Chiều 27-4, tại thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, hàng chục thợ lặn và người dân quanh vùng đã đến tiễn đưa ông Lê Văn Ngày (SN 1970) về nơi an nghỉ cuối cùng. Cái chết của ông khi thi công xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương thuộc KCN Formosa - Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) làm cả làng Bá Hà hoang mang.
Cả làng hoang mang
Tại đám tang, rất đông người vây lấy 2 người em ruột của ông Ngày là ông Lê Văn Giờ và ông Lê Quan Thanh (cùng làm việc ở Vũng Áng) để hỏi han, động viên. Ông Giờ cho biết ông Ngày hiền lành, làm nghề lặn biển ở địa phương nhiều năm nay, tảo tần nuôi 2 con nhỏ. Thấy 2 người em làm cho Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế - Nibelc (đóng tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) có thu nhập ổn định nên ông xin ra đây làm hơn 6 tháng nay.
Theo ông Giờ, trước khi tử nạn, ông Ngày được phân công tham gia lặn tại cảng Sơn Dương, - Formosa để dọn quang đáy biển, làm đê chắn sóng phục vụ thi công xây dựng đê chắn sóng cho công trình này. Sau nhiều lần lặn biển, thấy trong người khó thở, mệt mỏi nên chiều 24-4, ông Ngày xin phép nghỉ, ở ký túc xá của công ty. Đến chiều cùng ngày, ông Ngày có biểu hiện trẹo hàm, tức ngực, đau bụng, đau lưng dữ dội và khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình thì ông tử vong. Cái chết của ông Ngày làm gia đình hết sức bất ngờ, không hiểu lý do vì sao.
Ông Giờ cho biết thêm cả thôn Bá Hà 1 có đến 38 thợ lặn cùng vào Hà Tĩnh làm việc cho Nibelc. Khi ông Ngày tử vong, rất nhiều người đã ngừng làm việc để đưa thi thể ông về quê. Kể từ lúc đưa xác ông Ngày về, cả phường Ninh Thủy xôn xao, hoài nghi về cái chết của ông. Rất nhiều gia đình tỏ ra lo lắng vì chồng con họ làm việc chung với ông Ngày.
Ông Phạm Tấn Đang, Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy, cho biết sau khi vụ việc xảy ra, phường có cử cán bộ thăm hỏi, động viên gia đình. Đồng thời trong các buổi giao ban, phường yêu cầu cán bộ theo dõi sự việc, rà soát lại số người dân tham gia hoạt động ở Hà Tĩnh để trấn an bà con.
Sự trùng hợp đáng ngờ
Liên quan đến cái chết của anh mình, ông Giờ đưa ra một số chi tiết quan trọng. Theo đó, tại khu vực cảng Vũng Áng, khoảng 3-4 tuần trước khi ông Ngày tử vong, nước biển vẩn đục bất thường. “Thời gian nước đục trùng với thời gian cá chết hàng loạt và trùng luôn thời điểm các thợ lặn cảm thấy ngứa ngáy, mỏi mệt, nhiều người ho sặc sụa khi lặn ở vùng biển này. Thời điểm nước vẩn đục cũng trùng với việc anh tôi phát bệnh và chết đột ngột sau đó” - ông Giờ nói.
Trong khi đó, ông Lê Quan Thanh bác bỏ nguyên nhân ông Ngày tử vong liên quan đến kỹ thuật lặn biển. Theo ông Thanh, cả 3 anh em đều có kinh nghiệm về lặn, có bằng cấp đàng hoàng. Độ sâu khi phục vụ công trình chỉ 13 m, trong khi mỗi thợ lặn có thể lặn sâu đến 35 m. Các trang thiết bị lặn cũng đều bảo đảm an toàn kỹ thuật. Bên cạnh đó, Nibelc có gần 50 thợ lặn, các thợ lặn chia ca, kíp để lặn chứ không lặn liên tục; thời gian lặn 30-50 phút/lần.
Ông Nguyễn Chí Lem, một ngư dân nhiều năm kinh nghiệm ở Khánh Hòa, cho rằng cần làm rõ việc thợ lặn tử vong có liên quan gì đến độc tố gây cá chết hay không. “Cá chết hàng loạt là điều hết sức đáng ngờ, nhất là các loại cá đuối, cá chình… sống tầng đáy, có sức chịu đựng rất lớn, thậm chí vẫn sống được ở những vùng biển ô nhiễm” - ông Lem lo lắng.
Một thợ lặn ở Formosa có chỉ số đồng trong máu cao gấp đôi
Ngày 27-4, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết 9 thợ lặn của Nibelc đã được đưa đi khám bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế. Trong đó có 4 người quê tỉnh Khánh Hòa, 5 thợ lặn quê Hà Tĩnh. Kết quả khám cho biết chỉ số đồng trong máu của một thợ lặn cao gấp đôi so với bình thường. Sau khi đến khám, tất cả thợ lặn đã trở về, không có trường hợp nào nhập viện.
Cùng ngày, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết chưa tiếp nhận bệnh nhân nào của Nibelc làm nghề thợ lặn tại cảng Sơn Dương vào điều trị hoặc tử vong như dư luận đồn đoán. Q.Nhật
Theo NLĐ