Trong kỷ nguyên số, vấn đề vi phạm bản quyền ngày càng trở nên phổ biến và xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Vi phạm bản quyền xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau với những chiêu thức mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho chủ sở hữu trong việc bảo vệ bản quyền nội dung.
Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với VietTimes về vấn đề này.
Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (DCC) |
- PV VietTimes: Xin ông đánh giá đôi nét về tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam hiện nay?
Ông Hoàng Đình Chung: Hiện tại thực trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam là đáng báo động. Vừa qua, Akamai đã đưa ra thống kê cho biết, có tới 65% người dùng Việt Nam ở độ tuổi 18 - 24 sử dụng nội dung vi phạm bản quyền, khi truy cập vào các website có luồng nội dung lậu.
Thực trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số nói riêng và bản quyền nói chung đang ngày càng phổ biến hơn, phức tạp hơn. Hiện tại, các nền tảng mạng xã hội đã giúp những nhà sáng tạo nội dung có thể kiếm tiền trên môi trường số. Chính vậy, một số đối tượng không trực tiếp sáng tạo nội dung mà có hành vi chuyên thực hiện việc xào nấu, lấy cắp nội dung để phát hành trên các nền tảng nhằm thu lợi, dẫn đến tình trạng tài sản của người sáng tạo nội dung thất thoát ra bên ngoài, các giá trị khi những nền tảng đa quốc gia chi trả lại không về đúng chủ sở hữu thật sự.
- Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc, trò chơi, video clip cũng như các hình thức vi phạm thương hiệu đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các chủ sở hữu bản quyền, thương hiệu. Trong gần 2 năm qua kể từ khi thành lập, Trung tâm Bản quyền số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) đã có những hoạt động gì để bảo vệ bản quyền cho các chủ sở hữu?
Thời gian qua, DCC đã đưa ra một số giải pháp về công nghệ. Trên môi trường số, các đối tượng sử dụng kỹ thuật công nghệ xâm phạm, lấy cắp dữ liệu thì DCC đã trực tiếp thực hiện, phát triển một số sản phẩm như DCC WATCHER chuyên quét những nội dung dành cho báo điện tử trên môi trường số, có thể phát hiện ra vi phạm bản quyền của các đơn vị báo điện tử. DCC cũng phát triển sản phẩm DCC VDRM nhằm giúp cho chủ sở hữu nội dung mã hoá dữ liệu trước khi đưa lên môi trường số để tạo ra rào cản kỹ thuật khiến việc tiếp cận, download nội dung trực tiếp từ trang gốc trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, Trung tâm Bản quyền số cũng hợp tác với một số đơn vị báo chí để phát triển mô hình tòa soạn hội tụ. Theo đó, DCC đưa ra quy trình về công nghệ giúp cho toà soạn có thể quản trị các cơ sở dữ liệu, bản quyền từ ý tưởng đến khi xuất bản lên các nền tảng số.
Hiện, DCC đang nghiên cứu, ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc xây dựng sàn giao dịch bản quyền, trên cơ sở đó có thể phát hiện truy vết được bản quyền của nhà sáng tạo nội dung trên môi trường số.
- DCC không phải là cái tên duy nhất hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền. Ở Việt Nam, còn nhiều đơn vị khác cũng có chức năng và cùng cung cấp các dịch vụ điện tử. Vậy thưa ông, DCC có điểm gì khác biệt mà các ông có thể xem như lợ thế so sánh?
Sứ mệnh của DCC là hỗ trợ bản quyền trên môi trường số. Chính vì vậy, DCC tập trung nhiều vào các giải pháp về kỹ thuật công nghệ để giúp cho hoạt động ngăn chặn bảo vệ bản quyền trên môi trường số được tốt hơn. Việc sử dụng các yếu tố công nghệ là điều kiện đầu tiên trong việc ngăn chặn xâm phạm bản quyền.
Tuy nhiên, để giải quyết có hiệu quả việc xâm phạm bản quyền cần có các giải pháp đồng bộ kèm theo. Chẳng hạn như chế tài pháp lý trong việc xử lý các vấn đề vi phạm. Khi phát hiện ra vi phạm rất cần phải có cơ chế, căn cứ và công cụ để có thể xử lý vi phạm một cách kịp thời.
Bên cạnh việc giám sát bảo vệ bản quyền, DCC còn tích cực hỗ trợ các đối tác nội dung trong việc phân phối nội dung trên các nền tảng có thể tạo ra thu nhập. Chúng tôi có thể đưa ra các gói giải pháp tổng thể và chi tiết để hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị sở hữu nội dung có thể tiếp cận những kênh khai thác tốt hơn, thay vì chỉ tập trung vào những kênh thế mạnh, truyền thống của chủ sở hữu nội dung đã có.
Buổi làm việc giữa DCC và TikTok. |
- Được biết, DCC vừa có buổi làm việc với đại diện TikTok về vấn đề bản quyền số. 2 đơn vị có dự định hợp tác sâu hơn?
Kể từ khi ra đời, DCC luôn hợp tác tích cực với các cơ quan báo chí chính thống ở Việt Nam. Thực tiễn hợp tác về việc giám sát, bảo vệ bản quyền trên môi trường số với các đơn vị báo chí, chúng tôi thấy có 2 tình trạng vi phạm phổ biến.
Thứ nhất là các đơn vị báo chí vi phạm bản quyền của nhau. Vấn đề này, DCC đã có các công cụ để hỗ trợ quét như nhằm phát hiện ra các đơn vị báo chí vi phạm.
Thứ hai là các cá nhân, tổ chức sử dụng bản quyền của các đơn vị báo chí mà không được sự đồng ý của đơn vị sở hữu nội dung, phát triển kinh doanh trên các nền tảng đa quốc gia phổ biến hiện tại ở Việt Nam như Google, Facebook, Tiktok, Youtube,..
Qua quá trình làm việc, bên cạnh những giải pháp công nghệ chủ động thì chúng tôi nhận ra rằng, còn cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội đa quốc gia trong việc cung cấp công cụ hỗ trợ trong việc bảo vệ bản quyền của các đơn vị báo chí trên nền tảng của họ.
Mới đây, chúng tôi đã có buổi làm việc Tik Tok để thống nhất việc DCC sẽ là đơn vị trực tiếp hợp tác với Tik Tok trong việc bảo vệ bản quyền lĩnh vực báo chí trên nền tảng này.
DCC nhận được sự hợp tác tích cực từ Tiktok, phía Tiktok đã cấp cho Trung tâm Bản quyền số một quyền ưu tiên. Đặc biệt là cho phép DCC trực tiếp gửi "report" đến bộ phận phụ trách bản quyền trên toàn cầu và Tiktok sẽ ưu tiên trong việc xử lý vấn đề bản quyền gần như sớm nhất. Từ đó, DCC sẽ có căn cứ để bảo vệ bản quyền một cách chính thức cho các đơn vị báo chí trên nền tảng xuyên biên giới này.
- Tôi hiểu là các ông đang muốn ngày càng có nhiều hơn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn DCC làm đơn vị bảo vệ bản quyền cho họ. Vậy, ông có thể nói một cách gắn gọn, là vì sao họ cần hợp tác với DCC?
Các đơn vị sở hữu nội dung có thế mạnh về sản xuất nội dung nhưng việc kết nối với các nền tảng đa quốc gia thì không phải đơn vị nào cũng có thể làm được.
DCC với hệ thống có sẵn đã làm việc trực tiếp với Youtube, Facebook và Tiktok nên khi xảy ra vấn đề vi phạm, chúng tôi có thể hỗ trợ ngay.
Ngược lại, các nền tảng đa quốc gia cũng rất mong muốn được làm việc với các đơn vị báo chí chính thống Việt Nam. Bởi họ cũng muốn trả quyền lợi cho đúng, cho trúng đối tác sở hữu nội dung.
Ở DDC, chúng tôi có thể làm việc chi tiết, cụ thể từng nội dung vi phạm, khiếu nại về bản quyền ngay lập tức.
- Ngay cả các nước tiên tiến với hệ thống pháp luật chặt chẽ thì chuyện vi phạm bản quyền vẫn khá phổ biến. Theo ông, để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền, chúng ta nên ưu tiên một chế tài rất nặng hay là nên tập trung đầu tư cho các công nghệ phát hiện, truy vết và chặn vi phạm bản quyền?
Hiện tại, thực trạng vi phạm bản quyền trên thế giới cũng tùy theo mức độ phát triển của từng quốc gia, nhưng nước nào cũng cần có chế tài cần có để xử lý vi phạm bản quyền.
Để giải quyết vấn đề bản quyền một cách tốt hơn thì bên cạnh các chế tài xử lý cần phải có thêm những biện pháp khác như các yếu tố về công nghệ trên môi trường số, phương án xử lý hỗ trợ về mặt pháp lý.
Đồng thời, cũng cần tuyên truyền tích cực đến người sở hữu nội dung về ý thức việc bảo vệ bản quyền. Những người thụ hưởng bản quyền cũng phải ý thức được việc nên tiếp cận những kênh chính thống, nội dung của đơn vị có bản quyền thay vì tiếp cận các kênh lậu trên môi trường số.
Song song với đó, rất cần phải có một hệ thống phân phối minh bạch, khoa học, hợp lý để những người sáng tạo nội dung có thể dễ dàng phổ biến nội dung của mình đến với người tiếp cận.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!