|
Đại diện Bộ Y tế trao danh hiệu Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. |
Với danh hiệu này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam trở thành một trong số bốn bệnh viện đầu tiên trên cả nước được nhận được danh hiệu này từ Bộ Y tế.
Phát biểu tại buổi trao chứng nhận, ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) - cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam xứng đáng nhận được danh hiệu nhờ những nỗ lực, tâm huyết trong việc thực hiện đúng quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm cho mẹ và bé và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.
Còn ông Roger Mathisen - Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Khu vực Đông Nam Á - cho rằng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam xứng đáng là mô hình điểm cho các cơ sở y tế khác học tập về công tác chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, mà người đồng hành khi sinh là một sáng kiến nhằm đảm bảo rằng sản phụ được chăm sóc tốt nhất, giúp sản phụ có một trải nghiệm sinh tích cực.
Không những vậy, qua khảo sát sản phụ, tỷ lệ da kề da đủ 90 phút ở bệnh viện đạt 92% trong cả sinh thường và sinh mổ, tỷ lệ bú sớm đạt 90%, và người đồng hành khi sinh là một nhân tố quan trọng để giúp bệnh viện đạt được tỷ lệ đó.
Là bệnh viện hạng II, đơn vị sự nghiệp thực hiện chức năng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các địa phương lân cận, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thực hiện khoảng 5.000 ca/năm.
Tại Bệnh viện, bên cạnh việc triển khai thực hiện da kề da liên tục 90 phút sau sinh và tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, sản phụ được chọn bất cứ một người nào để hỗ trợ mình trong suốt quá trình chuyển dạ nếu muốn. Người đồng hành sẽ khuyến khích, động viên, hỗ trợ sản phụ thở thật sâu và đều đặn trong suốt quá trình chờ sinh, xoa lưng, lau trán để sản phụ bớt đau đớn trong mỗi lần tử cung co thắt, khuyến khích sản phụ ăn uống, di chuyển, thay đổi tư thế theo ý muốn.
|
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) phát biểu tại lễ trao danh hiệu Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam
|
Từ khi áp dụng mô hình phòng sinh thân thiện tỷ lệ sinh mổ của tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam giảm 6%, về mức 28% vào tháng 8/2019, thấp hơn khoảng 15% so với các bệnh viện cùng hạng. Tỷ lệ mổ lấy thai trong nhóm con so, đơn thai giảm còn 15%, đạt mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người đồng hành trong phòng sinh là một phương pháp ít tốn kém chi phí mà lại mang lại lợi ích to lớn, giúp sản phụ vượt qua cuộc đẻ dễ dàng hơn, hạn chế các can thiệp như mổ đẻ, dùng thuốc giảm đau. Với tâm lý ổn định, giảm bớt căng thẳng và đau đớn, cơ thể sẽ tiết ra nhiều oxytoxin giúp sữa mẹ được tiết nhanh hơn, bé bú mẹ sớm hơn.
Ở Việt Nam, việc tiếp cận với mô hình phòng sinh thân thiện, có người đồng hành khi sinh còn hạn chế. Thông thường, các gia đình phải trả thêm một mức trung bình từ 3-10 triệu đồng ở một số bệnh viện công và gấp nhiều lần ở bệnh viện tư để có thể đồng hành cùng sản phụ trong cuộc đẻ. Với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, sản phụ được chọn một người đồng hành khi sinh mà không cần trả thêm viện phí.
Theo bác sỹ Trần Tấn Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam - để có người đồng hành cùng sản phụ trong phòng sinh thân thiện, Bệnh viện phải xây dựng một quy trình hướng dẫn các bước thực hiện cụ thể để tối ưu hóa cơ sở vật chất hiện có của bệnh viện, đảm bảo trật tự và vệ sinh. Bệnh viện đã phải tập huấn cho cán bộ và hướng dẫn cho người nhà về những điều nên làm và không nên làm khi vào phòng sinh cùng sản phụ.
“Và trên thực tế, người đồng hành khi sinh mang lại nhiều lợi ích cho bệnh viện. Sự có mặt của người nhà sản phụ tăng hiệu quả giao tiếp giữa hộ sinh và bà mẹ, hỗ trợ bệnh viện giám sát ca sinh, đảm bảo rằng sản phụ được tôn trọng, bé được da kề da với mẹ ngay sau sinh liên tục 90 phút và bú cữ bú đầu tiên trên ngực mẹ”- bác sĩ Trần Tấn Dũng nói.
|
Các bà mẹ tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam áp dụng kỹ thuật kề da sau khi sinh và nuôi con bằng sữa mẹ
|