|
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại buổi họp báo |
Có vội vã!
Sáng 21/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì Họp báo năm 2016 với nhiều nội dung liên quan đến dự án xây dựng hầm chui vượt sông Hàn. Tại buổi Họp báo, phóng viên đã giành nhiều thời lượng cho các vấn đề liên quan đến việc lãnh đạo Đà Nẵng quyết định xây hầm qua sông Hàn với quan điểm dự án chưa nhận được sự đồng thuận cao của dư luận và cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước kho ra quyết định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi cũng chưa vội đưa ra ý kiến của mình và sẽ lắng nghe cho hết các ý kiến phản biện rồi mới ra quyết định đúng đắn. Riêng về chuyên môn, Giám đốc Sở GTVT sẽ trả lời vấn đề này".
Nhận chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Lê Văn Trung, GĐ Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: Việc chọn vị trí để xây dựng công trình vượt sông là phù hợp với quy hoạch chung của TP. Về trục giao thông, sẽ giải tỏa được áp lực giao thông từ khu vực trung tâm từ bờ Tây và khu vực dân cư ở cụm chung cư phía bờ Đông sông Hàn và khu vực phía bắc quận Sơn Trà.
Nhất là khi giải tỏa nhà ga đường sắt cũ, thì nơi đây sẽ hình thành cụm đô thị mới, cần giải quyết nhu cầu giao thông đô thị. Qua theo dõi, từ năm 2005-2010, mật độ giao thông Đà Nẵng phát triển rất nhanh, mất kiểm soát nên gây ùn tắc giao thông. Với việc phát triển của TP, rất cần hình thành trục giao thông và phát triển du lịch nên việc cần có một công trình vượt sông Hàn là rất cần thiết".
"Sau khi tiến hành nghiên cứu, xem xét, thì có 2 tuyến cong và thẳng. Còn công trình hầm hay cầu thì đến nay vẫn chưa chọn lựa. Trước mắt là cần công trinh vượt sông để giải quyết bài toán quy hoạch và phát triển TP. Phương án hầm hay cầu cũng được đưa ra xem xét và cuộc thi lựa chọn phương án vượt sông Hàn được đưa ra.
Theo phương án đi thẳng có thuận lợi, nhưng dính đến giải tỏa, còn đi đầu đường Như Nguyệt thì ít dính giải tỏa. Hiện chúng tôi đang tiếp tục làm việc với phía tư vấn Nhật Bản về các phương án này", ông Lê Văn Trung cho hay.
Sau trả lời của Sở GTVT, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chia sẻ: "Về chủ trương, ý kiến phản biện của dư luận thì tôi ghi nhận và lắng nghe. Nói chúng ta vội vã, vậy chúng ta có vội vã không, có gấp gáp không. Tôi khẳng định là không, vì đây là dự án có thể coi là được thực hiện kỹ nhất từ trước đến nay với ý tưởng từ năm 2015 đến nay. Để ra được quyết định về mặt chủ trương, Thường vụ Thành ủy đã phải họp 3 phiên, mỗi phiên cách 4-5 tháng. Và sắp đến sẽ có thêm một phiên họp thứ 4 vào cuối năm để nghe báo cáo phương án đâu tư, tiền ở đâu, sẽ làm như thế nào...
Có thể sẽ thêm nhiều phiên họp nữa vì cần chặt chẽ. Còn nói chúng tôi vội vã là chưa chuẩn xác, chúng tôi rất dân chủ, rất chặt chẽ để xin chủ trương của Thường vụ".
"Giao thông phải đi trước một bước từ 5-10 năm. Khi phê duyệt, bắt tay vào thi công thì phải mất vài năm, 5-7 năm sau mới xong chứ không phải ngồn bàn ra bàn vô, bàn hoài rồi trôi qua", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.
Chịu trách nhiệm về quyết định!
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định: "Còn việc có nên làm hay không nên làm thì chúng tôi nói là phải làm. Không phải nghe người này, người kia mà không chúng tôi có thể làm hay không làm. Chúng tôi không nghe ai cả, chúng tôi sẽ cân nhắc, quyết định trên tinh thần tầm nhìn, tương lai của TP. Thông cảm là chúng tôi là lãnh đạo TP nên chúng tôi có quyền quyết định. Chúng tôi ko nghe bên này không, nghe bên kia có, mà chúng tôi sẽ quyết định trên cơ sở lắng nghe. Chúng tôi không ngồi trên dư luận, không bất chấp dư luận, nhưng lắng nghe dư luận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình".
Đồng quan điểm này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chia sẻ: "Với sự tăng trưởng của xe ô tô là 12%/năm, xe máy là 8%/năm, thì việc hình thành công trình là cần thiết. Chưa nói là 5-10 năm nữa, khi dân số tăng lên thì rất cần có công trình để giảm tải giao thông. Các ý kiến phản biện của các cựu lãnh đạo TP chúng tôi cũng đã xem xét, tuy nhiên vấn đề là cần đảm bảo tầm nhìn giao thông lâu dài, chứ không thể dồn tất cả vào một cụm như mở rộng cầu Sông Hàn là không hợp lý".
"Có đồng chí nói không nên làm thì cũng có nhiều đồng chí, chuyên gia khuyên nên làm. Có nhiều người nói làm hầm là nhân văn, mưa gió dân có thể đi qua, vì cầu thì mưa gió đi lại khó khăn. Chúng ta không để đáp ứng yêu cầu, thỏa mãn ý kiến của tất cả mọi người được, chỉ cần trên 51% thôi thì chúng ta có thể quyết định. Vấn đề chúng tôi cân nhắc là có xâm hại đến lợi ích của nhân dân TP hay không, ảnh hưởng chung không. Chúng tôi đặt lợi ích của nhân dân TP lên trên.
Vấn đề liên quan đến dự án này là rất khách quan, vô tư và không phải vì nổi tiếng vì cả thế giới đã làm. Nếu bỏ thêm 1.000 tỷ mà giải quyết được đầy đủ các vấn đề của sự phát triển đô thị thì cũng cần phải đầu tư để phát triển. Mục đích duy nhất là vì sự phát triển của Đà Nẵng và chúng ta tin rằng đúng là quyết làm".
"Đã nhận trách nhiệm lãnh đạo thì đến lúc phải quyết định là cầu hay là hầm chứ. Hầm thì sao hầm mà cầu thì vì sao là cầu, cứ nói hoài hết năm này sao được. Làm mới khó chứ đứng ngoài nhìn chỉ vào thì rất dễ.
Mỗi thời sẽ có mỗi cách thức khác nhau, nhưng rất dân chủ, cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta cứ khách quan, minh bạch quyết định với tình yêu đối với Đà Năng. Tôi dám chắc không ai yêu Đà Nẵng như chúng tôi, những người ngồi đây. Chúng tôi quyết định vì tình yêu đối với Đà Nẵng. Và người có ý nghĩa cao nhất đối với các quyết định là 1 triệu dân Đà Nẵng chứ không phải vì ý kiến của bất cứ ai", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.