Chiều hôm qua 9/9, TAND quận 7 (TP.HCM) xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh viện FV), có chi nhánh tại quận 7, TP.HCM và bị đơn là bệnh nhân Nguyễn Thị M.C (ngụ tại khu dân cư Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM).
Bệnh nhân M.C hồi tháng 6/2018 đến khám tại Bệnh viện FV và được bác sĩ kết luận có dịch ứ trong lòng tử cung. Bác sĩ đã kê toa 10 viên Misoprotol 200mcg với liều lượng dùng 2 viên/lần trong 2 ngày và giải thích là nhằm đẩy “dịch ứ” ra ngoài. Sau khi uống Misoprotol, bà C bị đi vệ sinh ra máu, khi trở lại Bệnh viện FV để cấp cứu kết quả cho thấy bà C. mang thai.
Trên trang Facebook cá nhân, bà C đã có bài đăng tố bác sĩ FV chẩn đoán sai, cho thuốc phá thai, khiến bà mất con.
Phía Bệnh viện FV lại cho rằng: “Xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu kết quả âm tính; Siêu âm được thực hiện bởi một chuyên gia siêu âm thai, kết quả siêu âm cho thấy không có túi thai và có túi dịch hỗn hợp, nhiều khả năng là máu đông. Bác sĩ quyết định tháo máu lưu trong lòng tử cung bằng phương pháp hút hoặc bằng thuốc Misoprostol. Bà C đã chọn dùng thuốc Misoprostol vì bà lo ngại phương pháp hút sẽ gây đau”.
Bệnh viện FV cho biết đã làm đúng Luật Khám chữa bệnh, thành lập Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Từ Dũ. Toàn bộ hồ sơ liên quan đến bệnh nhân C cũng bị niêm phong theo yêu cầu của thanh tra Sở Y tế TP.HCM.
Vì bệnh nhân C. có bài đăng trên facebook cá nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của BV, nên Bệnh viện FV đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu bệnh nhân C phải xóa status, công khai xin lỗi trên ba tờ báo, bồi thường các chi phí lập vi bằng, chi phí thuê công ty truyền thông xử lý khủng hoảng, bồi thường tổn thất tinh thần, tổng cộng các khoản là 1.3 tỉ đồng.
Đại diện Bệnh viện FV khẳng định bệnh nhân bị hư thai có thể do đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trước đó. Theo Bệnh viện, các bác sĩ đã làm những gì tốt nhất cho sức khỏe của bệnh nhân trong trường hợp này.
Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn cũng không rút lại yêu cầu phản tố đòi bồi thường.
|
Phía bị đơn cũng cho rằng nguyên đơn đã có nhiều vi phạm gây thiệt hại, như về chuyên môn khi thăm khám bệnh, vội vàng kết luận, gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến tình trạng mất đi đứa con của bà.
Bệnh nhân C khẳng định chính vì sai phạm trong chuyên môn của bác sĩ Bệnh viện FV, khiến bị đơn phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, trong tháng đó nhiều lần phải nhập viện, đau đớn, giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần, cộng với tổn hại vật chất. Vì thế bị đơn phản tố, yêu cầu bồi thường số tiền hơn 143 triệu đồng.
Tuy nhiên, bệnh nhân C cũng cho HĐXX biết là đã trình bày với bác sĩ khám bệnh là trước khi đến Bệnh viện FV bà có uống một viên thuốc ngừa thai; sau đó, trong hồ sơ lại ghi là: “Khoảng 3 đến 4 tuần trước khi đến Bệnh viện FV, bà C. đã hai lần dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp”. Ngoài ra, bị đơn cung cấp thông tin tên của bà trong hồ sơ của Bệnh viện FV ghi không đúng. Bà C. đã đề nghị ghi lại cho đúng sự thật.
Phiên tòa sơ thẩm sẽ tiếp tục vào ngày 23/9.