Trong văn bản của Grab Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ và một số bộ, ngành trung ương cho biết, tháng 11/2016, Sở GTVT Đà Nẵng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ này dừng ngay việc ký hợp đồng với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vậ tải hành khách theo hợp đồng mà không nêu thời hạn là chưa phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đồng thời làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc Sở GTVT Đà Nẵng căn cứ trên phản ánh của các đơn vị taxi trên địa bàn để yêu cầu Grab Việt Nam dừng triển khai là chưa thỏa đáng, có thể chưa phù hợp với tinh thần của Luật Cạnh tranh năm 2005.
Điều đáng lưu ý sau khi Grab Việt Nam báo cáo vụ việc, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục tạo thuận lợi và hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện Thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, UBND TP.Đà Nẵng vẫn chưa cho phép nối lại thí điểm ứng dụng Grab. Yêu cầu tạm dừng này đã ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của Grab Việt Nam tại Đà Nẵng nói riêng và tại các thành phố đã triển khai là Hà Nội và Tp.HCM nói chung.
Cùng với kiến nghị việc xin nối lại dịch vụ tại Đà Nẵng, Grab Việt Nam còn xin Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp xem xét lại tính pháp lý của văn bản số 5702/GTVT-QLVTPTNL ngày 21/11/2016 do Sở GTVT Đà Nẵng ban hành.