Người khuyết tật, tâm thần mắc COVID-19 làm gì để tự chăm sóc bản thân khi ở nhà?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà, khuyến cáo chi tiết cách tự chăm sóc tại nhà khi mắc COVID-19 đối với người khuyết tật, tâm thần.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân (Ảnh - BYT)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân (Ảnh - BYT)

Bộ Y tế cho biết: Người mắc COVID-19 ngoài chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, cần tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe. Tập luyện, vận động trong giai đoạn này sẽ giúp: Giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn; tống thải đờm (đàm) với các trường hợp có tăng tiết đờm; tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp; ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.

Một số bài tập thở, vận động gồm: Vận động tại giường; bài tập giãn cơ; bài tập thể lực tăng sức bền. Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường (mệt, khó thở hay đau ngực tăng), người bệnh cần dừng tập và theo dõi cơ thể. Nếu các biểu hiện này tăng lên cả khi nghỉ thì báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.

Theo Bộ Y tế, người khuyết tật mắc COVID-19, ngoài việc cần chăm sóc như mọi người khác, thì cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt, nhất là với người có khó khăn trong tự phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Người khuyết tật có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 với mức độ nặng cao hơn. Vì vậy, người chăm sóc cần sẵn sàng các tình huống phải liên lạc với nhân viên y tế; theo dõi sát dấu hiệu của người nhiễm và cần chuyển cấp cứu kịp thời tại các cơ sở y tế điều trị COVID-19 trên địa bàn khi có các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp.

Trong quá trình điều trị tại nhà, người khuyết tật cần kết hợp các hoạt động luyện tập phục hồi chức năng, tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần để giúp bù đắp cho việc hạn chế các hoạt động bên ngoài và tình trạng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, thất vọng. Người chăm sóc cần thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn dụng cụ trợ giúp người khuyết tật trước và sau khi sử dụng.

Đối với người tâm thần mắc COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo: Khi người bệnh tâm thần nhiễm COVID-19 được chăm sóc tại nhà, ngoài việc thực hiện các khuyến cáo về chăm sóc kể trên, người bệnh tâm thần và người chăm sóc cần thực hiện tốt các việc sau:

Chuẩn bị mọi thứ cần thiết khi phải cách ly, đặc biệt phải chuẩn bị thuốc điều trị bệnh tâm thần dùng trong 1-3 tháng điều trị; không tự ý ngừng hoặc bỏ thuốc đang điều trị. Nếu lịch tái khám định kỳ bị hoãn do bệnh dịch, nên tư vấn từ xa với nhân viên y tế theo đúng hẹn.

Tập luyện các bài tập thể chất, phục hồi chức năng đơn giản hàng ngày.

Giữ thói quen và lịch trình thường làm hàng ngày càng nhiều càng tốt hoặc tạo ra thói quen mới trong một môi trường mới như: tập thể dục, vệ sinh sạch sẽ...

Tăng cường kết nối với người thân (qua điện thoại, e-mail, phương tiện truyền thông xã hội hoặc các cuộc gọi video).

Đối với người bệnh nghiện các chất dạng thuốc phiện đang điều trị thay thế bằng methadone hoặc buprenophine hãy thông báo cho cơ sở đang điều trị để có kế hoạch cấp thuốc phù hợp.

Người chăm sóc, người nhà cần theo dõi, phát hiện sớm các tình trạng cấp cứu như: kích động, ý tưởng hoặc hành vi tự sát, từ chối ăn uống, trạng thái cai, sảng, ngộ độc thuốc. Liên lạc với nhân viên y tế để được hướng dẫn hỗ trợ, xử trí cấp cứu.