Bị phương Tây gây sức ép, tình bạn giữa ông Tập và ông Putin tăng lên rõ rệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Do cùng phải đối mặt với sức ép lớn từ phương Tây, lãnh đạo Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Quan hệ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin ngày càng trở nên thân thiết (Ảnh: TASS)
Quan hệ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin ngày càng trở nên thân thiết (Ảnh: TASS)

Chung tay trước sức ép từ phương Tây

Trong lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa áp lệnh trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu Moscow “xâm lược” Kiev, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời mời nồng nhiệt tới lãnh đạo Nga như một vị khách danh dự trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh.

Và khi ông Biden cùng các nhà lãnh đạo phương Tây tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Bắc Kinh do các quan ngại về nhân quyền, Tổng thống Putin lại nằm trong số những vị khách “VIP” ít ỏi ủng hộ sự kiện thể thao mà Trung Quốc đăng cai tổ chức.

Điều này cũng giống như tình thế trong năm 2014, khi ông Tập có màn xuất hiện đáng chú ý tại Thế vận hội Mùa Đông ở Sochi, Nga, giữa lúc ông Putin đang bị giới lãnh đạo phương Tây chỉ trích cũng vì những quan ngại nhân quyền. Trong những năm tiếp theo, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tới gần 30 lần và trở thành “những người bạn thân”, như ông Tập mô tả về mối quan hệ giữa họ.

Nga và Trung Quốc rõ ràng đã tạo dựng nên một thứ giống với khối liên minh “không có giới hạn, hạn chế”, theo giới quan sát. Hai bên thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung, chương trình không gian chung và thậm chí có thể hợp tác chế tạo các hệ thống phòng thủ tên lửa. Giai đoạn hiện nay trong mối quan hệ Nga-Trung có thể chỉ sau quan hệ đồng chí giữa hai nước trong những năm 1950, khi Trung Quốc đang chống lại Mỹ và lực lượng đồng minh trong Chiến tranh Triều Tiên.

Trong suốt 7 thập kỷ qua, hai nước từng phải trải qua sự khác biệt về tư tưởng hệ, các cuộc xung đột biên giới và nhiều năm đối đầu quân sự, và cả việc Trung Quốc phát triển mối quan hệ với Mỹ, cho đến khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga ban đầu muốn hình thành một nền dân chủ phân lập quyền lực, nhưng đến thời Boris Yeltsin, Nga vỡ mộng với “nền dân chủ phương Tây” cả trong các vấn đề trong và ngoài nước, Chen Jun, Giáo sư tại ĐH Mẫu Đơn Giang (Mudanjiang), nhận định.

“Việc Nga phương Tây hóa đã không thể giảm nhẹ được sự mở rộng của NATO và sự chèn ép kinh tế của Mỹ” – ông Chen nói – “Lời hứa hẹn hỗ trợ cải cách chính trị và kinh tế của Mỹ dưới thời Liên Xô cũng không hoàn toàn được thực hiện.”

Ông Chen nói rằng, ở giai đoạn đầu của thời kỳ Yeltsin, Nga cực kỳ bất ổn về mặt chính trị, với vô số lần thay đổi Thủ tướng và giới chức chóp bu trong chính phủ. Việc phát triển một nền kinh tế thị trường cũng không đạt được hiệu quả như mong đợi.

“Kết quả là, cuối thời kỳ Yeltsin, Nga bắt đầu dần dần tập trung quyền lực” – ông nói, thêm rằng “với sự phục hồi dần dần của nền kinh tế Nga, nước Nga dưới thời Tổng thống Putin bắt đầu chứng kiến sự chuyển dịch sang phi phương Tây và tăng các sáng kiến địa-chính trị”.

Giáo sư Artyom Lukin, đến từ ĐH Viễn Đông Liên bang Nga, nói rằng: “Nếu Mỹ tiếp tục chính sách kìm hãm cả Nga lẫn Trung Quốc như hiện nay, thì sự phát triển của khối bán liên minh (quasi-alliance) giữa Nga và Trung Quốc sẽ không có giới hạn trong tương lai.”

Moscow đã bắt đầu gần gũi hơn với Bắc Kinh kể từ năm 1996 nhờ quan hệ “đối tác chiến lược”, nhằm đối phó với ưu thế vượt trội trên toàn cầu của Mỹ.

Hai nước láng giềng giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và ký một hiệp định vào năm 2001. Lấy đó làm nền tảng, hai nước cuối cùng thiết lập nhiều dự án và cơ chế hợp tác chiến lược, như Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) nhằm hội nhập khu vực Trung Á. Tháng 9 năm ngoái, SCO bắt đầu quy trình để trao tư cách thành viên đầy đủ cho Iran.

Lãnh đạo của 5 quốc gia Trung Á cũng đã tuyên bố rằng họ sẽ tham dự Thế vận hội tổ chức tại Bắc Kinh trong tuần tới.

Quan hệ gần gũi

Trong khi đó, mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Tập cũng đã trở nên gần gũi hơn kể từ năm 2014.

Sau Thế vận hội Sochi, quan hệ giữa Nga với phương Tây suy giảm nhanh chóng do vấn đề Crimea. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc bấy giờ còn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược của Mỹ và khơi dậy một cuộc chiến thương mại giữa hai nước – giờ đã biến thành một cuộc cạnh tranh trên hầu hết mọi lĩnh vực.

Nga và Trung Quốc không chỉ xích lại gần nhau, mà còn thống nhất quan điểm đối với các vấn đề như Iran, Trung Đông và Trung Á.

Về vấn đề Iran, cả Trung Quốc và Nga đều nói rằng họ phản đối Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Tehran. Tuần trước, Trung Quốc, Iran và Nga đã thực hiện cuộc tập trận hải quân kéo dài 3 ngày ở Vịnh Oman.

Ở Trung Á, Bắc Kinh ủng hộ việc Nga triển khai binh sĩ tới bình ổn cuộc bạo loạn ở Kazakhstan. Ông Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc ủng hộ các biện pháp mà người Kazakhstan áp dụng nhằm vãn hồi an ninh, và phản đối các thế lực bên ngoài đang kích động “cách mạng màu” ở đất nước Trung Á này.

Giờ, đối mặt với sức ép liên tục ở châu Âu và Ấn Độ-Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nga bị dồn vào vị trí “tựa lưng vào nhau” ở Á-Âu.

Do sự ngờ vực về những cam kết an ninh của Mỹ trong khu vực – từ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trong năm 2018 và việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan trong năm ngoái – nên Nga và Trung Quốc đã có được cơ hội để tăng cường cam kết của họ.

“Đối với Trung Quốc, Nga không chỉ là đạo quân hậu tập chiến lược ổn định và một nguồn cung ứng nguồn lực đáng tin, mà còn giúp tăng cường nỗ lực đối phó với Mỹ nhờ vào các nguồn lực chính trị và quân sự riêng” – Wan Qingsong, Giáo sư đến từ Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc ĐH Sư phạm Hoa Đông, nhận định.

Đối với Nga, Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu trong cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra.

“Nga có thể muốn có một cử chỉ ủng hộ từ Trung Quốc để loại bỏ thế cô lập chính trị sản sinh ra bởi hàng loạt lời cáo buộc đến từ phương Tây” – Danil Bochkov, chuyên gia đến từ Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, nhận định.

Trung Quốc có thể hỗ trợ Nga nếu bị Mỹ trừng phạt

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có thể tạo cho Nga một số điều kiện thuận lợi để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, theo Yang Cheng, Chủ tịch điều hành Học viện Quản lý toàn cầu và Nghiên cứu khu vực, thuộc ĐH Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải.

“Hai bên đã tăng cường giải quyết các vấn đề về tiền tệ trong những năm gần đây, và kể cả khi Mỹ có áp lệnh trừng phạt với Nga, Trung Quốc vẫn sẽ thực thi các hoạt động kinh tế và thương mại bình thường với Nga theo cách hợp lý nhất có thể” – ông Yang cho hay.

Với Iran, có nhiều cuộc thảo luận về việc hình thành một mặt trận đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Wan nói rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ Nga – trong trường hợp bị Mỹ áp lệnh trừng phạt – một cách tích cực hơn, bởi Trung Quốc cũng từng trải qua “nỗi đau, những lời đe dọa và thách thức thực sự” do quan hệ Mỹ-Trung suy giảm.

Trong khi hơn 100.000 binh sĩ Nga được điều động tới khu vực sát biên giới với Ukraine, có nhiều lo ngại rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào. Tổng thống Biden từng cảnh báo ông sẽ cân nhắc việc trừng phạt Nga nếu như Moscow đưa ra quyết định như vậy.

Trong một động thái nhằm ủng hộ Moscow, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong hôm thứ Năm tuần trước nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng những mối quan ngại của Nga về Ukraine nên được tôn trọng. Ông Vương nói rằng an ninh của một quốc gia không nên bị đem ra cân đếm với an ninh của nước khác, và an ninh khu vực không thể được đảm bảo bằng cách tăng cường hay mở rộng các khối quân sự.

“Những quan ngại an ninh hợp lý của Nga nên được xem xét một cách nghiêm túc và được giải quyết” – ông nói – “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và ngừng những hành động gây căng thẳng, và khiến cho cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.”

Theo SCMP