|
Cụ thể, thiết bị in chứng từ bán hàng của cây xăng phải bảo đảm các yêu cầu là chỉ in được chứng từ khi kết thúc quá trình bơm xăng dầu cho khách hàng. Thông tin bắt buộc in trên chứng từ bán hàng gồm tên cơ sở bán hàng, địa chỉ, kiểu, ký hiệu, số serial của cột đo xăng dầu, phút, giờ, ngày, tháng, năm bán hàng, loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền xăng, dầu đã bán...
Không những vậy, các chứng từ này chỉ được in khi kết thúc quá trình bơm xăng dầu cho khách hàng và không có cơ cấu, chức năng tác động làm thay đổi thông tin in trên chứng từ bán hàng, thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu…
Nhân viên cửa hàng xăng dầu có trách nhiệm giao chứng từ này cho khách khi giao dịch hoàn tất.
Bên cạnh đó, các cột bơm xăng dầu phải có sẵn các ca đong, bình đong có dung tích 1 lít, 2 lít, 5 lít, 10 lít và các ống đong chia độ có phạm vi đo phù hợp để tự kiểm tra định kỳ theo quy định. Sai số kết quả đo lượng xăng dầu không được vượt quá 1,5 lần giới hạn sai số cho phép của phương tiện đo hoặc của hệ thống đo.
Cũng theo quy định này, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chịu trách nhiệm về đo lường, chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc sở hữu của mình. Nếu liên đới phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng của tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Theo cơ quan quản lý, việc lắp đặt thiết bị in hóa đơn, chứng từ tại mỗi cột bơm sẽ ngăn chặn được hành vi gian lận của một số cây xăng cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cung cấp bằng chứng khi khách hàng cần khiếu nại.
Trước đó, năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM từng thí điểm việc gắn thiết bị in chứng từ để bắt buộc phải in hóa đơn tại cột xăng với mục tiêu tránh gian lận, bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người tiêu dùng không mặn mà với hóa đơn nhận được. Bên cạnh đó, tờ hóa đơn có tính pháp lý không cao nên chủ cây xăng vẫn có thể từ chối trách nhiệm khi bị khiếu nại.
Theo Một thế giới