|
Theo đó, từ năm học này, thay vì đóng BHYT tương ứng 3% lương cơ sở như trước, học sinh - sinh viên phải đóng ở mức 4,5% lương cơ sở, tương đương với 434.700 đồng.
Cơ quan chức năng cũng cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung có một số điểm mới, mang lại nhiều quyền lợi cho học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT.
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế thuộc Bộ Y tế: Nâng mức đóng BHYT vì mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Từ đó, quyền lợi học sinh, sinh viên được đảm bảo hơn, kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu được dồi dào hơn… Học sinh, sinh viên là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT. 70% còn lại có thể giảm dần tùy theo sự hỗ trợ của địa phương.
Bà Song Hương còn cho biết thêm, với mức đóng bảo hiểm mới, học sinh, sinh viên khi đi khám chữa bệnh có BHYT vẫn được hưởng 80% chi phí, chỉ tự trả 20% còn lại (trừ các đối tượng học sinh, sinh viên là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo).
Một điểm mới nữa là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT học sinh, sinh viên sẽ theo năm tài chính, từ ngày 1.1 đến 31.12 của năm. Trước đó, thẻ BHYT học sinh, sinh viên được ghi theo ngày bắt đầu năm học, vào khoảng tháng 8, tháng 9. Do BHYT học sinh, sinh viên năm 2015 hết hạn vào ngày 30.9.2015, nên năm nay các trường đều thông báo mức đóng BHYT mới 15 tháng (kể từ ngày 1.10.2015 đến ngày 31.12.2016). Vậy mức đóng BHYT cho năm học 2015 – 2016 là 543.375 đồng.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay có khoảng 85% học sinh - sinh viên tham gia BHYT. Trong đó, có khoảng 94% học sinh tham gia và sinh viên là 76%. Các Bộ ban ngành đang phấn đấu để đạt mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Theo Một thế giới