực đàm phán với đối tác để có thể hoàn tất giao dịch theo kế hoạch đã trình cổ đông.

Tiến độ thực hiện tăng vốn của BIDV (Nguồn: BIDV)
Tiến độ thực hiện tăng vốn của BIDV (Nguồn: BIDV)

Đối với việc phát hành thêm cổ phần mới theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, BIDV cho biết đang tập trung triển khai các nội dung liên quan cấu phần bán chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài nên chưa triển khai phương án này.

Bên cạnh đó, BIDV cũng nhận định thị trường chứng khoán năm vừa qua có nhiều biến động không thuận lợi, chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Mặt khác, BIDV đang phải “chờ” ý kiến của NHNN sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Đối với hoạt động phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), BIDV đã thực hiện trình phương án này liên tục trong các kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2017, 2018. Tuy nhiên, tương tự với phương án phát hành theo hình thức chào bán ra công chúng, việc thực hiện phương án tăng vốn này vẫn phải “chờ” ý kiến thống nhất giữa NHNN và Bộ Tài chính nên chưa có cơ sở để thực hiện trong năm 2018.

Ngoài ra, trong năm 2018, BIDV đã thực hiện phát hành thành công 2 đợt trái phiếu với tổng giá trị đạt tới 5.000 tỷ đồng để tính vào vốn tự có cấp 2.

Ưu tiên phát triển chiến lược ngân hàng số năm 2019

Dù bài toán tăng vốn điều lệ vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng BIDV vẫn ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2018 với mức lợi nhuận hợp nhất đạt 9.473 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2018, tổng dư nợ tín dụng của BIDV đạt 1.010.993 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với năm trước và chiếm tới 13% thị phần toàn ngành. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 988.739 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 1,9%.

Ở chiều hướng ngược lại, nguồn vốn huy động từ tổ chức, dân cư của BIDV đạt 1.053.826 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và chiếm 12,3% thị phần toàn ngành.

Năm 2019, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12% và phấn đấu tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%. Hoạt động huy động vốn tăng trưởng 11%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.500 tỷ đồng, tăng trưởng 10,8% so với thực hiện năm 2018.

Cũng theo tài liệu được công bố, BIDV cho biết sẽ ưu tiên phát triển chiến lược Ngân hàng số một cách toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động kinh doanh, quy trình, sản phẩm, kênh phân phối phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, ngân hàng này sẽ cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị hải ngoại nhằm mục tiêu bảo toàn vốn, nâng cao hiệu quả đóng góp vào hoạt động chung của toàn hệ thống.

Tập trung xây dựng, ban hành và triển khai Chiến lược phát triển của BIDV đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chiến lược phát triển đối với từng phân khúc khách hàng, trong đó tập trung ưu tiên bán lẻ và SME./.