Hoa Kỳ đã thêm Huawei vào danh sách đen thương mại từ tháng 5, theo đó, hạn chế công ty Trung Quốc tiếp cận với các thiết bị, linh kiện và phần mềm có nguồn gốc từ Mỹ. Lệnh cấm khiến quá trình sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc bị gián đoạn, tăng trưởng doanh thu của công ty cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Huawei lại cho thấy tổng kết doanh thu của công ty tính từ đầu năm đến tháng 9 là 86 tỷ USD, tăng gần 25% so với một năm trước đó. Đối chiếu với các số liệu được công bố trước đây, có thể thấy, doanh số bán hàng của công ty đã tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.
Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là công ty sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới sau Samsung và Apple. Từ lâu, các quan chức Mỹ vẫn luôn lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có khả năng sử dụng các sản phẩm của công ty để thu thập thông tin tình báo. Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Cho đến nay, hầu hết các nỗ lực ngăn chặn Huawei của Washington có vẻ như đều thất bại, đặc biệt trong quá trình xây dựng thế hệ mạng không dây mới nhất hiện nay: mạng 5G. Theo báo cáo được công ty công bố vào hôm thứ Tư, ngày 16/10, hãng đã ký được hơn 60 hợp đồng 5G trên toàn thế giới tăng hơn 10 hợp đồng so với tuyên bố giành được 50 hợp đồng cách đây vài tháng.
Cổ phiếu của Huawei không được giao dịch công khai, điều đó có nghĩa là họ không có nghĩa vụ pháp lý phải công bố tình hình tài chính của mình. Tuy nhiên, công ty đã bắt đầu báo cáo kết quả hàng quý trong năm nay mặc dù số liệu do phía Huawei cung cấp vẫn chưa được kiểm duyệt.
Lệnh cấm của Mỹ vẫn chưa được áp dụng hoàn toàn. Huawei vẫn được chính phủ Mỹ gia hạn các miễn trừ tạm thời, cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei nhằm giúp công ty và các đối tác làm ăn của họ duy trì các mạng di động hiện có. Một số nhà cung cấp của Mỹ tại Huawei cũng xác nhận họ có thể tiếp tục bán hàng “hợp pháp” cho Huawei đối với một số sản phẩm “không nhạy cảm” được sản xuất bên ngoài Hoa Kỳ.
Chính phủ Mỹ đang xem xét cấp giấy phép xuất khẩu cho một số công ty Mỹ, điều này có thể giúp giảm bớt căng thẳng cho chuỗi cung ứng của Huawei. Vào tháng trước, CEO của công ty sản xuất chip Micron (Mỹ) cho biết nếu công ty không có được giấy phép bán hàng cho Huaewei, doanh số bán hàng của công ty có thể sẽ bị giảm.
Huawei cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi lệnh cấm. Do bị cấm sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ đối với các sản phẩm mới nên dòng Mate 30 của hãng đã phát hành mà không có sẵn các dịch vụ cốt lõi của Google như Gmail, YouTube, Google Maps,…
Điều đó không tạo nên quá nhiều khác biệt đối với người dùng tại Trung Quốc, nơi mà hầu hết các dịch vụ của Google đều bị chặn. Nhưng nó sẽ là vấn đề nghiêm trọng đối với những khách hàng của Huawei tại châu Âu và nhiều thị trường khác trên thế giới. Bạn có sẵn sàng chi một số tiền lớn để mua một chiếc điện thoại cao cấp mà không có sẵn các Google Maps, Gmail và YouTube?
Huawei cho biết công ty tự đã phát triển một hệ điều hành mới có tên Harmony nhưng hiện tại, Android vẫn là ưu tiên hàng đầu. Ngày 16/10, Huawei tuyên bố đã xuất xưởng hơn 185 triệu chiếc điện thoại thông minh tính từ đầu năm đến tháng 9, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
So sánh với số liệu 6 tháng được công ty công bố trước đây, có thể thấy, tăng trưởng doanh thu trong quý gần đây nhất là 27% so với 13% trong quý trước. Huawei cũng cho biết tỷ suất lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm là 8,7%, xấp xỉ con số công ty đã đưa ra trong nửa đầu năm nay.
Theo NY Times