Bé trai 9 tuổi bị chó cắn rách dương vật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi sang nhà hàng xóm chơi, bé trai 9 tuổi không may bị chó đẻ cắn rách dương vật.
Các bác sĩ chăm sóc vết thương cho bé (Ảnh - BVCC)
Các bác sĩ chăm sóc vết thương cho bé (Ảnh - BVCC)

Bé P.H.C., 9 tuổi, sống ở Vĩnh Phúc vào viện trong tình trạng dương vật bị rách vì chó cắn.

Người nhà bé C. cho biết: Trước đó vào khoảng 17h ngày 14/3, khi sang nhà hàng xóm chơi, bé đã bị chó đẻ tấn công. Chó ta vừa đẻ tấn công đã khiến dương vật của bé bị rách lột từ gốc lên trên.

TS.BS. Nguyễn Việt Hoa - Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: Ngay sau khi vào viện, bé C. đã được các bác sĩ kịp thời xử lý phần da lóc dương vật, cắt lọc bỏ đi phần da đen hoại tử và khâu tạo hình phần da dương vật cho bệnh nhi. Sau mổ 2 ngày, tình trạng bệnh nhi ổn định. Rất may vết thương không làm tồn thương vật hang, vật xốp và niệu đạo của cháu bé.

Sau khi bị chó cắn, bé đã được đưa đi tiêm phòng theo nguyên tắc tiêm trong 72 tiếng đầu sau khi bị chó tấn công, gia đình đang tiếp tục theo dõi chú chó.

Theo BS. Vũ Hồng Tuân - Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh – khoa từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em nhập viện do vết thương chó cắn nhưng bị cắn vào dương vật thì khá hiếm gặp. Cách đây 3 năm, các bác sĩ đã gặp trường hợp cháu bé bị chó cắn cụt dương vật, thậm chí có trường hợp anh trai cầm dao nghịch không cẩn thận cắt đứt dương vật của em.

Hằng năm, có rất nhiều trẻ bị chó cắn phải nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Thông thường, người lớn hay bị chó cắn vào vùng tay, chân còn trẻ em lại hay bị chó tấn công vào vùng đầu mặt do phụ huynh không để ý khi trẻ ở nhà.

Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải được chích ngừa, xích ở nơi xa trẻ em, rọ mõm, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ. Khi trẻ bị chấn thương ở dương vật, gia đình cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế uy tín để cấp cứu kịp thời.

Vào 2 năm trước, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận và cấp cứu cho một bé trai 7 tuổi bị chó nhà cắn thương tâm khiến bé tử vong.

Bé sống ở Thái Nguyên. Khi đến bệnh viện, bé đã hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn, đa vết thương vùng đầu, mặt, cổ, ngực, vết thương cánh tay 2 bên, vết thương tầng sinh môn nhiều. Trước đó, em đã được cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, khâu vết thương, cầm máu và truyền máu rồi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Sau khi vào viện, mặc dù các bác sĩ của kíp trực đã cố gắng hết sức để cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng bé vẫn không qua khỏi.