|
Chuyên gia dạy làm giàu, bán khóa học đầu tư bất động sản
Trên trang web cá nhân và các kênh mạng xã hội, ông Nguyễn Thành Tiến được giới thiệu là diễn giả dạy làm giàu, chuyên gia đào tạo bất động sản được trả phí cao nhất Việt Nam, bán các khoá học đầu tư địa ốc.
Với tần suất chạy quảng cáo dày đặc, gương mặt ông Nguyễn Thành Tiến rất nổi trên trên các nền tảng mạng xã hội.
Ông Nguyễn Thành Tiến tự giới thiệu là người đứng lớp và sở hữu kênh YouTube với gần 180 nghìn người theo dõi, với nhiều khóa học chiến lược đầu tư, "tuyệt chiêu" bán hàng và đàm phán trong bất động sản...
Ông Tiến quảng cáo các khóa đào tạo chiến lược xây dựng doanh nghiệp, đầu tư tạo lợi nhuận triệu đô, hướng dẫn sở hữu đảo tư nhân...
Theo đó, “chuyên gia” này sẽ nói về tư duy tìm cơ hội trong khủng hoảng, những ý tưởng huy động vốn hiệu quả cũng như nếu có 1-500 tỷ đồng thì nên đầu tư vào đâu. Việt kiều muốn đầu tư về Việt Nam thì đầu tư ra sao. Nếu đã làm doanh nghiệp 5-10 năm mà không đột phá thì làm gì?
Doanh nghiệp làm ăn bết bát 10 năm qua
Mặc dù sở hữu nhiều "tuyệt chiêu" bán bất động sản và bí kíp kiếm tiền triệu USD nhưng doanh nghiệp mà ông Tiến sở hữu làm ăn kinh doanh bết bát trong hơn thập kỷ qua, doanh thu chỉ quanh quẩn vài tỷ đồng/năm và lợi nhuận cũng chỉ vài chục triệu, phần lớn ở quanh mức 1 tỷ đồng, cao nhất là 5,7 tỷ đồng trong năm 2021 khi đại dịch Covid bùng nổ.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (VLA) do ông Nguyễn Thành Tiến làm Chủ tịch, ghi nhận kết quả kinh doanh trong quý I/2024 tiếp tục bết bát, trái ngược với những gì mà lãnh đạo doanh nghiệp này quảng cáo trên mạng xã hội.
Trong quý đầu năm, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang tiếp tục lỗ hơn 1,55 tỷ đồng và doanh thu chưa được 1 tỷ đồng.
Trong quý IV/2023, VLA lỗ gần 115 triệu đồng, doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Trong nhiều quý trước đó, VLA chỉ lãi vài chục triệu đồng và doanh thu một vài tỷ đồng.
Trong năm 2023, Văn Lang chỉ lãi gần 132 triệu đồng, còn năm 2022 là hơn 3,6 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (VLA) niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ năm 2010 nhưng cho đến nay quy mô vẫn rất nhỏ. Hiện VLA có vốn điều lệ gần 40 tỷ đồng, vốn hóa tính tới 1/7 đạt hơn 59 tỷ đồng.
Văn Lang tiền thân là công ty thành viên của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, thành lập năm 2007. Ban đầu, doanh nghiệp này kinh doanh mảng truyền thống là xuất bản sách, in ấn, phát hành, buôn bán máy tính và thiết bị giáo dục…
Bắt đầu từ năm 2020 khi ông Nguyễn Thành Tiến làm Chủ tịch HĐQT, Văn Lang dần chuyển đổi sang hoạt động đào tạo kỹ năng tư duy, bán hàng, quản lý tài chính, quản lý thời gian; đào tạo kỹ năng nói trước công chúng.
Gần đây, hầu hết doanh thu của Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang đến từ mảng đào tạo.
Đến cuối 2023, ông Tiến đang sở hữu 9,08% cổ phần Văn Lang.
Chuyên gia bất động sản gặp khó vì địa ốc
Năm 2022, Văn Lang đẩy mạnh đầu tư bất động sản thông qua việc mua một khách sạn tại Quảng Ninh giá trị 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu tài sản, đồng thời hoạt động du lịch khách sạn bị ảnh hưởng lớn, Ban Giám đốc Văn Lang đã đề xuất HĐQT họp ra nghị quyết để thanh lý hợp đồng mua khách sạn, thu hồi vốn và giải quyết các thủ tục bồi thường theo quy định.
Gần đây, Văn Lang ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tụt giảm. Lý do được đưa ra là sự sụt giảm đáng kể lượng học viên tham gia các khoá học.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Văn Lang duy trì công tác đào tạo, tiếp tục mở rộng các khoá học như chiến lược đầu tư và bất động sản, trí tuệ doanh nghiệp, khoá học huy động vốn...
Bên cạnh đó, VLA cũng định hướng tập trung mạnh vào công tác đầu tư kinh doanh bất động sản, thị trường chứng khoán và các dịch vụ khác để tăng doanh thu. Doanh nghiệp của ông Tiến tiếp tục đề ra mục tiêu doanh thu 20 tỷ đồng và 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cổ tức 4% vốn điều lệ.
Trong đợt phát hành hút gần 20 tỷ đồng từ cổ đông hồi cuối năm 2023 vừa qua, Văn Lang dành 60% số tiền thu được (tương đương 12 tỷ đồng), cho quảng cáo và marketing. 8 tỷ còn lại chi trả lương nhân viên, chi phí chuyên gia đào tạo, chi phí tổ chức lớp học, hội nghị, tài liệu in ấn, tiếp khách, nộp thuế…