Chuyên gia quân sự Nga Victor Litovkin nói: "Yếu tố hành động tổng hợp giữa lực lượng trên mặt nước và tàu ngầm rất quan trọng. Các tàu nổi phải được bảo vệ cả dưới nước. Ngược lại, khi ra biển, đặc biệt ở khu vực gần bờ, các tàu ngầm đòi hỏi sự hậu thuẫn của các tàu nổi".
Hải quân Việt Nam sẽ có thêm những tàu nổi được xây dựng ở Nga. Cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard đầu tiên gồm hai tàu Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ được biên chế vào Hải quân Nhân dân Việt Nam để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau: bảo vệ bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế, tuần tiễu, hộ tống hoặc dải mìn. Gepard được trang bị vũ khí hiện đại, là ứng dụng công nghệ tàng hình, do đó giảm độ bộc lộ radar khiến tàu khó bị phát hiện.
Tàu Gepard dược mệnh danh là "Báo biển" có khả năng hoạt động độc lập liên tục 20 ngày trên biển, có lượng giãn nước trên dưới 2.000 tấn và có thể đạt tốc độ tối đa 52 km/giờ. Tàu được vận hành bởi kíp thủy thủ khoảng 90 người. Trên boong tàu có bãi đỗ trực thăng. Tàu được trang bị 4 ống phóng tên lửa chống hạm, 2 bệ pháo phòng thủ và một pháo hạm 76mm. Thêm vào đó, cặp Gepard thứ hai được trang bị ống phóng ngư lôi và thiết bị cho phép phát hiện các tàu ngầm của đối phương, và được lắp động cơ xịn hơn.
Bảo vệ biên giới đường biển của Việt Nam có cả các tàu tuần tra Svetlyak của Nga, với trọng lượng rẽ nước 375 tấn, dài 50 mét. Các tàu này đạt tốc độ lên đến 56 km /giờ, có thể hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm. Hai chiếc tàu tên lửa Molniya (theo phân loại phương Tây là Tarantul và được mệnh danh là "Tia chớp") mà Nga đã cung cấp cho Việt Nam trong năm 2007, đang hoạt động rất tốt, vì thế Việt Nam đã thông qua quyết định đóng thêm 10 tàu lớp này theo giấy phép của Nga. Ban đầu, các tàu Gepard, Svetlyak và Molniya được trang bị tên lửa cận âm Kh-35 Uran với trọng lượng phóng 500 - 600kg, đủ sức tiêu diệt các tàu có choán nước tới 5.000 tấn ở khoảng cách 300 km.
Tại Diễn đàn quốc tế "Quân đội năm 2015" ở ngoại ô Matxcơva, phái đoàn Việt Nam đã bày tỏ ý muốn nâng cấp tàu Molniya và trang bị tên lửa hành trình mới của Nga. Trả lời phỏng vấn của Sputnik-Việt Nam, phát ngôn viên của Phòng Thiết kế Almaz (Nga) cho biết rằng, yêu cầu này có thể thực hiện được, những sửa đổi trong dự án có thể được thực hiện mà không làm gián đoạn sản xuất. Tàu Molniya có thể mang, ví dụ, tên lửa Yakhont với tầm bắn lên tới 300 km. Ưu điểm chính của Yakhont là đầu tự dẫn radar của tên lửa có thể bắt mục tiêu mặt nước dạng tuần dương hạm. Tên lửa tự phân loại các mục tiêu, chọn lựa chiến thuật tấn công. Sau khi tiêu diệt mục tiêu chính trong đoàn tàu của đối phương, các tên lửa còn lại tấn công vào các tàu khác, loại bỏ khả năng hai tên lửa trúng vào một mục tiêu.
Ngoài tên lửa Yakhont, trên tàu Molniya cũng có thể bố trí tên lửa lớp Kalibr (theo phân loại phương Tây là Club). Đây là loại tên lửa được trang bị cho các tàu ngầm mà Hà Nội đặt mua từ Nga. Sau khi được phóng tên lửa Kalibr bay với tốc độ cận âm. Khi tiếp cận mục tiêu, đầu đạn chứa 400 kg thuốc nổ tách ra từ động cơ chính và tăng tốc đến 1 km/giây, tức là gấp ba lần tốc độ của âm thanh. Tên lửa tiếp cận mục tiêu ở độ cao 5-10 mét, khiến cho nó trở thành bất khả xâm phạm đối với các hệ thống chống tên lửa của đối phương.
Tại cuộc gặp của Tư lệnh lực lượng Hải quân Nga và Tư lệnh Hải quân Việt Nam, phía Việt Nam bày tỏ ý muốn đặt mua từ Nga cặp tàu Gepard thứ ba cũng được trang bị tên lửa Kalibr. "Việt Nam chi tiền từ ngân sách của mình và muốn mua sản phẩm chất lượng tin cậy. Khi trả tiền của mình, người Việt Nam muốn chi tiêu một cách tốt nhất", thượng nghị sĩ Andrei Klimov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Hội đồng Liên bang Nga, người đã tham dự cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội cho biết.
Ông Klimov nêu rõ: "Việt Nam rất nghiêm túc trong hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga. Trong các cuộc đàm phán, các nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định sẵn sàng tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Họ biết rằng Nga là đồng minh đáng tin cậy và đã qua thử thách của Việt Nam. Đặc biệt là giá cả và chất lượng vũ khí Nga là tốt hơn so với Mỹ".