|
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM sáng 13-6.
Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM - cho rằng hành phố cần quy định cụ thể một công trình có số vốn bao nhiêu, ảnh hưởng thế nào người dân thì buộc phải qua phản biện độc lập, không phải phản biện ở cấp nội bộ các sở như hiện nay.
“Phản biện độc lập thì mới có thể nói thẳng, nói thật. Nhưng nhiều đơn vị phản biện dưới quyền giám đốc sở nên không thể không ủng hộ dự án" - ông Giao nói.
Đối với khoa học thì không có nhà khoa học già, mà chỉ có nhà khoa học lớn tuổi với nhiều kinh nghiệm và vẫn còn đam mê, cống hiến
Bí thư Thành ủy TP.HCM ĐINH LA THĂNG
Theo ông, hiện có tình trạng khi dự án có sự cố, thành phố yêu cầu báo cáo thì sở ngành mới mời phản biện. Nhưng "thật ra cũng chỉ là phản biện cho vui".
Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - TS Trần Công Hoàng Quốc Trang - thẳng thắn: "Tôi thấy lãnh đạo thành phố chưa thật quan tâm phát huy được vai trò của trí thức thành phố. Không nên phân biệt trí thức già hay trẻ, quan trọng là đóng góp nhiều".
TS Trang nêu ngay dẫn chứng dự án nâng đường Kinh Dương Vương vừa qua ảnh hưởng gần 500 hộ dân nhưng các sở ngành cứ làm, không cần ý kiến phản biện của nhà khoa học.
“Tôi đề nghị lãnh đạo thành phố không nên chỉ giải quyết một vụ việc cho dân họ sướng mà phải xử lý các vấn đề mang tính khoa học, lâu dài” - TS Trang nói.
Nguyên giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Phan Minh Tân nêu một bất cập là hiện cách tính kinh phí nghiên cứu theo "một trang giấy mấy trăm nghìn" rất không khoa học, bởi "có khi chỉ một trang thôi nhưng rất nhiều chất xám”.
Ông Tân đề nghị phải tính theo kinh tế thị trường, sòng phẳng, nhà khoa học làm được công trình thiết thực, hiệu quả thì phải trả tiền nhiều.
"Làm sao để các nhà khoa học cùng tham gia xây dựng dự án. Còn khi đã triển khai rồi thì việc phản biện không còn ý nghĩa nữa" - ông Tân nói.
Sau khi lắng nghe các nhà khoa học, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định: "Lãnh đạo thành phố sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học với tinh thần cầu thị, cầu hiền và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học có thể cống hiến hết mình".
Chia sẻ với các ý kiến vừa nêu, ông Thăng nói: "Đối với khoa học thì không có nhà khoa học già, mà chỉ có nhà khoa học lớn tuổi với nhiều kinh nghiệm và vẫn còn đam mê, cống hiến".
Theo Bí thư Thành ủy, năng lực cạnh tranh của thành phố có cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào ngành khoa học - công nghệ.
Trả lời vấn đề cơ chế phản biện, Bí thư Đinh La Thăng khẳng định cần phải thể chế hóa hoạt động tư vấn phản biện độc lập vì đây là nhu cầu thực sự. Hội đồng tư vấn phản biện mà thuộc sở và là cấp dưới của giám đốc sở thì khó mà khách quan được.
Ông đề nghị lãnh đạo UBND TP cần có chỉ đạo cụ thể hóa việc phản biện về các dự án.
Rà soát cơ chế
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm chỉ đạo các sở ngành phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách và công bố rõ để các nhà khoa học chủ động lựa chọn đề tài nghiên cứu.
Những vấn đề nào chưa phù hợp phải nhanh chóng chỉnh sửa, kiến nghị để tạo “hành lang” thông thoáng cho các nhà khoa học góp sức.