Ông Dương Thành Trung - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết dự kiến cuối tuần này Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ xem xét xử lý kỷ luật đối với ông Trần Hoàng Duyên, nguyên bí thư Huyện ủy Phước Long, do để xảy ra nợ nần khi xây dựng nông thôn mới (NTM).
Trước đó, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có kết luận kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Duyên và các ông Phan Thành Đông (chủ tịch UBND huyện) và Lâm Thành Sáo (phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Phước Long, trước đây là phó chủ tịch UBND huyện Phước Long).
Hệ quả của việc nóng vội xây dựng NTM của lãnh đạo huyện làm địa phương này đến cuối năm 2015 nợ 400 tỉ đồng.
Chạy theo thành tích
Thực hiện chủ trương của trung ương về xây dựng NTM, tỉnh Bạc Liêu chọn huyện Phước Long làm điểm xây dựng NTM.
Kết luận cho thấy: ngay sau khi được chọn, do nóng vội và chạy theo thành tích, Huyện ủy, UBND huyện Phước Long lập tức cho xây dựng ồ ạt các công trình phục vụ NTM và không lâu sau đó huyện Phước Long trở thành con nợ lớn của các nhà thầu, các cơ sở bán vật liệu xây dựng...
Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu, có nhiều việc “tưởng rất khó xảy ra” nhưng vẫn xảy ra.
Chẳng hạn, có nhiều dự án vì lý do chưa cân đối được vốn, chưa bố trí được vốn nhưng được huyện cho nhà thầu ứng vốn trước để thi công.
Thậm chí có dự án đang thi công dở dang thì hết vốn nhưng vẫn được ông Duyên chỉ đạo tiếp tục cho khởi công các dự án mới. Đây được xem là nguyên nhân khiến nợ đọng xây dựng cơ bản tăng nhanh.
Cụ thể, năm 2013 nợ đọng khoảng 124 tỉ đồng, đến năm sau tăng lên hơn 211 tỉ đồng và đến cuối năm 2015 con số này là gần 400 tỉ đồng.
Cá nhân ông Trần Hoàng Duyên đã chỉ đạo tạm ứng ngân sách trả tiền mua vật tư xây dựng thi công theo phương thức trả chậm, đặc biệt là mua không qua đấu thầu chào hàng cạnh tranh.
Thời điểm cuối năm 2015, số tiền mua vật tư theo hình thức này đã lên tới hơn 70 tỉ đồng, hiện còn nợ các đơn vị bán vật tư hơn 4,6 tỉ đồng.
“Bình luận” về kết luận kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu, một cán bộ là nguyên ủy viên thường vụ Huyện ủy Phước Long (nhiệm kỳ 2010-2015) cho biết thời điểm năm 2013-2014, bí thư Huyện ủy Trần Hoàng Duyên chỉ báo cáo với ban thường vụ Huyện ủy là nợ khoảng 136 tỉ đồng, trong khi còn các nguồn như bán đất công, nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM... đủ khả năng trả nợ.
Vì vậy ban thường vụ Huyện ủy cho chủ trương tiếp tục triển khai. “Sau khi có chủ trương này thì các ông ấy (ông Duyên, ông Đông và ông Sáo) điều hành, không có báo cáo với ban thường vụ Huyện ủy nữa” - vị cán bộ này nói.
Huyện Phước Long (Bạc Liêu) là một trong những địa phương đã vung tay quá trán khi xây dựng nông thôn mới, dẫn đến vỡ nợ. Trong ảnh: tuyến đường thuộc xã Hưng Phú có nhiều cầu thi công dở dang vì... hết vốn - Ảnh: Chí Quốc |
Lãnh đạo huyện cho vay tiền tỉ
Nợ nần chồng chất, đến giữa năm 2015, hàng ngàn giáo viên, công chức của huyện nhiều tháng liền không được phát lương do ngân sách sạch tiền.
Tuy nhiên trong thời điểm đó, tiền từ ngân sách chi cho huyện vẫn đều đều nhưng lại... chuyển vào tài khoản của cá nhân và người thân hàng loạt lãnh đạo huyện.
Cụ thể, nhiều lần chuyển cho ông Trần Hoàng Duyên và vợ với số tiền gần 11,717 tỉ đồng; chuyển cho ông Lâm Thành Sáo (thời điểm đó là phó chủ tịch UBND huyện) trên 5,5 tỉ, chuyển vào tài khoản của ông Phan Thành Đông số tiền 1,4 tỉ đồng...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hoàng Duyên thừa nhận có các khoản giao dịch trên và giải thích: sở dĩ có chuyện tiền ngân sách chảy vào tài khoản của ông là do “trước đó tôi đã cho huyện vay để xây dựng NTM”. Có thời điểm, số tiền ông Duyên cho huyện vay đến 13,450 tỉ đồng.
Về số tiền cho vay, đến nay ông Duyên cho biết đã thu hồi 11,7 tỉ đồng, nghĩa là huyện Phước Long vẫn còn nợ ông Duyên và gia đình 2 tỉ đồng. Trong đó, số tiền lãi ông Duyên thu được là 267 triệu đồng.
Không chỉ có ông Duyên, nhiều lãnh đạo huyện này cũng có cho ngân sách huyện mượn tiền làm NTM.
Ông Lâm Thành Sáo cho ngân sách huyện “mượn” 5,3 tỉ đồng, đến khi “chốt sổ” thì số tiền lãi ông Sáo thu được là 216 triệu đồng.
Người cho ngân sách vay số tiền ít nhất trong số các lãnh đạo huyện Phước Long là chủ tịch UBND huyện Phan Thành Đông: cho vay 1,4 tỉ đồng, lấy lãi 80 triệu đồng.
Ông Lâm Thành Sáo giải thích: số tiền cho huyện vay ông chỉ lấy lãi đúng theo lãi suất ngân hàng.
“Lúc đó mình có tiền nhàn rỗi nhưng ngân sách thiếu thốn, nợ lương nhiều mà mình không cho mượn thì kỳ quá. Thời điểm đó là như thế, chứ mình là đảng viên, nếu làm sai thì chấp hành các hình thức xử lý của đảng, của cấp trên thôi” - ông Sáo nói.
Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, lãi suất ở đây là theo lãi suất cho vay.
Không làm dự án mới
Ông Đặng Tiến Út - ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, bí thư Huyện ủy Phước Long - cho biết ngay thời điểm ông đảm nhận chức vụ (cuối năm 2015), huyện đã nợ lương giáo viên, cán bộ công chức hơn bốn tháng với tổng số tiền khoảng 100 tỉ đồng, ngoài ra còn nợ tiền xây dựng cơ bản hơn 200 tỉ đồng.
Ông đã chỉ đạo Phòng tài chính huyện tập trung giải quyết ngay “điểm nóng” nợ lương giáo viên, cán bộ công chức và đối tượng chính sách. Nhờ đó sự việc nóng nợ lương người làm công ăn lương mới giảm nhiệt.
Tuy nhiên, ông Út cho biết đến nay mới trả được 32 tỉ đồng cho các doanh nghiệp. Số tiền nợ xây dựng cơ bản còn lại khoảng 200 tỉ đồng, “sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm trong năm nay hoặc trễ lắm là năm tới”.
Để làm được việc này, theo ông Út, tất cả các dự án, công trình xây dựng cơ bản mới đều phải tạm dừng lại, cái nào đang dở dang sẽ cố gắng hoàn thành, không làm dự án mới.
Về hướng giải quyết dứt điểm số nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại, ông Út cho rằng ngoài giải pháp không xây mới công trình như đã nêu trên còn việc tỉnh sẽ cho ứng vốn, đồng thời ưu tiên ghi vốn hàng năm cho Phước Long nhiều hơn để trả dần cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chờ “giải quyết dứt điểm”
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM ở huyện Phước Long cho biết ngoài được trả một ít trong dịp Tết Nguyên đán 2016, đến nay vẫn chưa được trả thêm.
Các doanh nghiệp cho biết họ được lãnh đạo của huyện Phước Long hứa sau khi có kết luận giải quyết sai phạm của các lãnh đạo huyện nhiệm kỳ trước đó sẽ được tỉnh bố trí thêm vốn trả cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi vẫn đang chờ giải quyết dứt điểm sau khi có kết luận về sai phạm của các cá nhân lãnh đạo huyện trước đây. Dù đang phải chịu lãi từng ngày nhưng chúng tôi vẫn sẽ bấm bụng chờ thêm một thời gian nữa xem sao”, lãnh đạo một doanh nghiệp bị nợ hơn 1 tỉ đồng xin không nêu tên cho biết.
Như Tuổi Trẻ từng phản ánh, thực hiện chủ trương xây dựng huyện Phước Long trở thành huyện điểm NTM của ĐBSCL (giai đoạn 2010-2015), lãnh đạo huyện này đã “dồn sức” bằng cách huy động hết các khoản chi thường xuyên và ứng trước của doanh nghiệp để làm các công trình cơ sở hạ tầng như đường, cầu, bờ kè, nhà văn hóa ấp...
Việc này đã làm ngân sách huyện nợ đầm đìa, lên đến 400 tỉ đồng. Trong khi đó, mỗi năm ngân sách huyện này chỉ thu được khoảng 50 tỉ đồng.
Không để lặp lại chuyện Phước Long
Ông Dương Thành Trung - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã hai lần cho chủ trương tạm ứng khoảng 80 tỉ đồng để giải quyết các vấn đề “nóng” của huyện Phước Long trong nợ nần.
Đầu năm 2016, khi phân bổ ngân sách huyện đã trả lại. Gần đây nhất tỉnh đã hỗ trợ 17 tỉ đồng để huyện giải quyết các vấn đề bức xúc khác. Số nợ còn lại sẽ cân đối vốn năm 2016 để hỗ trợ Phước Long, chủ yếu để trả nợ, không xây dựng mới.
Ngoài ra còn cân đối các nguồn bán đấu giá nhà đất công của huyện và phần còn lại là cân đối vốn hằng năm, ưu tiên vốn cho huyện Phước Long.
Theo ông Trung, rút kinh nghiệm từ huyện Phước Long “làm không tốt”, nhiệm kỳ 2015-2020 tỉnh có xây dựng NTM ở huyện Vĩnh Lợi “nhưng không để lặp lại chuyện của Phước Long”.
Theo đó, tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể phần nào dùng ngân sách nhà nước, phần nào kêu gọi xã hội hóa và không làm theo kiểu vung tay tiêu tiền, biến mọi chuyện thành “chuyện đã rồi” khi không có vốn.
Ngoài ra tỉnh cũng sẽ làm có trọng tâm trọng điểm bằng việc tập trung cho từng xã, làm dứt điểm rồi dồn cho xã khác chứ không làm tràn lan.
Theo Tuổi trẻ