Bỉ xây dựng trung tâm năng lượng điện gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bỉ đầu tư xây dựng Đảo Princess Elisabeth, đảo năng lượng đầu tiên thế giới là một trung tâm điện, kết nối các trang trại điện gió ngoài khơi với đất liền và những kết nối trong tương lai với Anh và Đan Mạch.

“Hòn đảo năng lượng” gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới tiến gần đến hiện thực hóa, khi một liên doanh mới của Bỉ, có tên gọi là TM Edison được thành lập để phát triển dự án mang tính đột phá này.

Khu vực Princess Elisabeth là một trang trại điện gió ngoài khơi 3,5 gigawatt (GW) được xây dựng ở Biển Bắc, cách bờ biển Bỉ gần 45 km (28 dặm). Tại khu vực này, nhà điều hành hệ thống truyền tải điện của Bỉ Elia đang phát triển đảo năng lượng nhân tạo ngoài khơi đầu tiên trên thế giới.

Được xây dựng trên Biển Bắc xám xịt và lạnh lẽo, Đảo Princess Elisabeth nhân tạo được Tập đoàn Elia phát triển để nhận nguồn điện từ một trang trại gió ngoài khơi 3,5 GW mới và chuyển đổi thành điện cao thế để truyền vào đất liền của Bỉ và các quốc gia châu Âu bằng hàng loạt đường truyền tải mới.

Tập đoàn Elia ngày 1/3 thông báo, các công ty xây dựng ngoài khơi có trụ sở tại Bỉ là DEME Group và Jan De Nul Group đã thành lập liên doanh TM Edison để xây dựng Đảo Princess Elisabeth. Công trình xây dựng sẽ bắt đầu vào đầu năm 2024 và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2026. Đảo dự kiến sẽ được kết nối đầy đủ với tất cả các trang trại điện gió và đất liền vào năm 2030.

Hòn đảo này đã nhận được khoản trợ cấp 100 triệu euro từ chính phủ Bỉ theo Kế hoạch Phục hồi và Ổn định sau đại dịch Covid-19 của EU.

Tổ hợp công trình xây dựng bê tông trải dài sẽ là đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới kết hợp truyền tải cả bằng dòng điện một chiều (HVDC) và dòng điện xoay chiều (HVAC).

Đảo nằm cách bờ biển Bỉ khoảng 45km, có diện tích khoảng 6 ha, tương đương 12 sân bóng đá, được xây dựng chủ yếu bằng những thùng bê tông chứa đầy cát, có một bến cảng nhỏ và sân bay trực thăng để các đội bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ đến làm việc tạm thời.

Cơ sở hạ tầng điện áp cao của hòn đảo sẽ tích hợp các dây cáp điện xuất khẩu của trang trại điện gió đồng thời đóng vai trò là trung tâm kết nối trong tương lai với Anh (Nautilus) và Đan Mạch (TritonLink). Kế hoạch này sẽ biến Đảo Princess Elisabeth trở thành nền tảng cho một mạng lưới năng lượng tích hợp ngoài khơi của châu Âu.

Đảo Princess Elisabeth - Trung tâm năng lượng điện gió ngoài khơi của Bỉ. Video Elia

Chris Peeters, Giám đốc điều hành Tập đoàn Elia cho biết: “Dự án này sẽ là dự án tiên phong vì nhiều lý do. Đó là phương thức đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí nhất để đưa điện gió ngoài khơi vào bờ. Dự án sẽ là một hòn đảo cung cấp những lựa chọn cho tương lai. Khi chúng tôi kết nối cáp điện với các quốc gia khác, Đảo Princess Elisabeth sẽ trở thành trung tâm năng lượng ngoài khơi đầu tiên.”

Bộ trưởng năng lượng Liên bang Bỉ, Tinne Van der Straeten cho biết, dự án này củng cố vị thế của Bỉ với tư cách là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực năng lượng điện gió ngoài khơi. Ông nhấn mạnh: “Chuyên môn điện gió ngoài khơi của chúng tôi hiện đã được công nhận trên toàn thế giới.

Biển Bắc, một vùng nước nông mỏng ngăn cách bờ biển phía đông của Anh và Scotland với lục địa châu Âu là một trung tâm năng lượng kể từ những phát hiện sớm nhất về dầu khí ngoài khơi bờ biển nước Anh, Hà Lan và Đức vào thế kỷ 19.

Vincent Van Quickenborne, bộ trưởng tư pháp liên bang của Bỉ khi đề cập đến Biển Bắc cho biết, vùng nước hiện có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững tiếp theo của thế giới. Ông nói: “Biển Bắc sẽ trở thành động lực cho sự độc lập về năng lượng của châu Âu. Đảo Công chúa Elisabeth sẽ là một mắt xích thiết yếu trong việc này. Đất nước chúng tôi từ lâu đã đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi với các công ty như DEME và Jan De Nul, những công ty hàng đầu thế giới.”

“Các doanh nghiệp Bỉ đang chứng minh điều đó một lần nữa với những kế hoạch cho đảo năng lượng đầu tiên trên thế giới. Nhờ chuyên môn sâu và vị thế tiên phong toàn cầu của các công ty, chúng ta có thể cùng nhau đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững,” ông Van Quickenborne nói.

TM Edison là liên doanh bao gồm Tập đoàn DEME và Tập đoàn Jan De Nul, được lựa chọn trên cơ sở đội tàu chuyên dụng của tập đoàn, có chuyên môn sâu trong các công trình nạo vét, mở rộng đất liền, bảo vệ bờ biển và xây dựng những công trình dân dụng.

Theo Renew Economy