TP.HCM:

Bệnh sởi "trái mùa", tăng đột biến và nhiều biến chứng

VietTimes – Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng I TP. HCM  những ngày này cho thấy, phòng cấp cứu đang đầy ắp bệnh nhân sởi, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy giải đáp nhiều thắc mắc của gia đình bệnh nhi
Bác sĩ Dư Tuấn Quy giải đáp nhiều thắc mắc của gia đình bệnh nhi

Các bác sĩ của BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết trước tình hình bệnh sởi đang tiếp tục gia tăng. Khoa Nhiễm của BV đã chủ động thành lập khu vực cách ly bệnh sởi với các phòng bệnh để chăm sóc tốt cho các bé.

Tại khu vực cách ly của Khoa Nhiễm, bác sĩ Dư Tuấn Quy – Phó Khoa Nhiễm - cho biết: “Bệnh sởi giờ đây không còn phân biệt theo mùa (cuối đông đầu xuân) như trước kia nữa. Nửa cuối năm ngoái, BV tiếp nhận hơn 500 ca phải nhập viện có biến chứng. Số lượng bệnh nhân nhập viện tiếp tục tăng nhanh, không có biểu hiện dừng lại.

Mới chỉ sáu tháng đầu năm nay, BV đã tiếp nhận hàng ngàn ca sởi, tăng gấp 2 lần so với năm 2018 và gấp 4 lần so với các năm trước đó. Mùa mưa đến càng làm cho không khí ẩm thấp hơn, trẻ dễ nhiễm sởi hơn, đặc biệt với các trẻ chưa được tiêm phòng sởi, hoặc có chủng ngừa nhưng chưa được nhắc lại”.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy – Phó Khoa Nhiễm (BV Nhi Đồng 1)
Bác sĩ Dư Tuấn Quy – Phó Khoa Nhiễm (BV Nhi Đồng 1)

“Nhiều trường hợp diễn biến nguy kịch, phải cấp cứu, cho bé thở ôxy khi nhập viện, bác sĩ phải chỉ định dùng nhiều loại kháng sinh nặng mới cứu được em bé. Biến chứng của sởi thường gặp nhất là  viêm phổi, nhưng cũng có trường hợp viêm tai giữa, viêm ruột, viêm thanh quản, viêm não…” – Bác sĩ  Dư Tuấn Quy cảnh báo.

Một người nhà bệnh nhi đang chăm con tại BV Nhi Đồng 1 cho chúng tôi biết, vẫn còn nhiều ông bố bà mẹ có suy nghĩ sai lầm rằng khi cho con đi chích ngừa thì dễ nhiễm các bệnh khác, hoặc bị tai biến, nên không cho trẻ tiêm chủng.

Còn một nhóm khá đông các ông bố bà mẹ khác thì hưởng ứng phong trào anti (chống) các loại vaccines. Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhân mắc sởi tăng nhanh đột biến?

Nhiều ông bố bà mẹ khác thì vẫn nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban, nên đã thiếu cảnh giác để đến khi con chuyển sang giai đoạn nặng, thậm chí suy hô hấp, co giật, viêm não… rồi mới đưa đến bác sĩ điều trị.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy hướng dẫn: “Với sốt phát ban,các bé sốt cao, sau đó nổi ban, nhưng dấu hiệu đơn giản nhất là khi đã ra ban thì bé hết sốt, bé khỏe hơn, ăn uống được. Còn với sởi, thì trẻ sốt, ho, hắt hơi, mắt mũi kèm nhèm, mắt đỏ  kèm phát ban sau tai mặt và lan đến thân mình…”

Người nhà bệnh nhi lo lắng vì phòng bệnh chật cứng bệnh nhân Sởi
Người nhà bệnh nhi lo lắng vì phòng bệnh chật cứng bệnh nhân Sởi 

Đặc biệt, quan niệm về kỵ gió, kiêng nước khi lên sởi được nhiều phụ huynh trong phòng bệnh thắc mắc và bác sĩ giải đáp đây là một quan niệm sai lầm.

“Bé không được tắm rửa sạch sẽ dẫn đến mất vệ sinh, phụ huynh lại mặc cho con quần áo dày, kín, mồ hôi đọng lại càng tạo điều kiện ẩm ướt để vi khuẩn phát triển nhiều hơn. Tình trạng bệnh sẽ dễ diễn biến nặng hơn chính là vì quan niệm sai lầm này” – Bác sĩ Dư Tuấn Quy nói.

Để đề phòng bệnh sởi, đơn giản nhất là chích ngừa sởi lúc trẻ được 9 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã tổ chức rất nhiều hội thảo truyền thông tới các ông bố bà mẹ, các giáo viên bậc mầm non để thông tin về dấu hiệu nhận biết bệnh Sởi; phương pháp điều trị ngoại trú tại nhà.

Ngoài ra, Bệnh viện còn phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP. HCM, ngành giáo dục và chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, để ngăn chặn tình hình dịch sởi lây lan trong cộng đồng.