Báo động: Rối loạn tâm thần nặng do dùng chất gây nghiện, số lượng người trẻ nhập viện tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Luôn cáu gắt, mất ngủ triền miên, thậm chí, luôn thấy có người mắng chửi, rình rập để hại… là triệu chứng của nhiều người sau khi sử dụng chất gây nghiện. Gặp bác sĩ, họ mới biết mình đã bị rối loạn tâm thần.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - báo động về tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng chất gây nghiện bị rối loạn tâm thần
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - báo động về tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng chất gây nghiện bị rối loạn tâm thần

Những “cậu ấm cô chiêu” xài chất gây nghiện sớm

Chúng tôi đến vào cuối chiều, mà cửa phòng của TS. BS. Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Điều trị Nghiện chất, Viện Sức khoẻ Tâm thần, BV Bạch Mai – vẫn rất đông bệnh nhân ngồi chờ. Nhiều người còn rất trẻ.

Trông vẻ ngoài sáng láng của cậu thanh niên gần 20 tuổi, không ai nghĩ Hoàng Thế Anh (Hà Nội) bị bệnh về sức khỏe tâm thần mấy năm nay. Thế Anh cho biết đã dùng rượu bia từ khi đang học phổ thông, rồi theo bạn bè rủ rê, cậu còn hút cần sa, Ketamine. Rồi cậu luôn nghe thấy trong đầu có người mắng chửi, chê bai, xui mình tự làm đau bản thân. Gia đình đưa cậu vào Viện Sức khoẻ Tâm thần khám, mới hay cậu đã bị rối loạn tâm thần.

Kể với TS. BS. Lê Thị Thu Hà, Hoàng Thế Anh cho biết cậu đã ngừng dùng cần sa một năm, nhưng bệnh vẫn tiếp diễn. Bởi cứ điều trị ổn định, thì cậu không tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Đáng chú ý là, gia đình cậu có bà nội, em bà nội và chú ruột đều bị rối loạn tâm thần.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Điều trị Nghiện chất Viện Sức khoẻ Tâm thần BV Bạch Mai - khám và tư vấn cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do dùng ma túy

TS. BS. Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Điều trị Nghiện chất Viện Sức khoẻ Tâm thần BV Bạch Mai - khám và tư vấn cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do dùng ma túy

BSCK2. Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Viện Sức khỏe tâm thần – cũng cho biết thêm một ca bệnh rối loạn tâm thần điển hình do dùng chất gây nghiện. Đó là Nguyễn Thu Ngân (Vĩnh Phúc), 22 tuổi, là con út trong nhà, bố mất sớm, gia đình có điều kiện nên luôn đáp ứng các yêu cầu của cô. Khi còn học phổ thông, cô đã thường xuyên tụ tập bạn bè uống rượu, hút thuốc. Học xong, cô lên Hà Nội học nghề. Lúc này, không chỉ sử dụng rượu bia, cô còn dùng ma túy tổng hợp.

Vài tháng sau, cô bỗng thường xuyên nghe thấy tiếng nói trong đầu, tiếng chửi mắng cô, cả giọng nam lẫn nữ. Cô trở nên bẳn tính, cáu gắt, rồi đập phá đồ đạc. Đêm đến, cô không ngủ được và mắng chửi lại tiếng nói trong đầu.

Được mẹ đưa vào viện điều trị, bác sĩ chẩn đoán cô bị rối loạn tâm thần và hành vi, do sử dụng MDMA (ma túy tổng hợp) với ảo giác chiếm ưu thế. Nhưng khi ra viện, cô đã không quay lại tái khám theo chỉ định của bác sĩ.

Sau đó, Ngân sử dụng cả cần sa, MDMA, Ketamine, bóng cười 3 – 4 lần/tuần. Cô càng mất ngủ, cáu gắt nhiều hơn, hay cười một mình, tự cho mình xinh đẹp, tài giỏi kiếm được nhiều tiền, nên ai cũng kính nể.

Lần nhập viện này, Ngân được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng đa chất với hoang tưởng chiếm ưu thế. Sau khi ra viện, Ngân lại không tuân thủ điều trị, không tái khám theo hẹn, không tham gia trị liệu tâm lý. Thậm chí, cô tiếp tục sử dụng các chất gây nghiện với mức độ thường xuyên. Thậm chí, cô chi tới 5-7 triệu tiền bóng cười mỗi ngày, kệ cho mẹ sau đó trả nợ.

Lần thứ 3, Ngân phải vào Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị nội trú khi tình trạng bệnh nặng hơn: Liên tục cáu gắt, đập phá đồ đạc trong nhà. Đêm đêm, cô không ngủ được, đóng chặt cửa mà vẫn thấy bất an nên cầm dao đi đi lại lại vì cho rằng có người rình rập hại mình.

Báo động việc sử dụng đa chất gây nghiện

Hoàng Thế Anh và Nguyễn Kim Ngân chỉ là 2 ca điển hình trong số các bệnh nhân trẻ nhập Viện Sức khỏe tâm thần do dùng chất gây nghiện đang gia tăng đáng báo động trong thời gian gần đây.

Tại hội nghị về sử dụng chất gây nghiện ở thanh, thiếu niên do Viện Sức khỏe tâm thần tổ chức vào chiều 9/8, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần- cho biết, trước đây, chất gây nghiện chủ yếu là thuốc phiện, sau thêm heroin, rượu, thuốc lá, thuốc lá điện tử rồi nay là Ketamine, thuốc lắc, nấm ảo giác, khí cười... Đặc biệt là trẻ còn có xu hướng trộn nhiều loại ma túy để sử dụng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

TS. Lê Thị Thu Hà cũng cho biết, 2 năm trước, ở Hà Nội nổi lên loại “nước xoài” một dạng ma túy nặng quảng cáo 100% xoài nguyên chất, bao bì rất đẹp, giá 2 triệu đồng/gói. Còn giờ là “kẹo socola” – một dạng ma túy mạnh hơn cần sa vài chục lần, có khả năng kích hoạt gen gây loạn thần, rồi loại thuốc lá điện tử có cần sa tổng hợp.

TS.BS. Lê Thị Thu Hà cho biết: Với ma trận các chất gây nghiện để “đón lõng” trẻ vị thành niên như thế, tỉ lệ thanh, thiếu niên sử dụng và lạm dụng nicotine, rượu, cần sa, methamphetamine, MDMA, N20... khá nhiều. Một nghiên cứu cho thấy có 12,4% trẻ từ 12-17 tuổi đã sử dụng cần sa ít nhất một lần trong năm đó, và đối với thanh niên từ 18-25 tuổi, con số này là 35%. 1,8% trẻ 12–17 tuổi lạm dụng chất kích thích kê đơn, 7,5% thanh niên 18–25 tuổi cũng vậy.

Đáng lưu ý là những người sử dụng thuốc lá ở độ tuổi 11-19 có nguy cơ bị rối loạn tâm thần cao hơn và tuổi khởi phát bệnh này cũng sớm hơn. Các gen liên quan rối loạn tâm thần đã được chứng minh là trùng lặp với các gen liên quan đến hút thuốc lá. Tỷ lệ sử dụng rượu và ma túy cao hơn trong họ hàng của trẻ em bị trầm cảm và rối loạn cảm xúc, đồng thời, là hiện tượng phổ biến trong những người nghiện rượu.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, trước đây, sử dụng chất gây nghiện chủ yếu là nam giới, thì nay, tỉ lệ đó gần như ngang nhau. Đặc biệt là tỉ lệ thanh, thiếu niên sử dụng chất gây nghiện đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Hậu quả khôn lường

Là một bác sĩ điều trị nhiều kinh nghiệm, TS.BS. Lê Thị Thu Hà cho biết hậu quả của việc sử dụng chất gây nghiện là rất lớn với bệnh nhân: Bạn bè, thầy cô và mọi người xung quanh xa lánh. Từ đó, bệnh nhân càng thấy cô đơn, lo âu, trầm cảm… và sẽ càng dùng chất nhiều hơn. Và vòng luẩn quẩn là bệnh càng nặng.

Việc lạm dụng rượu và cần sa làm khiếm khuyết cấu trúc và chức năng của não. Những trẻ uống rượu nhiều năm sẽ giảm thể tích hồi hải mã, vỏ não trước trán, tiểu não, khiến cho suy giảm trí nhớ, sự chú ý và tốc độ xử lý thông tin, cũng như chức năng điều hành, việc lập kế hoạch, giải quyết các vấn đề.

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn còn cho biết thêm: Việc lạm dụng chất gây nghiện sẽ làm biến đổi chất dẫn truyền tế bào não, dẫn đến suy giảm trí nhớ, mất ngủ, rối loạn tình dục, rối loạn hành vi. Đặc biệt, sử dụng cần sa sẽ làm kích thích gen rối loạn tâm thần ở những bệnh nhân có người thân mắc bệnh này. Trường hợp của Hoàng Thế Anh là một ví dụ điển hình.

Đó cũng là lý do mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc cấp phép lái xe cho người mắc bệnh tâm thần và tiền sử bị bệnh tâm thần.

Điều trị: Gia đình rất quan trọng

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, hiện đã có nhiều loại thuốc chữa rối loạn tâm thần do ma túy.

Bác sĩ tâm lý Bùi Văn Toàn - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe tâm thần

Bác sĩ tâm lý Bùi Văn Toàn - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe tâm thần

Bác sĩ Bùi Văn Toàn - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe tâm thần – nhấn mạnh liệu pháp dựa vào gia đình trong điều trị trẻ sử dụng ma túy vô cùng quan trọng. Ngay khi phát hiện trẻ sử dụng chất gây nghiện, gia đình cần tỏ rõ thái độ và đồng hành để thay đổi hành vi của trẻ. Hầu hết trẻ vị thành niên sử dụng chất gây nghiện do stress hoặc muốn thể hiện bản thân. Vì vậy, gia đình cần theo dõi, giải quyết những vấn đề của trẻ, để trẻ không tái sử dụng chất gây nghiện.

TS.BS. Lê Thị Thu Hà đưa ra lời khuyên: Các hoạt động trong gia đình, xã hội, giáo dục hoặc nghề nghiệp lành mạnh sẽ giúp bệnh nhân duy trì việc bỏ ma túy. Có thể có các biện pháp động viên như tặng các phần thưởng bất ngờ có giá trị thấp như tiền mặt, đồ ăn, vé xem phim… khi trẻ tuân thủ điều trị, bỏ dùng chất.

(Tên bệnh nhân đã được thay đổi)