Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục phó Cục Thủy lợi, ý kiến ngư dân cho biết dự báo đã “tính” đúng đường đi, vùng ảnh hưởng và lượng mưa của cơn bão số 3, nhưng sức gió giật thì không đến cấp 12 - 14.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó tư lệnh Bộ đội biên phòng, trong thời gian cơn bão đổ bộ đất liền, ông đã trực tiếp gọi điện tới Bạch Long Vĩ, Cát Bà và các tỉnh miền Trung thì đều nhận được phản ánh không có bão. Ngay cả thời điểm 16h ngày 19/8, lúc bão được dự báo đang trên khu vực Bạch Long Vĩ thì cũng… không thấy có dấu hiệu của bão.
Tại nội thành Hải Phòng, từ 13h đến 20h ngày 19/8 – thời điểm dự báo bão đổ bộ, ngoài mưa, khu vực nội thành cũng không thấy các dấu hiệu của bão như gió, gió giật. Thống kê sau bão cho thấy cả Hải Phòng, bao gồm các vùng biển dự báo là nơi bão vào chỉ đổ có…20 cây xanh, không có đầm hồ nuôi trồng thủy sản, diện tích nào bị ngập, thiệt hại, không có đường dây trạm điện nào bị mất điện do bão.
Thực tế, Hải Phòng chịu ảnh hưởng bão số 3 nhẹ hơn hẳn Hà Nội. Trong khi đó thì Hà Nội lại là địa phương nằm sâu trong nội địa, về lý thuyết thì khi bão vào tới đây đã phải giảm cường độ và do thế thiệt hại cũng phải nhẹ hơn
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, thì “Các địa phương tập trung khắc phục hậu thiên tai, không chủ quan trong ứng phó mưa lũ sau bão số 3”. Bộ trưởng Cường đánh giá chung, công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra ứng phó với bão số 3 được thực hiện quyết liệt, kịp thời từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại trong bão số 3.
Bộ trưởng Cường lưu ý: “Xác định các yếu tố bất thường của biến đổi khí hậu để đưa vào chương trình ứng phó với các phương án và giải pháp cao nhất. Các địa phương từ Nghệ An trở ra phía Bắc phải cử lực lượng bám sát các khu vực có nguy cao về lũ ống, lũ quét, ngầm và tràn để hướng dẫn người dân. Tập trung tiêu úng và chăm sóc lúa và hoa màu. Đặc biệt lưu ý 28 hồ chứa hiện đã tích đầy nước trong thời điểm lượng nước về hồ tiếp tục tăng”.