Bí thư tỉnh U40: Táo bạo và niềm tin tạm ứng

Việc bầu chọn những gương mặt trẻ U40 vào vị trí Bí thư tỉnh hay giám đốc sở là cách làm táo bạo. Nếu làm được, chúng ta sẽ có thế hệ lãnh đạo đất nước trong tương lai. Ngược lại, không chỉ anh mất uy tín cá nhân mà Đảng cũng chịu tổn thất uy tín với dân.
Hai bí thư tỉnh thành ủy trẻ nhất Việt Nam Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Xuân Anh

Đó là nhận định của ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông và PGS.TS Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore) tại bàn tròn “Trẻ hoá lãnh đạo – phía sau một hiện tượng”.

Cách làm táo bạo

Đại hội Đảng bộ nhiều địa phương vừa kết thúc và chúng ta chứng kiến khá nhiều gương mặt trẻ được bầu giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy, như Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đều 39 tuổi, hay Giám đốc Sở mới 30 tuổi. Liệu có thể coi đây là một hiện tượng, một xu hướng trẻ hoá lãnh đạo ở VN hay không?

Ông Mai Liêm Trực: Tôi cho rằng việc đưa các cán bộ trẻ vào cương vị lãnh đạo là một xu hướng tốt. Thực ra, nếu so với những thế hệ lãnh đạo tiền bối của cách mạng VN thì Giám đốc sở tuổi 30 hay Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ tuổi 40 không phải là trẻ. Những người trẻ có tài, có đức mà được làm lãnh đạo thì đấy là may mắn cho đất nước, cho địa phương, cho cơ quan đó.

Chúng ta cũng chứng kiến hầu hết những lãnh đạo trẻ mới được bầu là con cái các đồng chí lãnh đạo TƯ hay địa phương còn đương chức hay đã về hưu. Đối với các nước phát triển thì không xa lạ gì với hiện tượng các gia đình, dòng họ có truyền thống làm chính trị như ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Philippine và gần đây là Canada. Nhưng ở VN thì phải nói từ thế hệ cách mạng tiền bối đến nay chưa từng có hiện tượng con cái kế tục ngay vị trí của bố, của gia đình. Vài năm gần đây, xu hướng này mới bắt đầu phát triển, có thể nói gần như là một phong trào.

Nhìn nhận một cách sòng phẳng thì hiện tượng này có những mặt tích cực của nó. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại những vấn đề khiến người ta e dè. Dư luận hi vọng nhưng chưa thật sự tin tưởng, bởi các cuộc bầu chọn vừa qua là bầu kín trong nội bộ Đảng. Đấy là chưa kể trước đây cũng có con cái một số vị lãnh đạo được đưa vào một số chức vụ nhưng cuối cùng không phát triển được. Bởi vậy, tất cả mới chỉ là hi vọng, là niềm tin có tính chất tạm ứng.

TS Vũ Minh Khương: Hai tân bí thư mới được bầu của Đà Nẵng và Kiên Giang vừa qua đều là những người được đào tạo khá căn bản, có những phát ngôn có ý nghĩa nhất định, thể hiện cam kết muốn làm được việc gì đó cho địa phương, cho đất nước. Điều đó cho phép chúng ta có hy vọng nhất định.

Rõ ràng, đất nước đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Nhìn về tương lai phát triển thì bao giờ cũng phải nhìn xuống nền móng. Tôi thấy có mấy điểm đáng mừng. Thứ nhất, về mặt cấu trúc thể chế, chúng ta đã chấp nhận kinh tế thị trường. Trong khi, Venezuela họ giàu hơn mình rất nhiều nhưng lại không chấp nhận kinh tế thị trường dẫn đến rối loạn, ngày càng nghèo đói đi. Thứ hai là khuyến khích kinh tế tư nhân và kinh tế tư nhân trở thành động lực ngày càng quan trọng. Ba là hội nhập kinh tế. Với TPP, VN sẽ hội nhập quốc tế rất sâu. Thứ tư, cũng vì thời thế đưa đẩy mà đất nước này có được quan hệ gắn bó với những cường quốc thế giới như Mỹ, Nhật để đối phó với những thách thức khu vực. Đấy là những tiền đề mà không phải dân tộc nào cũng có để đi đến phồn vinh.

Trách nhiệm tiếp theo đây là làm sao tạo ra một thể chế có phẩm cách lớn để khai thác, xây dựng trên nền tảng này một sức phát triển mạnh mẽ. Muốn vậy, rõ ràng phải có sức trẻ tham gia vào bộ máy. Vậy thì, tìm kiếm những người trẻ từ đâu đây? Nếu không thể ngay một lúc nhặt ra được người trẻ có tài thì việc chọn ngay trong con cái các vị lãnh đạo có những phẩm chất nhất định, đáp ứng được yêu cầu nhất định và đưa vào cuộc sống để thử thách cũng là một cách làm.

Cá nhân tôi thấy mừng ở chỗ là những người trẻ này không đi qua những con đường lắt léo mà được giao thẳng vào vị trí Bí thư Tỉnh uỷ, thành uỷ, tức là gánh vác vai trò “đứng mũi, chịu sào”. Phải nói rằng đây là một cách làm táo bạo. Bởi nếu anh không làm được thì anh chỉ bị tổn thất uy tín cá nhân thôi đâu, mà Đảng cũng phải chịu tổn thất uy tín lớn. Nhưng nếu anh làm được thì chúng ta sẽ có được thế hệ lãnh đạo đất nước trong tương lai.
Tôi mong rằng những người được giao trọng trách này sẽ nỗ lực để xứng đáng với truyền thống gia đình, với sự kỳ vọng của Đảng, của đất nước, để một ngày nào đó sớm khuyến khích những người trẻ như mình được vào cuộc với cơ chế minh bạch hơn, dân chủ hơn và được nhân dân ủng hộ một cách rộng khắp.


Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực và PGS,TS Vũ Minh Khương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hi vọng nhiều người trẻ khác có cơ hội tương tự

Ông Khương vừa nói về cơ hội của người trẻ. Cả hai ông đều từng nắm giữ những vị trí khá quan trọng trong cơ quan nhà nước khi còn khá trẻ theo tiêu chuẩn của thời bấy giờ. Ông Mai Liêm Trực là một trong hai vụ trưởng duy nhất trong bộ máy chính phủ ở tuổi dưới 40 và sau này là Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, người mở đường cho Internet vào VN cũng như mở cửa thị trường viễn thông cho cạnh tranh. Còn ông Vũ Minh Khương 29 tuổi được giao là Giám đốc, vực dậy một DN nhà nước đang trên bờ phá sản và ngoài 30 tuổi thì nắm giữ vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền Hải Phòng. Nhưng lúc ấy, có bao giờ các ông hi vọng, hay mường tượng ở tuổi ngoài 40 mình sẽ được trao những trọng trách lớn hơn như bây giờ hay không?

TS Vũ Minh Khương: Thú thực lúc đó bản thân tôi cũng thôi thúc muốn làm được cái gì đó thật ý nghĩa cho đất nước. Khi người ta trẻ thì cái khao khát đó càng mạnh mẽ. Nhưng thời của tôi, không bao giờ có chuyện dưới 40 tuổi mà anh có thể làm đến chức giám đốc sở, chứ chưa nói đến cái gì to tát hơn.
Với đợt bầu cử này, có thể nói đã tháo bỏ được điều cấm kỵ bất thành văn, tức là người trẻ cũng làm được. Hi vọng rằng sự thay đổi này sẽ giúp cho nhiều bạn trẻ khác cũng có cơ hội tương tự. Bản thân tôi ngày đó luôn mong muốn có một ngày mình sẽ là lãnh đạo Hải Phòng để dẫn dắt thành phố phát triển thành Singapore của VN. Tôi tin rằng hiện nay, các bạn trẻ trong bộ máy nhà nước cũng như khu vực tư nhân đều mong muốn làm gì đó để người VN sớm ngẩng đầu.

Ông Mai Liêm Trực: Đúng là có chức vụ ở tuổi 40 thời trước hiếm lắm. Lúc ấy chỉ có tôi cùng một người nữa bên Bộ Ngoại giao là vụ trưởng dưới 40 tuổi, còn những người đồng cấp khác toàn trên 50 tuổi cả. Lúc ăn trưa xong đi uống nước, các ông toàn đến phòng mình vì có người rót nước cho. Chứ mấy ông ngang tuổi nhau thì không ông nào chịu pha nước cho ông nào cả (cười).

Thú thực hồi đó thế hệ chúng tôi cũng không mấy ai để ý đến chuyện chức tước lắm. Thời chiến mà, hô cái gì thì làm cái nấy chứ không biết sở trường mình là cái gì. Tôi làm vụ trưởng vài năm thì được bốc sang Campuchia giúp bạn khôi phục ngành bưu điện.

Nói chung là thế hệ của tôi có tính xả thân và tính kỷ luật nhưng điểm yếu là hơi thụ động. Tôi cho rằng thế hệ trẻ bây giờ phải có khát vọng. Điều kiện nay khác trước nhiều lắm rồi nên họ có cơ hội và phải làm sao để nuôi dưỡng và biến khát vọng ấy thành hiện thực.


Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực

Phải có cơ chế lên nhanh thì xuống nhanh

Hai tân bí thư Kiên Giang và Đà Nẵng sau khi trúng cử đã có một số phát biểu gây chú ý dư luận. Như Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị đã chia sẻ khát vọng biến Phú Quốc thành một đặc khu kinh tế đầu tàu của VN, hay Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh công khai điện thoại và email để tiếp nhận phản hồi của người dân. Liệu chúng ta có thể hi vọng những người trẻ này khi lên làm lãnh đạo có thể đem lại những luồng gió mới trong cách thức sinh hoạt, giao tiếp chính trị hay không?

Ông Mai Liêm Trực: Những chuyển động như vừa kể là rất đáng hoan nghênh. Nhưng tôi hi vọng các lãnh đạo của chúng ta không chỉ công bố số điện thoại mà còn công khai về tài sản của mình cho công luận được biết và công khai lên facebook đối thoại với dân.

Những chuyển động vừa qua cho phép chúng ta dấy lên hi vọng nhưng để tin tưởng hoàn toàn thì còn phải chờ thực tiễn trả lời. Bởi trong thực tế chúng ta cũng đã thấy một số bộ trưởng có những phát ngôn mạnh mẽ khi mới nhậm chức hay trả lời chất vấn quốc hội nhưng cuối cùng mấy năm sau cũng không tạo ra được chuyển biến gì rõ rệt.

Về tiêu chí chọn lãnh đạo thì tôi đã từng phát biểu cách đây 5 năm khi góp ý cho Đại hội XI, mà tôi tin giờ đây vẫn còn ý nghĩa thời sự: Lãnh đạo phải mạnh, sạch và có tầm nhìn. Thứ nhất là mạnh về năng lực, về vị thế, về uy tín xã hội. Thứ hai, phải sạch, không dính vào tham nhũng. Thứ ba là phải có tầm nhìn thì anh mới dẫn dắt được chứ kiến thức thì chưa đủ. Tôi đã từng giới thiệu nhiều gương mặt có kiến thức rất tốt, du học ở Đức, ở Mỹ, đạo đức con người cũng tốt. Nhưng đến khi vào cuộc mới thấy họ còn hạn chế ở tầm nhìn, nhất là ở cương vị cao như bộ trưởng, thứ hai là bản lĩnh không thể hiện được nên công việc cứ chậm. Bởi vậy, tầm nhìn và bản lĩnh chỉ có thể được chứng minh qua thực tiễn, chứ không thể qua phát biểu hay qua quá trình đào tạo được. Nói gì thì nói, anh phải có kết quả cụ thể. Nếu chưa có kết quả cụ thể thì chưa có cơ sở để tin tưởng.

Tôi muốn bổ sung thêm rằng khi chúng ta đột phá trong cơ chế bổ nhiệm như vừa qua, với việc bổ nhiệm nhanh, vượt cấp thì quy trình đánh giá kết quả cũng phải sòng phẳng, minh bạch. Nếu đã có cơ chế lên nhanh như vậy thì cũng phải có cơ chế xuống nhanh. Bởi lâu nay chúng ta có hiện tượng lên thì nhanh nhưng khi xuống lại rất khó khăn. Không thể tránh khỏi sai lầm trong việc chọn người nhưng nếu không làm được việc thì anh phải xuống chứ đứng ngồi đó mãi. Có như vậy thì cán bộ mới trưởng thành và công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ mới lành mạnh.


PGS,TS Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore)

TS Vũ Minh Khương: Nói gì thì nói, vị trí lãnh đạo đứng đầu các tỉnh này đòi hỏi phải có tố chất lãnh đạo, thể hiện ở ba điểm: tầm nhìn; phẩm chất hiến dân và năng lực hoạch định, triển khai chiến lược. Về tầm nhìn thì anh Trực đã nói rõ rồi. Tôi bổ sung thêm, về phẩm chất hiến dâng nghĩa là anh quả cảm dám làm mà không phải lo ghế nữa. Những lãnh đạo trẻ vừa rồi có một thuận lợi là có bệ đỡ của gia đình nên không phải lo mất ghế. Còn năng lực hoạch định chiến lược thể hiện ở khả năng anh có thể dẫn dắt địa phương phát triển, trở thành hình mẫu cho đất nước.

Nếu làm được những điều trên thì anh hoàn toàn xứng đáng làm lãnh đạo quốc gia trong 10 năm tới. Tôi tin tất cả nhân dân sẽ ủng hộ họ. Còn nếu anh làm việc mà không đảm bảo yêu cầu thì nên tự trọng rút lui. Đó cũng là một phẩm chất đáng quý.

Tôi cũng mong mỏi những người trẻ vừa trúng cử, ngoài những việc mang tính kỹ thuật như phát ngôn, công khai số điện thoại thì sẽ làm được điều lớn lao hơn thế, đó là dấy lên được khát vọng dân tộc, hoà hợp được lòng dân, quy tụ được hào kiệt. Nói cách khác là làm sao xây dựng được hình ảnh một nhà lãnh đạo thực sự đau đáu từng giờ sao cho đất nước mình, địa phương mình vượt lên, chân thành kêu gọi người tài hiến kế. Người lãnh đạo đâu cần là người giỏi nhất. Nhưng khi anh chân thành, thực tâm thì mọi người sẽ đồng lòng giúp đỡ.

Tôi cũng hi vọng các nhà lãnh đạo khi đưa con mình vào các vị trí cao sẽ có lời dặn dò rằng đây là mong mỏi của gia đình, của địa phương và của đất nước nên con cố gắng sao cho xứng đáng. Còn người con thì coi trọng lời khuyên răn của bố mẹ, coi đây là một món nợ lớn phải trả với đất nước, chứ không phải là cơ hội ta mặc nhiên được hưởng.

Không có gì giấu được dân!

Vâng, có lẽ những người trẻ mới được bầu cũng đang đối diện với áp lực ghê gớm phải khẳng định mình. Nhưng trong một thể chế chưa thực sự khuyến khích các dấu ấn cá nhân thì làm thế nào để các nhà lãnh đạo khẳng định được mình?

Ông Mai Liêm Trực: Đúng là thể chế của ta là lãnh đạo tập thể nên có những khó khăn nhất định để các nhà lãnh đạo tạo dựng dấu ấn cá nhân. Nhưng một khi anh đã là người đứng đầu, cho dù là trưởng phòng, giám đốc sở hay bí thư tỉnh... thì nếu anh có năng lực, có phẩm chất, có ý chí thì anh vẫn để lại được dấu ấn nhất định.

Ví dụ thì có rất nhiều trong thực tế. Chẳng hạn như ông Nguyễn Bá Thanh, khi làm Chủ tịch thậm chí còn tạo dấu ấn lấn át cả ông Bí thư khi ông ấy triển khai các công việc cụ thể theo chức danh chủ tịch. Sau này khi ông ấy chuyển sang Bí thư thì rõ ràng vai trò của bí thư lại nổi trội.

Hay như bản thân tôi, thực ra làm phó thì ít mà chủ yếu làm trưởng, từ giám đốc, Tổng Giám đốc, cục trưởng, tổng cục trưởng (Tổng cục Bưu điện – NV), hay kể cả chức vụ ngắn hạn như Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN, tôi tự thấy mình vẫn có thể để lại dấu ấn được. Vì sao? Vì mình là người cao nhất kia mà. Mặc dù cơ chế lãnh đạo tập thể nhưng có những việc mình vẫn có thể có quyết định cá nhân. Những việc như chị vừa kể như đưa Internet vào VN hay mở cửa thị trường viễn thông, tôi có thể quyết định được và để lại dấu ấn vì mình là cấp trưởng. Nếu mình đủ trí tuệ để thuyết phục, đủ bản lĩnh để sẵn sàng, như anh Khương nói là không nghĩ đến cái ghế, thì mình hoàn toàn có thể làm được. Tôi muốn nhắc lại lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nếu làm gì cũng cứ nhìn xuống cái chân ghế của mình thì chẳng bao giờ làm được gì cả. Báo chí có lần nói rằng ông Trực đã thế chấp chức vụ của mình để đưa Internet vào VN.

Bởi vậy, cho dù cơ chế lãnh đạo tập thể có những hạn chế nhất định để cá nhân khẳng định dấu ấn, nhưng nếu đã là người đứng đầu thì anh vẫn có thể làm được điều đó. Vì đã là người đứng đầu thì anh phải có những quyết định và trách nhiệm cá nhân. Gọi là quyết định tập thể nếu đó là ý tưởng của cá nhân anh và anh thuyết phục được tập thể đồng ý với ý kiến đúng của mình thì anh đã để lại dấu ấn và sẽ được mọi người thừa nhận.



TS Vũ Minh Khương: Tôi rất đồng cảm với ý kiến của anh Trực. Khi trải nghiệm qua các vị trí khác nhau trong hệ thống, từ một anh bộ đội, cho tới giám đốc DNNN hay cán bộ UBND thành phố, tôi ngẫm thấy sức mạnh của con người VN thực vô song. Họ rất phục thiện nếu anh thực sự hiến dâng, toàn tâm, toàn ý, vạch ra đường đi sáng suốt, quả cảm quên mình và sáng tạo. Thực ra, mình nói một họ hiểu mười. Vấn đề là làm sao quy tụ được họ.
Khi tôi phục vụ trong binh đoàn Thanh Nghệ Tĩnh mới hiểu tại sao Quang Trung dễ dàng đánh tan 2 vạn quân Thanh như thế. Khi dân đồng lòng thì đúng là tạo ra sức mạnh “gươm mài đá, đá núi cũng mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn”. Những cá nhân lãnh đạo như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng, ông Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng...rõ ràng đã để lại những dấu ấu không bao giờ phai mờ trong lòng dân, được dân quý trọng.

Ông Mai Liêm Trực: Nhân ý kiến anh Khương, tôi muốn nói thêm rằng: người dân biết hết đấy. Không có gì giấu được dân cả. Chẳng qua người ta có nói ra hay không mà thôi. Trong công việc thì làm gì có chuyện lính không biết ông sếp của mình có vô tư hay không, có tham lam hay không...Còn đứng ở phương diện quốc gia, người dân biết hết và đối xử công bằng lắm. Bởi vậy, lãnh đạo đừng có lo dân không hiểu mình, chỉ nên lo mình có đủ sức làm được hay không.

Theo VNN