Báo Trung Quốc bỗng dưng lại bàn về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama

VietTimes -- Tờ Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 16/6 đăng bài viết của tác giả Tất Hải Hà, Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam cuối tháng 5/2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam cuối tháng 5/2016.

Quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương

Bài viết cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp hết nhiệm kỳ, nên ông đã lựa chọn thăm Việt Nam và Nhật Bản. Muốn để lại dấu ấn lịch sử, lưu lại thành tích chính trị, chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" là lựa chọn tốt nhất.

"Bước vào thế kỷ 21, so với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc, Mỹ rơi vào vũng lầy của cuộc chiến chống khủng bố và khủng hoảng cho vay dưới chuẩn, vì vậy cách thức ngăn chặn xu thế trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trở thành vấn đề nan giải của Washington" - báo Khoa học xã hội Trung Quốc viết. 

Tháng 7/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiết lộ tín hiệu "quay trở lại châu Á". Tháng 1/2010, tại thành phố Honolulu, Hawaii, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chính thức đề cập đến sự chuyển hướng "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" của ngoại giao Mỹ. Chiến lược này được các đồng minh châu Á của Mỹ hưởng ứng tích cực. 

Lúc ban đầu thực hiện chiến lược này, mục đích của Mỹ là muốn dựa vào sức mạnh của các nước châu Á để kiềm chế Trung Quốc, vì vậy hành vi của Mỹ chủ yếu giới hạn ở tuyên bố ủng hộ đối với các nước châu Á-Thái Bình Dương, thiếu các hành động thực chất. 

Chẳng hạn, trong sự kiện Scarborough năm 2011-2012, Mỹ hoàn toàn không sẵn sàng can dự. Tháng 4/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và hai người đồng cấp Philippines đã tổ chức Tham vấn cấp cao "2+2" lần đầu tiên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam, hội đàm chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam, hội đàm chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Bà Hillary Clinton cho biết, Mỹ phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông. 

Tháng 6/2012, Tổng thống Philippinese Benigno Aquino đến Mỹ đề nghị Mỹ viện trợ, nhưng bà Hyllary Clinton nhấn mạnh, Mỹ không giữ lập trường đối với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, khuyến khích giải quyết vấn đề bãi cạn Scarborough bằng đối thoại ngoại giao.

Nhưng, trong nội bộ đồng minh tồn tại một khó khăn, các nước đồng minh yếu lo ngại sẽ bị đồng minh mạnh từ bỏ, nước đồng minh mạnh lo ngại bị các nước yếu lôi kéo mình vào các cuộc chiến tranh không mong muốn.

Mỹ một khi quyết định "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương", các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ không chỉ là đối tác nhỏ dễ dàng nghe theo Mỹ, mà là đối tượng đánh cờ với Mỹ. 

Mỹ chắc chắn mong muốn các nước đồng minh phối hợp chiến lược với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, các nước châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản và Việt Nam hy vọng nhận được sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ trong "đánh cờ" với Trung Quốc, từ đó có thể gây sức ép với Trung Quốc trên bàn đàm phán, buộc Trung Quốc phải nhượng bộ, từ đó tối đa hóa lợi ích của mình - Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm thành phố Hiroshima, Nhật Bản cuối tháng 5/2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm thành phố Hiroshima, Nhật Bản cuối tháng 5/2016.

Vì vậy, các đồng minh của Mỹ và một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác có thể xuất phát từ lợi ích tự thân, tìm cách để Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. 

Đến nay, các biện pháp của họ đã có một số hiệu quả. Mỹ hiện đã từ hậu trường đi ra sân khấu, đã tiếp tục tăng cường chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Dương.

“Ý đồ chiến lược” trong chuyến thăm Việt Nam, Nhật Bản

Chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 5/2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác nhận xu thế này. Chuyến thăm này không chỉ đơn thuần là tăng cường quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam và Nhật Bản, có thể có ý đồ khác.

Đặc điểm cục diện chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay chính là áp dụng thế công chiến lược, tìm cách tiếp tục củng cố các thành quả của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương. 

Ông Barack Obama đã trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm thành phố Hiroshima - nơi Mỹ đã thả bom nguyên tử vào năm 1945. Tổng thống Obama đã trình bày quan điểm về thế giới không có vũ khí hạt nhân, báo hiệu quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật sẽ chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter thăm Việt Nam cuối tháng 5, đầu tháng 6/2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter thăm Việt Nam cuối tháng 5, đầu tháng 6/2015.

Nếu nói thời kỳ Chiến tranh Lạnh là đối đầu giữa hai mặt trận lớn Mỹ-Xô, thì Mỹ "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" chẳng khác nào hành động trước để chiếm lợi thế, không ngừng thu hẹp không gian ngoại giao và làm suy yếu vai trò ảnh hưởng của "đối thủ chiến lược" (Trung Quốc).

Điều này thể hiện ở 3 phương diện: Trước hết, lôi kéo các đồng minh để cùng áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc. 

Chẳng hạn, Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ, trong vấn đề lịch sử, Trung Quốc và Hàn Quốc đều chịu thiệt hại trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thường có lập trường chung đối với Nhật Bản.

Ngày 14/8/2015, bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kỷ niệm tròn 70 năm sau Chiến tranh hoàn toàn không trực tiếp đề cập đến hành động xâm lược và thực dân của Nhật Bản.

Sau một ngày - ngày 15/8/2015, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho biết, trong bài phát biểu của ông Shinzo Abe có không ít nội dung gây lo ngại. Nhưng mâu thuẫn Hàn-Nhật không có lợi cho Mỹ ngăn chặn Trung Quốc.

Vì vậy, Mỹ tích cực thúc đẩy Hàn-Nhật hòa giải. Tháng 11/2015, bà Park Geun-hye và ông Shinzo Abe đã lần đầu tiên chính thức hội đàm kể từ khi hai người này lên nắm quyền. Sau đó, ít nhất ở bề ngoài, mâu thuẫn Hàn-Nhật không còn tiếp tục xấu đi.

Tháng 2/2016, hai nước Hàn-Mỹ quyết định chính thức khởi động thảo luận vấn đề Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở căn cứ quân Mỹ tại Hàn Quốc, việc này đã bị Trung Quốc phản đối.

Tháng 3/2016, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, phạm vi bao quát của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD nhất là phạm vi giám sát của radar X-band đã vượt xa nhu cầu phòng thủ bán đảo (Triều Tiên), đi sâu vào lục địa châu Á, sẽ trực tiếp gây thiệt hại cho lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc.

Rõ ràng, vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sẽ phần nào ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thứ hai, lôi kéo các nước "láng giềng hữu nghị" của Trung Quốc. Chẳng hạn, từ lâu, Myanmar là quốc gia "hữu nghị" của Trung Quốc, nhưng chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ coi Myanmar là một quân cờ quan trọng, muốn làm xa lánh quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc.

Tháng 12/2011, bà Hillary Clinton thăm Myanmar, trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Myanmar kể từ năm 1962 đến nay. Tháng 11/2012, Tổng thống Mỹ Obama thăm Myanmar và tuyên bố cung cấp viện trợ 170 triệu USD cho Myanmar.

Thứ ba, tranh thủ lực lượng trung gian. Chẳng hạn các nước như Ấn Độ, Việt Nam không lựa chọn đứng về bên nào giữa Trung-Mỹ. Nhưng Mỹ đã tích cực lôi kéo.

Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter thăm Việt Nam và Ấn Độ, giữa Mỹ-Việt ký kết "Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ", giữa Mỹ-Ấn đã ký kết "Thỏa thuận khung quốc phòng 2015 Mỹ-Ấn". Như vậy, Mỹ đã tăng cường hợp tác quân sự với hai nước này. 

Tháng 3/2016, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đề nghị hải quân 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tiến hành tuần tra chung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Ấn Độ chưa xem xét vấn đề tuần tra chung, nhưng sẽ tham gia tập trận chung. Như vậy, Ấn Độ hoàn toàn chưa lựa chọn đứng về phía Mỹ, nhưng những nỗ lực lôi kéo Ấn Độ của Mỹ rất rõ ràng.

Ngoài ra, tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam cũng cho thấy Mỹ đang từ bỏ ân oán lịch sử của Chiến tranh Việt Nam và bất đồng ý thức hệ với Việt Nam, đoàn kết mọi lực lượng có thể để củng cố vị thế chiến lược của Mỹ Đông Á.

Khoa học xã hội Trung Quốc dẫn nhận định của một học giả (không chỉ đích danh) cho rằng khi nhiệm kỳ sắp kết thúc, ông Barack Obama bất ngờ đến thăm Việt Nam, thời gian thăm cũng rất dài, mục đích là để kết thúc quan hệ có một số màu sắc "đối lập" với Việt Nam trước đây, tăng cường hợp tác chiến lược hai nước, cuối cùng tăng cường quan hệ với ASEAN, thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lên tàu sân bay USS John C. Stennis khi đang tuần tra ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lên tàu sân bay USS John C. Stennis khi đang tuần tra ở Biển Đông.

Đáng lưu ý, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Đây vốn là di sản của Chiến tranh Việt Nam. Việc dỡ bỏ này báo hiệu quan hệ hợp tác quân sự Việt-Mỹ sẽ ngày càng chặt chẽ.

Hiệu quả chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản

Bài viết cho rằng chuyến thăm Nhật Bản và Việt Nam lần này của ông Barack Obama không chỉ có hoa tươi và vỗ tay, mà còn có nhiều "tranh cãi" và "phản đối".

Đầu tháng 5/2016, một nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc tiết lộ, Chính phủ Hàn Quốc thường xuyên tiến hành bàn bạc về vấn đề Tổng thống Mỹ thăm Hiroshima Nhật Bản. Trước đây, đây là điều rất hiếm gặp.

Điều này cho thấy giữa Mỹ và hai đồng minh Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) không phải mọi việc đều thuận lợi, mà còn tồn tại một số khó xử. 

Ngoài ra, nội bộ Nhật Bản cũng có những bộ phận phản đối lực lượng Mỹ đồn trú tại nước này. Do đó, chỉ dựa vào chuyến thăm Hiroshima thì Mỹ không thể tranh thủ được lòng người ở Nhật Bản.

Mặt khác, xuất phát từ mục đích củng cố chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ muốn Việt Nam học theo Nhật Bản (cũng là một cựu thù của Mỹ) khôi phục quan hệ. 

Nhưng, học giả Trung Quốc tuyên truyền cho rằng giữa Mỹ-Việt còn có không ít "bất đồng" về các lĩnh vực thực chất như vấn đề lịch sử, Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hơn nữa, hai nước còn tồn tại "bất đồng to lớn" về chế độ chính trị, quan điểm về dân tộc, nhân quyền, tự do tôn giáo...

Do đó, việc khôi phục và củng cố quan hệ đặc biệt Mỹ-Việt hoàn toàn không phải là việc dễ đàng có thể thành công một sớm một chiều - Tờ Khoa học xã hội Trung Quốc kết luận.