Phương Nam bê bết
Ngày 20/4, SouthernBank - ngân hàng (NH) do gia đình nhà ông trùm Trầm Bê nắm giữ hơn 20% cổ phần - ĐHCĐ 2015. Báo cáo cho thấy, 2014, NH này chỉ hoàn thành được vài ba phần trăm chỉ tiêu lợi nhuận. Hầu hết các chỉ tiêu khác như tăng trưởng tài sản, tăng trường nguồn vốn huy động... đều không đạt và còn cách rất xa so với kế hoạch đề ra.
Một số cổ đông nghi ngờ lợi nhuận của NH thấp do nợ xấu quá cao. Trong năm 2014, Southern Bank lãi 17 tỷ trên tổng vốn điều lệ 4 nghìn tỷ đồng; nợ xấu chiếm gần 6% trong tổng số hơn 43 nghìn tỷ đồng dư nợ. Lợi nhuận thấp nên sau khi trích lập các quỹ còn lại 1,2 tỷ đồng nên NH không chia cổ tức.
2015, Southern Bank tiếp tục đặt chỉ tiêu khá ấn tượng với mức tăng tài sản và huy động vốn ở mức 13-14%. Lợi nhuận tăng gấp hơn 6 lên trên 100 tỷ đồng và nợ xấu dưới 5%. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào chưa thế biết được, nhất là khi NH này sắp được sáp nhập với Sacombank.
Mặc dù đưa ra nhiều lời giải thích nhưng thực tế nợ xấu của Southern Bank là vấn đề đáng lo ngại bởi cao hơn rất nhiều so với các NH gặp khó khăn khác và mức quy định 3% của NHNN.
Trong khi đó, nhiều vấn đề liên quan tới báo cáo tình chính công bố chậm theo quy định và sự nghi ngờ về lợi nhuận không thực do nợ xấu quá cao, khoản phải thu quá lớn... vẫn chưa được trả lời.
Mặc dù kết quả kinh doanh của Southern Bank yếu kém nhưng ông Trầm Bê - cố vấn cấp cao của Southern Bank kiêm Phó chủ tịch thường trực Sacombank - có lẽ không buồn lòng vì điều này. Bởi cả hai NH mà ông có chân đang thực hiện sáp nhập với nhau.
Ông Trầm Bê cho biết, việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank sẽ được thực hiện trong quý II/2015 theo tỷ lệ 0,75 cổ phiếu Sacombank đổi 1 cổ phiếu Southern Bank sau khi được NHNN chấp thuận.
Doanh nhân này cũng không giấu giếm khẳng định, trong thương vụ này, Phương Nam có lợi rất nhiều. Cổ đông của Phương Nam trở thành cổ đông của Sacombank là một điều hết sức tốt đẹp. Còn Sacombank là NH tốt nhất trong số các cổ phần hiện nay.
Sacombank sẽ ổn dưới tay Trầm Bê
Năm 2014, Sacombank có lợi nhuận cao tốp 3 trên thị trường. Sacombank tuyển thêm gần 1.000 nhân sự mới để đáp ứng nhu cầu mở rộng phát triển. Trong năm 2015, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận 3.000 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng gần 17% lên trên 14,5 nghìn tỷ đồng; vốn chủ sỡ hữu lên gần 20 nghìn tỷ đồng...
Một nghiên cứu của VN Report cũng cho thấy, Sacombank dẫn đầu danh sách xếp hạng uy tín truyền thông trong năm 2014, cao hơn một số NHTMCP có nguồn gốc quốc doanh như BIDV, Vietinbank, Vietcombank.
Trong nhiều năm, lợi nhuận của Sacombank luôn ổn định ở tốp đầu. Về nợ xấu, Sacombank thực sự nổi bật, là thành viên quản lý chất lượng nợ tốt nhất với tỷ lệ chỉ xấp xỉ 1%.
Tại ĐHCĐ Sacombank hôm 21/4, một số cổ đông Sacombank phản ứng không đồng tình việc sáp nhập bởi cổ phiếu Sacombank 18.000 đồng/cổ phần, trong khi SouthernBank chỉ tầm khoảng 5.000 đồng/cổ phần, một số nơi rao bán 8-9.000 đồng/cp. Nhiều người lo ngại khoản nợ xấu mà Sacombank sẽ phải gánh cho SouthernBank và lo ngại không biết tương lai của Sacombank sẽ về đâu. Hệ thống quản trị khá tốt trước đây có được duy trì hay không?
Theo ông Trầm Bê, việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank có cái được, cái mất ở cả SouthernBank và Sacombank, nhưng theo đại gia này cổ đông sẽ được nhiều hơn mất. Trước mắt Sacombank sẽ có phần "hơi bất lợi" so với cổ đông của Phương Nam.
Hiện ở cả hai NH, gia đình ông Trầm Bê đều là cổ đông lớn nhất. Tại Southern Bank, ông Trầm Bê giữ vị trí cố vấn và là cổ đông cá nhân nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu lớn nhất 8,36%; tiếp theo là con gái Trầm Thuyết Kiều 7,36%; và con trai Trầm Trọng Ngân 4,42%.
Tại Sacombank, tính tới hết 2014, ông Trầm Bê nắm giữ hơn 1,8 triệu cổ phiếu STB, con trai Trầm Khải Hòa nắm hơn 24 triệu, con trai cả Trầm Trọng Ngân hơn 54,7 triệu, con gái gần 3,6 triệu cổ phiếu... Tổng cộng gia đình ông Trầm Bê nắm giữ hơn 84 triệu cổ phiếu STB, tương ứng gần 7% cổ phần của nhà băng này. Trong khi gia đình đương kim chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng gần như không nắm giữ sở hữu cổ phần STB.
Trên thực tế, sáp nhập là vấn đề đã quen thuộc trong vài năm gần đây. Nó là nằm trong chủ trương tái cấu trúc hệ thống của NHNN. Mặc dù vậy, hai vụ thâu tóm ngược, nhỏ thâu tóm lớn Sacombank-SouthernBank và NamABank-Eximbank khiến nhiều người bất ngờ về quyền lực thực sự của một số ông bà trùm trong ngành NH.
Cũng giống như vị thế của gia đình bà Tư Hường tại NamABank và gần đây là Eximbank, với vị thế cổ đông lớn tại 2 NH Southern Bank và Sacombank, nhà ông Trầm Bê sẽ giữ vai trò chủ chốt tại NH sau sáp nhập. Tỷ lệ quy đổi có lợi cho Southern Bank thậm chí còn làm cho vị thế nhà ông Trầm Bê được nâng lên cao hơn.
Gia đình ông Trầm Bê và bà Tư Hường có thể sẽ là những thế lực lớn trong lĩnh vực này trong tương lai khi mà số lượng NH giảm mạnh đi theo yêu cầu tái cơ cấu và nhu cầu phát triển trước hội nhập. Đây là điều bình thường. Nhưng câu chuyện quản trị yếu kém tại các NH trước đó khiến nhiều người lo ngại.
Theo VNN