|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Liên quan đến Đề án cao tốc Bắc-Nam nhánh phía Đông, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành giao thông vận tải vào ngày 10/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng Bộ GTVT phải tập trung lập đề án chi tiết, cụ thể về việc tiến hành làm từng đoạn tuyến như Ninh Bình - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Nghệ An để khi Quốc hội thông qua có thể triển khai ngay.
Thừa nhận việc xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc-Nam vô cùng khó, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, chiều dài tuyến này hơn 1.000 cây số trong khi chỉ có khoảng 70.000 tỷ đồng vốn ngân sách, đó là chưa tính đến nếu các dự án khác thiếu bố trí vốn thì phải cắt xén bớt nguồn vốn được bố trí này.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải dự định huy động khoảng 60-70% vốn xã hội đầu tư vào tuyến đường cao tốc Bắc Nam, thế nhưng thực tế vốn xã hội hóa dựa vào nguồn vay ngân hàng trong khi các doanh nghiệp đầu tư ngành giao thông còn năng lực hạn chế và kinh nghiệm.
Vì thế, ngành giao thông phải xây dựng cơ chế để huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước thì mới triển khai đầu tư.
Đồng thời, do hạ tầng ngày càng trở thành nhân tố cạnh tranh của kinh tế quốc gia, nhưng hiên đang còn rất thiếu so với yêu cầu, nên Bộ GTVT cũng cần đánh giá đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
“Bên cạnh rà soát, hoàn thiện các luật, văn bản hướng dẫn luật, cần xây dựng cơ chế đặc thù đối với ngành giao thông để thực hiện các dự án cấp bách, trọng điểm, như dự án đường cao tốc vừa phải nhanh, vừa đúng quy định pháp luật,” Phó Thủ tướng nói.
Tại buổi họp, Phó Thủ tướng cũng đã có ý kiến về Dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát đề án đường sắt tốc độ cao vào năm 2018. Nếu điều kiện cho phép thì để năm 2020 đến năm 2030 đầu tư các đoạn tốc độ cao, ưu tiên như Hà Nội-Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang.
“Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành xem xét kỹ hệ thống nâng cấp đường sắt hiện có để đạt tốc độ 80-90km/giờ đối với tàu khách bởi nếu đầu tư trên 1,7 tỷ USD (trên 30.000 tỷ đồng) thì sẽ giải quyết được vấn đề gì? Tuy nhiên, phải chú trọng đến tính kết nối đồng bộ đường bộ với cảng biển, khu chế xuất, khu công nghiệp…,” Phó Thủ tướng cho hay.
Liên quan đến việc đầu tư đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận, không có vốn Nhà nước sẽ không thể đầu tư được hạ tầng.
“Nghiên cứu tiền khả thi phải xác định lộ trình, khả năng tiền tới đâu, phân kỳ thế nào? Nếu chỉ dùng đường sắt hiện hữu với các hạ tầng khác phát triển theo quy hoạch, hành khách vận chuyển các chuyến ngắn hạn từ Bắc vào Nam thì xác định đã tới hạn, phải làm tuyến đường sắt mới,” Thứ trưởng Đông khẳng định.
Theo Thứ trưởng, phân kỳ đầu tư trong báo cáo tiền khả thi đoạn ưu tiên là Hà Nội - Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang, thậm chí nếu làm đoạn ngắn hơn nữa kiến nghị Hà Nội - Phủ Lý và Thủ Thiêm - Long Thành sau đó mới nhân rộng ra.
“Nhật Bản những năm 1960 cũng làm vài chục kilômét, sau đó mới làm các đoạn tiếp theo và đó là giai đoạn để nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ, chuyển giao con người vì khai thác đường sắt tốc độ cao rất đặc thù, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối như hàng không,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.