Cùng với việc đóng cửa bến xe này, 38 tuyến xe của 52 DN đang khai thác tại đây sẽ được điều chuyển về các bến xe Gia Lâm, Nước Ngầm và Yên Nghĩa. Để chuẩn bị cho việc này, Sở GTVT yêu cầu Chi nhánh Hà Nội – Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc ngừng hoạt động theo quy định, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tranh chấp khiếu kiện liên quan đến hoạt động vận tải giữa các đơn vị vận tải khi điều chuyển.
Các đơn vị kinh doanh vận tải cũng được yêu cầu căn cứ vào kết quả sắp xếp các tuyến khẩn trương phối hợp với các đơn vị khai thác bến xe ký hợp đồng dịch vụ với bến xe theo quy định và thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định, đưa phương tiện hoạt động ổn định trước ngày 27.7. Bên cạnh đó, các bến xe căn cứ vào biểu đồ đã xây dựng khẩn trương ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội khẳng định quyết tâm đóng cửa bến xe này trước ngày 30.7. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên bến xe Lương Yên được lên kế hoạch khai tử. Năm 2013, bến xe Lương Yên cũng từng đứng trước nguy cơ đóng cửa. Tuy nhiên, dưới sự kiến nghị của Hiệp hội vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp đang khai thác, UBND TP Hà Nội đã quyết định gia hạn thời gian hoạt động của bến xe này đến tháng 7 năm 2016
Đến nay, bến xe Lương Yên đã có 38 tuyến vận tải đi 20 tỉnh (thành phố), tần suất 335 lượt xe/ngày, với 319 phương tiện vận tải của 52 đơn vị vận tải.
Theo Lao động