BÁO CHÍ TRONG THỜI ĐẠI 4.0

Báo chí phải “kinh doanh để mà sống”, chứ không phải “sống để kinh doanh“?

VietTimes -- Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ đến chóng mặt của công nghệ, báo chí không còn là kênh độc quyền về sản xuất nội dung mà đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ mạng xã hội. Điều này đặt Báo chí trước ngã rẽ mới: Phải coi mình là một ngành kinh doanh và tìm ra kênh phân phối hiệu quả để tồn tại.

Sự “đe dọa” của truyền thông xã hội

Không thể phủ nhận từ khi xuất hiện, truyền thông xã hội đã làm ảnh hưởng lớn tới truyền thông báo chí. Nó không chỉ liên quan vấn đề nội dung của một tòa soạn mà cả về quảng bá, thương mại điện tử, cơ hội quảng cáo…

Trước kia với môi trường truyền thông truyền thống, những tiêu chuẩn chiến lược, giá trị nội dung của thông tin được các cơ quan truyền thông quan tâm nhiều, báo chí truyền thống sử dụng tiêu chuẩn chất lượng thông tin để làm thước đo. Trong hoạt động cung cấp tin tức họ có quyền làm chủ cuộc chơi. Tuy nhiên, sự xuất hiện truyền thông xã hội đã làm thay đổi điều đó, công chúng có sự lựa chọn mới. Phân tích kỹ từ góc độ báo chí sẽ thấy tin tức xã hội có lợi thế hơn báo chí và đáp ứng kịp thời nhu cầu của công chúng hiện đại.

Kết quả nghiên cứu của một công ty chuyên về điều tra xã hội học trong lĩnh vực internet cho thấy, hơn 95% số người truy cập internet để đọc thông tin, chủ yếu thông qua các website tổng hợp và các mạng xã hội, cùng đó một tỷ lệ tương tự sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin khi sử dụng internet. Nhu cầu tìm kiếm và sử dụng thông tin là nhu cầu chủ đạo của người dùng internet. Điều đó cho thấy, internet đã trở thành phương tiện truyền thông rất quan trọng, thậm chí đang từng bước lấn át các phương tiện truyền thống đặc biệt là đối với báo, tạp chí in. Hơn nữa, những số liệu thống kê không chính thức cũng cho thấy các các trang mạng xã hội chiếm đến 80% số lượng người sử dụng thường xuyên trong số 10 trang mạng lớn nhất ở Việt Nam.

Người ta dự đoán đến 2021 có khoảng hơn 3 tỷ người sử dụng mạng xã hội trên toàn cầu. Còn ở Việt Nam sẽ có 57,43% cư dân sử dụng Facebook, 12,81% với YouTube và còn tiếp tục gia tăng. Trong báo cáo của Viện Pew Research có 80% người Việt cho rằng mạng xã hội là tích cực, chỉ có 6% cho rằng tiêu cực.

Như vậy, thực tế đang chứng minh cho sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thông tin trên mạng internet. Trong đó, truyền thông xã hội dần trở thành kênh tìm kiếm thông tin phổ biến đối với cộng đồng.

Chính sự phát triển của các thiết bị di động cũng như các mạng xã hội đang buộc các cơ quan báo chí phải định hình lại hoạt động của mình. Facebook cũng như các nền tảng số hóa khác đang tạo ra nhiều cơ hội và cũng đem đến vô vàn mối đe dọa.

Báo chí phải “kinh doanh để mà sống”, chứ không phải “sống để kinh doanh“? ảnh 2Vào năm 2018, nếu tòa soạn của bạn chưa thu tiền hoặc thu thập dữ liệu người dùng, vậy là bạn tiêu rồi!

Joan Senor - Chủ tịch Innovation Media Consulting Group

Trước bối cảnh đó, rõ ràng báo chí cần chuyển mình và cho thấy được vai trò truyền thông chính thống của mình, giành lại sự tin cậy của công chúng, nhất là khi niềm tin với báo chí đang giảm sút trên toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề này, nhà báo Meredith Artley của CNN từng nhấn mạnh tại hội nghị cấp cao Mạng lưới các Tổng biên tập Toàn cầu (GEN) vào tháng 6/2016 rằng: “Đúng là có những thuật toán trên Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác mà chúng ta không kiểm soát được. Nhưng chúng ta kiểm soát những bài báo mà chúng ta viết ra, cách thức chúng ta thực hiện, kiểm soát được vị trí và thời điểm đăng tải những bài báo đó”.

Phải nhìn nhận báo chí như một doanh nghiệp

Xu thế người dùng đang dần dịch chuyển từ báo chí truyền thống sang truyền thông xã hội là một điều không thể tránh khỏi. Các tờ báo mất đi lợi thế tiếp cận độc giả, còn phải đối mặt với báo điện tử, với điện thoại thông minh (smartphone), với ứng dụng (app), Facebook, Twitter... Do đó “Việc nhìn nhận báo chí như một loại hàng hóa và việc tái tạo kênh phân phối báo chí trong bối cảnh hiện nay là một điều cần thiết”, ông Trương Trí Vĩnh, Giám đốc điều hành Tạp chí Nhà Quản Lý chia sẻ tại Hội thảo “Báo chí trong kỷ nguyên mạng xã hội: Đổi mới hoạt động và kinh doanh báo chí trước thách thức của truyền thông xã hội”.

Người đọc đã thay đổi, nên mọi thứ cần phải thay đổi theo. Ở thời điểm hiện tại, theo ông Vĩnh, báo chí đã dần không độc quyền về sản xuất nội dung. Sự cạnh tranh lớn nhất của các cơ quan thông tấn là mạng xã hội. Vì vậy, đã đến lúc cơ quan báo chí nhìn nhận như một ngành kinh doanh.

ông Trương Trí Vĩnh - Giám đốc điều hành tạp chí Nhà quản lý (ảnh: Mạnh Hưng)
ông Trương Trí Vĩnh - Giám đốc điều hành tạp chí Nhà quản lý (ảnh: Mạnh Hưng)

“Thực ra cách đây 10 năm khi Facebook, Google vào thảo luận chiến lược, chúng ta biết trước mô hình cũ đã chết nhưng đồng thời là cơ hội để nhìn nhận lại sự thay thế thực tế. Báo điện tử thắng thế không phải loại hình mà là kênh phân phối ưu việt hơn. Và báo điện tử làm sắc nét hơn tất cả tiêu chuẩn tin tức mà chúng ta buông lỏng vì người đọc ít trung thành, dễ di chuyển hơn”, ông Vĩnh phân tích.

Vốn vai trò của báo chí là sản xuất thông tin gốc, và đây cũng chính là lợi thế quan trọng của tờ báo. Tuy nhiên, hầu hết các thảo luận tìm chiến lược sống sót của tờ báo lại đều nhắm tới làm sao bán được quảng cáo, thắng được Facebook, trong khi vấn đề lại nằm ở kênh phân phối.

Thời kỳ khi báo in còn thịnh hành, các sạp báo chính là kênh phân phối các tờ báo cực kỳ hiệu quả. Đến độ từ lâu các nhà báo, các Tổng biên tập không phải quan tâm đến việc phân phối ra sao mà chỉ cần tập trung làm nội dung sao cho hay, còn việc đến tay độc giả đã có hệ thống sạp báo lo liệu. Nhờ đó, các tòa soạn báo cứ thế phát triển cả trăm năm nay. Rõ ràng, nếu coi nội dung của báo chí là hàng hóa với độc giả, thì kênh phân phối hiệu quả là điều không thể thiếu.

Kế đó, việc nhận diện chính xác nguồn thu chính đến từ đâu cũng giúp các tờ báo có thể xây dựng những mô hình kinh doanh phù hợp, hiệu quả, lành mạnh và bền vững. Hiện nay, trong số các mô hình kinh doanh cơ bản của báo chí truyền thống, thu tiền người đọc (phát hành báo giấy, thu tiền người đọc trực tuyến) là mô hình cơ bản. Tuy nhiên, ở Việt Nam phương án này được đánh giá là bất khả thi về khả năng thu tiền người đọc trực tuyến bởi một số nguyên nhân như: cơ chế đặc thù của Việt Nam khiến báo chí ít độc lập trong nội dung, vấn nạn ăn cắp bản quyền không được kiểm soát, thói quen đọc báo miễn phí của người Việt…

Khảo sát các tờ báo lớn trên thế giới hiện nay đang đi theo xu hướng thu phí người đăng ký (subscriber). Thời kỳ đầu, tỷ lệ người đọc báo điện tử trả phí chiếm phần trăm rất nhỏ, có thể doanh thu mang lại là không đáng kể nhưng cho thấy được tiềm năng và sự tăng trưởng. Còn tại Việt Nam, chưa có tờ báo nào làm được việc này, có chăng Việt Nam Plus là tờ báo đầu tiên thực hiện hình thức lập cổng thu tiền người đọc (paywall) đối với các bài báo độc quyền nhưng cũng không đáng kể. Khi tỉ lệ người đọc báo miễn phí vẫn còn cao, có nghĩa là dư địa của báo chí trả tiền vẫn còn rất lớn, là tiềm năng cần được khai thác.

Doanh thu báo chí trong nước vẫn phụ thuộc phần nhiều vào quảng cáo. Tuy nhiên, việc bảo trợ truyền thông cũng giống như con dao hai lưỡi với cả doanh nghiệp và báo chí, và việc hợp tác có ranh giới rất khó nhận biết. Nếu tòa soạn báo hợp tác với tâm thế doanh nghiệp là người trả tiền và buộc tòa soạn phải đăng tải theo ý kiến của họ vô hình chung sẽ đánh mất uy tín với người đọc, trong khi yếu tố uy tín với bạn đọc vẫn là vấn đề đầu tiên mà cơ quan báo chí phải theo đuổi. Như vậy thì tính hữu ích của mối quan hệ hợp tác sẽ ko cao. Và đứng trước bối cảnh này, thay vì tập trung quá nhiều vào vấn đề quảng cáo thì điều tờ báo cần làm chính là phải quay lại độc giả. Tòa soạn báo phải đưa ra cho khách hàng lượng độc giả thật chứ không phải độc giả ảo.

Dẫn 12 mô hình kinh doanh báo chí từ nghiên cứu của Juan Senor, diễn giả hàng đầu châu Âu tại các diễn đàn báo chí và là Chủ tịch Innovation Media Consulting Group (Anh), bao gồm (thu tiền người đọc, kêu gọi đóng góp, thu tiền quảng cáo, tổ chức sự kiện, thu thập và bán dữ liệu người dùng…), ông Rolf Dyrnes Svendsen cho rằng “thu tiền người đọc” vẫn là một trong những mô hình bền vững nhất.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới, trong đó có sự thay đổi hoàn toàn về cách thức người đọc tiếp nhận thông tin. Việc đổi mới và tìm ra mô hình kinh doanh khác của các tòa soạn chính là để thích nghi với những thay đổi ấy, và việc tạo dựng thói quen đọc báo trả tiền cho người đọc trực tuyến cũng là một trong những mô hình cần xem xét, nghiên cứu thật nghiêm túc.

Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Vĩnh, xu hướng chung của hầu hết các tờ báo trên thế giới đều quay lại đầu tư nội dung, quay lại độc giả. Đó là điều tất yếu. Phải đầu tư làm chất lượng ngay từ đầu, người đăng ký là cách thức tích lũy tốt nhất làm cho tiền của nhà đầu tư trở nên hiệu quả. Đây là chiến lược đầu tư mà chúng ta nên suy nghĩ.

“Một tờ báo có 2-3 triệu độc giả trung thành đã là một nguồn doanh thu đáng kể và vững vàng. Đi kèm với kênh phân phối hiện đại và nguồn thu từ độc giả như vậy là xu hướng của các tờ báo lớn trên thế giới hiện nay”, ông Vĩnh nhấn mạnh.