Ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT.
Không có chuyện giáo viên thu hộ
Chiều 16/9, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam có buổi họp báo thông tin về việc thu bảo hiểm y tế học sinh sinh viên năm học 2015-2016.
Tại buổi họp, ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT cho rằng năm học 2015-2016 là năm bản lề - năm đầu tiên triển khai luật bổ sung BHYT.
Vấn đề trở lên nóng bỏng khi mức phí tăng từ 3% lên 4,5%. Đối với HSSV, căn cứ tính mức đóng cụ thể là lương cơ sở áp dụng theo quy định hiện hành. Thứ hai, thay vì thu theo năm học, khóa học thì thu theo năm tài chính
Trước ý kiến cho rằng “giáo viên chủ nhiệm phải làm hộ ngành BHYT”, ông Sơn khẳng định: “Luật sửa đổi quy định Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn thực hiện với học sinh sinh viên (HSSV), hướng dẫn lập danh sách HSSV tham gia tại nhà trường theo mẫu biểu do bảo hiểm xã hội ban hành, quy định rõ việc thu đóng theo năm tài chính. Luật quy định trách nhiệm thực hiện là của toàn bộ hệ thống chính trị, coi đó là việc của chính mình.”
“Luật BHYT, Nghị định 105, thông tư 41 nêu rõ trách nhiệm các đoàn thể, trong đó có nhà trường đứng ra hỗ trợ thu. Tuy nhiên một số hướng dẫn chưa được sâu rộng nên có nhiều vấn đề chưa đủ thông tin như việc giáo viên phải thu hộ bảo hiểm” – ông Trần Đình Liệu – Trưởng ban thu BHYT bổ sung.
“Nhưng chúng tôi cũng nhận lỗi một phần, đáng lẽ phải là từng GV, hiệu trưởng phải hiểu sâu hơn về tính chất của quỹ BHYT cho HSSV,nhưng chưa có điều kiện để họ hiểu thấu đáo để đến nỗi trả lời báo chí như thế!” - bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXHVN tiếp lời.
Trường đưa tỉ lệ đóng BHYT vào chỉ tiêu thi đua là “có trách nhiệm”
“Một số trường coi tỉ lệ mua BHYT của HSSV là mục tiêu thi đua. Tôi cho rằng đây là giao ước rất có trách nhiệm. Chính phủ đã chấp nhận chỉ tiêu tham gia BHYT được xem là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, là một trong các chỉ tiêu tính vào thi đua các ngành, địa phương” – ông Sơn cho hay.
Về việc triển khai, BHXHVN đã triển khai ký hợp đồng đến 25.425 trường học cả nước. Chỉ còn 5 tỉnh thành tổ chức thu theo năm học như các năm học trước. Còn lại 58 tỉnh thành triển khai phối hợp thu theo năm tài chính. Tuy nhiên vẫn có 8 tỉnh thành triển khai thu 15 tháng. BHXHVN đã kịp thời trao đổi qua điện thoại với TPHCM triển khai thu theo năm tài chính nhưng có phân kỳ. Ngành GD-ĐT cũng đã ban hành công văn chỉ đạo sở GD-ĐT phân kỳ thu 6 tháng, tránh dồn thu tập trung vào đầu năm học tránh áp lực đầu năm cho phụ huynh
Về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV ở nhiều địa phương theo ông Sơn còn chưa đạt theo yêu cầu như quy định, gây khó khăn cản trở để đảm bảo quyền lợi HSSV.
“Phải đóng một đồng dân cũng kêu!”
Bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXHVN phần trần: “Giá như thông tin về việc này được sớm thì sẽ được xã hội chia sẻ, đồng hành hơn. Tuy nhiên chính sách mới thì phải có thời gian “thấm” vào người dân, có quá trình nhận thức và kiểm nghiệm thực tế”.
Theo bà Minh BHYT là nhu cầu an sinh thiết yếu, sau chuyện cơm ăn nước uống, thì chuyện đi lại học hành và sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất của một con người được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng GĐ Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Thị Minh. (Ảnh: Văn Chung)
Bà Minh dẫn dụ ra nhiều nước như Úc mức đóng BHYT bắt buộc là 2000 USD/năm. Thái Lan thu BHYT từ 6% – 8%, Singapore là 11%, Trung Quốc 11,5%; Đài Loan 13,5% và tính theo thu nhập thực tế, cao hơn mức lương cơ sở tối thiểu như mức VN đang áp.
Từ 3% lên 4,5% có thể xem là cao, nhưng số tuyệt đối thì thấy rằng chỉ hơn những năm trước hơn 100.000 đồng, điều quan trọng hơn là nhóm khó khăn, yếu thế đều được hỗ trợ. “Nếu so với Úc ta không so được nhưng phải hiểu tại sao người ta làm như thế. Úc được khen là chăm sóc y tế tốt nhưng nước ta bỏ ra một đồng dân cũng kêu. Chúng tôi rất hiểu tâm lý đó, nhưng Nhà nước đã hỗ trợ những người nghèo thì những người bình thường cũng phải tham gia đóng góp” – lời bà Minh.
Đưa ra nhiều ví dụ về chuyện bệnh viện quá tải, trang thiết bị còn thiếu thốn,..theo bà Minh “muốn nâng cao chất lượng y tế thì đương nhiên phải nâng mức đóng lên”. Mức thu mới này theo bà Minh chỉ mới bằng 1/3 của các nước xung quanh VN. Việc điều chỉnh này đã được tính toán rất kỹ.
“Các bạn đi bệnh viện có thấy nhếch nhác không, bác sĩ của ta rất giỏi nhưng cứ phải bó tay thế, rồi chuyện người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh,.. Nếu không ủng hộ thì bao giờ có nền y tế tốt được?” –Thứ trưởng Bộ Tài chính thẳng thắn.
Theo VNN