Bệnh nhân ở Quảng Nam “tái sinh” sau ca ghép từ trái tim hiến của người phụ nữ Hải Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với nỗ lực chạy đua cùng thời gian của các bác sĩ và lực lượng hỗ trợ, trái tim của một phụ nữ ở Hải Dương đã được chuyển vào Bệnh viện TW Huế để ghép cho một bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Hơn 10 ngày sau ca ghép, bệnh nhân đã hồi phục tốt.

1.jpg
Hơn 10 ngày sau ca ghép, bệnh nhân đã hồi phục

Ngày 17/7, nhận thông tin từ Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia có người chết não hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức, lãnh đạo Bệnh viện TW Huế lập tức kích hoạt ê kíp nhận tạng và cử 3 bác sĩ ra Hà Nội, phối hợp cùng Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, để phẫu thuật lấy tạng.

Người hiến là một bệnh nhân nữ đã lớn tuổi và nhẹ cân, nên việc lựa chọn bệnh nhân nhận tim sẽ khó khăn. Do có nhiều nguy cơ cao khi ghép, nên bác sĩ ưu tiên các trường hợp ghép cấp cứu hoặc suy tim nặng giai đoạn cuối.

Trong danh sách chờ ghép tim của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia có bệnh nhân P.T.T. 43 tuổi (quê Quảng Nam, ở Bệnh viện TW Huế) là phù hợp nhất, vì suy tim rất nặng, điều trị nội khoa gần như không hiệu quả, chức năng tim rất thấp, tiên lượng tử vong rất cao.

Tuy nhiên, bệnh nhân T. từng được phẫu thuật thay van động mạch chủ cách đây 9 năm, nên trong quá trình ghép tim, phải gỡ dính toàn bộ tim và các mạch máu lớn, nên nguy cơ chảy máu cao.

3.jpg
Bệnh nhân ghép tim được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện TW Huế

Việc nhận tạng từ người hiến lớn tuổi đòi hỏi thời gian thiếu máu lạnh càng thấp càng tốt, phải dưới 4 giờ. Vì vậy, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kíp lấy và nhận tạng, để đảm bảo yêu cầu về thời gian thiếu máu lạnh.

GS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện TW Huế - cho biết: “Chúng tôi tính toán thời gian lấy tim và vận chuyển về Huế phải nhanh nhất. Song song với đó, thời gian chuẩn bị bệnh nhân nhận tim cũng khẩn trương vì phải gỡ dính toàn bộ giải phẫu tim trên bệnh nhân suy tim rất nặng, cần sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Điều này làm kéo dài thời gian tuần hoàn ngoài cơ thể khi ghép tim, làm tăng nguy cơ chảy máu sau ghép".

5.jpg
Bệnh nhân được tái sinh từ trái tim người phụ nữ 65 tuổi đưa vào từ Hà Nôi

Đây thực sự là vấn đề khó khăn đòi hỏi các bác sĩ phải cân nhắc kỹ để lựa chọn phương án, kỹ thuật ghép đảm bảo thành công. Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện TW Huế đã “chạy đua với thời gian” để tiếp nhận món quà thiêng liêng, hiếm có ấy, rồi tiến hành ca ghép cấp cứu, cứu sống người bệnh đang nguy kịch.

Theo GS. Phạm Như Hiệp, để trái tim từ Hà Nội về đến Huế kịp thời gian cho ca ghép thành công, Bệnh viện Trung ương Huế và Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia đã nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng An ninh hàng không – Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Vietnam Airlines và lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trên suốt hành trình.

2.jpg
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã đón và dẫn đường để đưa trái tim về kịp thời gian cho ca ghép

Sau 4h52 phút kể từ lúc nhận tim và vận chuyển về Huế, “trái tim Hải Dương” đã đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực người bệnh tại Bệnh viện TW Huế lúc 23h01 ngày 18/7.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, sau 6 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân đã giảm dần các thuốc trợ tim vận mạch, ngưng thở máy, cai ECMO, IABP với các thông số rất tốt, khiến các bác sĩ vỡ oà niềm vui.

Đây là ca ghép tim thứ 12 và là ca ghép tim liên tỉnh thứ 11 của Bệnh viện TW Huế, đã chứng minh trình độ ghép tạng của các thầy thuốc Việt Nam trong việc góp phần hồi sinh nhiều cuộc đời đang ở lằn ranh sinh tử.