Bị làn sóng dịch thứ hai tấn công, Italy lại phải cầu viện Cuba

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhiều quốc gia châu Âu đang phải vật lộn trong làn sóng thứ hai của dịch bệnh COVID-19. Truyền thông Italy ngày 25/11 tiết lộ rằng một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đó có đảo Sicily, đang cầu viện y tế Cuba lần nữa.

Các nhân viên y tế Cuba tới giúp Italy chống dịch hồi tháng 3/2020 được đánh giá cao (Ảnh: kknews).
Các nhân viên y tế Cuba tới giúp Italy chống dịch hồi tháng 3/2020 được đánh giá cao (Ảnh: kknews).

Ngược lại thời gian, trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên hồi mùa xuân 2020, các nhân viên y tế Cuba cũng đã tới hỗ trợ Italy, và đã bị truyền thông Anh thổi phồng thành "ngoại giao bác sĩ".

Theo báo The Guardian của Anh ngày 25/11, các quan chức địa phương ở đảo Sicily, Italy, đã yêu cầu chính phủ Cuba giúp đỡ, với hy vọng La Habana sẽ cử khoảng 60 nhân viên y tế gồm bác sĩ và y tá tới giúp. Đối mặt với làn sóng dịch thứ 2, các bệnh viện tại đây đang ở trong tình trạng thiếu nhân lực y tế nghiêm trọng.

Tờ báo Italy La Repubblica (Nước Cộng hòa) đưa tin, yêu cầu này đã được đệ trình qua Đại sứ quán Italy tại Cuba trong tuần này, yêu cầu Cuba hỗ trợ các chuyên gia chăm sóc đặc biệt, y tá, bác sĩ gây mê, máy hô hấp nhân tạo, chuyên gia virus học và bác sĩ bệnh phổi.

Báo La Repubblica đưa tin đảo Sicily yêu cầu Cuba tới hỗ trợ chống làn sóng dịch COVID-19 thứ hai (Ảnh: Guancha).

Báo La Repubblica đưa tin đảo Sicily yêu cầu Cuba tới hỗ trợ chống làn sóng dịch COVID-19 thứ hai (Ảnh: Guancha).

Từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay, các đội y tế Cuba đã bay đến một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở Italy, như Lombardy và Piedmont, để hỗ trợ các nhân viên chống dịch ở Italy phải làm ​​việc quá sức.

Ông Renato Costa, Chuyên viên Ủy ban khẩn cấp chống dịch COVID-19 của Sicily, nói với La Repubblica rằng “Chính phủ Cuba có một nhóm các đội y tế tình nguyện sẵn sàng tới làm việc ở các quốc gia khác và chúng tôi tìm kiếm sự giúp đỡ của họ”.

"Chúng tôi biết rằng các khu vực khác của Italy cũng đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Cuba trong những tuần gần đây. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng họ sẽ đến với chúng tôi trước. Tôi đang liên hệ với đại sứ quán và họ bày tỏ hoan nghênh yêu cầu của chúng tôi".

Vào ngày 4/11, chính phủ Italy đã xác định Sicily là "vùng da cam" có nguy cơ cao, chủ yếu là do không đủ trang thiết bị y tế và giường trong các phòng chăm sóc đặc biệt. Ngày 23/11, Chính phủ Italy cũng yêu cầu thanh tra y tế điều tra xem Sicily có cố gắng tăng số giường ICU để tránh bị nâng cấp thành “vùng đỏ” có nguy cơ lây nhiễm cao hay không.

Các thày thuốc Cuba và Italy sát cánh cùng nhau đẩy lui COVID-19 hồi mùa xuân 2020 (Ảnh: Sohu).

Các thày thuốc Cuba và Italy sát cánh cùng nhau đẩy lui COVID-19 hồi mùa xuân 2020 (Ảnh: Sohu).

Hôm thứ Ba (24/11), 48 trường hợp tử vong mới đã được ghi nhận trong ngày trên hòn đảo, trở thành số người chết nhiều nhất trong một ngày kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại đây.

Làn sóng dịch thứ hai bùng phát một lần nữa bộc lộ tình trạng thiếu nhân viên chăm sóc đặc biệt ở Italy. Nhiều y tá sau khi trải qua đợt dịch mùa xuân đã chọn cách rời bỏ ngành hoặc nghỉ hưu sớm. Liên đoàn các bác sĩ Italy cho biết 27 nhân viên y tế đã thiệt mạng chỉ trong 10 ngày qua, trong khi 27.000 nhân viên y tế đã bị nhiễm SARS-CoV-2 trong tháng qua.

Hôm thứ Tư (25/11), Italy có thêm 722 ca tử vong do COVID-19 và 25.853 ca nhiễm mới.

Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nói, ông sẽ đệ trình kế hoạch vaccine mới của chính phủ Italy vào ngày 2/12. Ông nói: "Vaccine sẽ được mua tập trung. Tôi rất tin tưởng vào các cơ quan giám quản được thành lập để đảm bảo an toàn vaccine, nhưng chúng ta vẫn sẽ phải kiên trì giữ vững trong vài tháng trước khi bắt đầu một giai đoạn mới. Chúng ta không thể chịu được đợt dịch thứ ba".

Trong khi khu vực dịch bệnh của Italy đang háo hức mong chờ sự xuất hiện của dịch vụ chăm sóc y tế Cuba, người ta chú ý đến việc tờ The Guardian (Người bảo vệ) của Anh vào tháng 5 năm nay đã đăng một bài báo nhan đề “Ngoại giao bác sĩ, Cuba tìm kiếm để lại dấu ấn ở Châu Âu trong khủng hoảng COVID-19”.

Bài báo viết rằng trong các trận động đất ở Indonesia và Pakistan, dịch tả ở Haiti và dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, dịch vụ chăm sóc y tế của Cuba đã giành được sự khen ngợi của quốc tế vì công tác tại tuyến trước của họ. "Giờ đây, dịch vụ chăm sóc y tế của Cuba lại đến với chiến trường, ở một nơi ít thấy hơn: Châu Âu".

Báo Anh The Guardian viết về dấu ấn của Cuba ở châu Âu trong cuộc khủng hoảng COVID-19 (Ảnh: Guancha).

Báo Anh The Guardian viết về dấu ấn của Cuba ở châu Âu trong cuộc khủng hoảng COVID-19 (Ảnh: Guancha).

Cơ quan truyền thông Anh này cũng nói rằng trong nhiều thập kỷ, Cuba đã gửi các đội y tế ra nước ngoài để cứu sống sinh mạng và "ảnh hưởng đến người dân (địa phương)" và trích lời của cựu đại sứ Anh tại Cuba, Paul Hare gắn hành động này của Cuba với chính sách "ngoại giao bác sĩ", nói rằng trong khi Cuba cung cấp một số viện trợ miễn phí, họ cũng nhờ đó kiếm được nhiều ngoại hối.

Sau đó, bài báo dẫn lời Panichelli-Batalla, người đã phỏng vấn các nhân viên y tế Cuba, viết: “Nhưng cho dù ý định của họ là gì, cho dù họ có thể nhận được gì từ đó, thì điều chúng ta cần thừa nhận là họ đã làm một việc tốt”.

Marco Grimaldi, thành viên của hội đồng vùng Piedmont, Italy, đã đàm phán với các nhà ngoại giao Cuba để mời 39 nhân viên y tế Cuba tới giúp đỡ. Ông xúc động nói: "Ở Lombardy ... mỗi người dân đều biết ơn vì sự chuyên nghiệp, thái độ khiêm tốn và sự giúp đỡ của họ đối với một đất nước mà họ không hiểu lắm. Hãy tưởng tượng nếu châu Âu cũng làm được điều này".

Ông tin rằng người Cuba đã dạy cho châu Âu một bài học: “Trong vấn đề này (đối phó với đại dịch COVID-19), mọi người cần phải hợp tác”.