Bị tàu Trung Quốc chiếm ngư trường, tàu cá Nhật mất nơi đánh bắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Trước sự xuất hiện của hàng nghìn tàu cá Trung Quốc, các tàu cá của Nhật Bản đã phải tạm rời khỏi ngư trường quen thuộc của họ.
Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản đã hơn 100 lần xua đuổi tàu cá Trung Quốc khỏi vùng biển Nhật trong năm nay (Ảnh: Japan Coast Guard)
Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản đã hơn 100 lần xua đuổi tàu cá Trung Quốc khỏi vùng biển Nhật trong năm nay (Ảnh: Japan Coast Guard)

Hàng nghìn tàu cá của Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu rời khỏi khu vực ngư trường nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, vùng bờ biển Tây Bắc nước này. Sự việc cuối cùng khiến cho Cơ quan Ngư nghiệp ở Tokyo phải khuyến cáo các tàu cá Nhật Bản tìm ngư trường khác để tránh đụng độ.

Cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản hôm 21/10 nói rằng, các tàu tuần tra của họ đã yêu cầu 2.589 tàu cá Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Nhật Bản xung quanh ngư trường Yamatotai vào cuối tháng 9 vừa qua. Số lượng tàu cá của Trung Quốc cao gaapf gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lực lượng cảnh sát biển của Nhật Bản cũng xác nhận thông tin rằng các tàu của họ đưa ra yêu cầu tương tự với 102 tàu cá Trung Quốc trong khoảng thời gian từ đầu năm đến ngày 16/10.

Khu vực Yamatotai, cách bán đảo Nôt khoảng 350 km, vốn là ngư trường quen thuộc của các tàu cá Nhật Bản. Họ thường tới ngư trường này để đánh bắt loài mực bay “surumeika” và cua trong những tháng mùa Thu.

Trong những năm trước, chính quyền Nhật Bản cũng gặp vấn đề tương tự với các tàu đánh cá của Triều Tiên hoạt động trong khu vực, với khoảng 4.000 tàu Triều Tiên được phía Nhật Bản yêu cầu rời khỏi khu vực này trong năm 2019.

Xung đột giữa hai bên kể từ đó tăng nhiệt, trong đó một tàu cảnh sát biển Nhật Bản đã va chạm với một tàu của Triều Tiên trong tháng 10 năm ngoái. Tàu của phía Triều Tiên bị chìm, 60 thủy thủ được cứu và chuyển lên các tàu cá khác.

Trong năm nay, lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản chỉ đối đầu với duy nhất 1 tàu của Triều Tiên. Nhưng vấn đề quan ngại hiện nay là họ gặp nhiều khó khăn trong việc xua đuổi hàng nghìn tàu cá Trung Quốc khỏi khu vực này.

Akitoshi Miyashita, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc ĐH Quốc tế Tokyo, nói rằng chính phủ Nhật Ban có thể đã mắc sai lầm khi chỉ thị các tàu cá của họ rời khỏi ngư trường quen thuộc.

“Tàu cá Trung Quốc ở càng lâu trong khu vực này, càng khó để buộc họ rời đi” – ông Miyashita nói – “Chính phủ Nhật pahir làm gì đó để buộc họ phải rời khỏi bởi nếu họ không gặp phải thách thức nào và được phép ở lại, vậy thì hoạt động trong vùng biển đó sẽ trở thành một thực tế mới”.

“Và với thực tế như vậy, sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc đi sâu hơn vào vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản” – ông Miyashita nói thêm.

Giới phân tích cho rằng có một số lý do giải thích việc tàu cá Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản. Một giả thuyết cho rằng, các vùng biển gần với cảng nhà của ngư dân Trung Quốc bị đánh bắt quá độ, bởi vậy ngư dân ở đây phải đi đánh bắt xa hơn.

Một giả thuyết khác thì cho rằng Trung Quốc đang thư thách quyết tâm của Nhật Bản trong vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, cách phản ứng của lực lượng cảnh sát biển, thậm chí là quân đội, của Nhật Bản.

“Nếu vấn đề chỉ là ngư dân đi tìm các ngư trường mới, vậy thì nó có thể được giải quyết trong các vòng đàm phán giữa chính phủ hai nước” – ông Miyashita nói – “Nhưng nếu là giả thuyết thứ hai, thì lại là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều”.

Ngư dân Nhật Bản, những người đã coi Yamatotai là ngư trường truyền thống của họ, được cho là đã rất phẫn nộ khi có khuyến nghị rời khỏi đó và trước cách phản ứng mềm yếu của chính phủ trước tình hình.

Hiroshi Kishi, Giám đốc Liên đoàn quốc gia các hợp tác xã thủy sản Nhật Bản, đã tới gặp giới chức ở một số bộ ngành ở thủ đô Tokyo hồi đầu tháng này và yêu cầu chính quyền cho phép các thành viên trong liên đoàn được trở lại ngư trường cũ.

“Chính phủ Nhật Bản nên đưa ra cách phản ứng kiên quyết, để các tàu của Nhật có thể nối lại hoạt động đánh bắt” – ông Kishi nói với hãng truyền thông địa phương.

Hiện chưa rõ liệu chính phủ Nhật có điều thêm các tàu cảnh sát biển tới khu vực ngư trường này để bảo vệ các tàu cá nước họ và xua đuổi các tàu nước ngoài thâm nhập hay không.