Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - trả lời phỏng vấn của VietTimes về vấn đề chuyển đổi số của TP Đà Nẵng và vai trò của báo chí trong tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - trả lời phỏng vấn của VietTimes về vấn đề chuyển đổi số của TP Đà Nẵng và vai trò của báo chí trong tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.

E-magazine Báo chí đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai chuyển đổi số của TP Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – “Thời gian qua, báo chí đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của TP Đà Nẵng. Hy vọng tới đây, các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng địa phương” - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói.

Nhân 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đã dành cho VietTimes một cuộc trò chuyện về những định hướng trong hoạt động chuyển đổi số của TP Đà Nẵng, cũng như vai trò của báo chí trong tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.

- Tại hội thảo về chuyển đổi số do TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ TTTT tổ chức mới đây, các chuyên gia đánh giá cao kết quả chuyển đổi số của Đà Nẵng và thống nhất rằng Đà Nẵng đang đứng số 1 về chuyển đổi số của cả nước, đồng thời, đã ở tầm quốc tế. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn muốn tiến xa hơn. Xin ông vui lòng cho biết định hướng chuyển đổi số của Đà Nẵng trong thời gian tới, nhất là sau khi vượt qua vị trí số 1?

Ông Lê Trung Chinh: Nghị quyết 05/NQ-TU về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, cũng như Đề án Chuyển đổi số do UBND TP ban hành đều xác định chuyển đổi số là phương tiện, công cụ, động lực, là “chìa khoá” để xây dựng TP thông minh, đặc biệt là thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030: Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.

Vì vậy, chuyển đổi số là công việc lâu dài, chứ không thể ngày một, ngày hai có được. Vì là phương tiện, công cụ, nên chuyển đổi số là công việc thường xuyên, liên tục thay đổi, để phù hợp với yêu cầu cuộc sống.

Do đó, những gì Đà Nẵng có được hôm nay trong công cuộc chuyển đổi số, chỉ mới là sự khởi đầu thuận lợi mà thôi. Thách thức vẫn còn rất nhiều ở phía trước mà TP cần phải nỗ lực để vượt qua.

Kết quả triển khai chuyển đổi số tại TP Đà Nẵng bước đầu được Bộ TT&TT, Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số đánh giá cao là rất quan trọng, vì tạo thêm động lực và niềm tin để chúng tôi tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

LTC.png

TP Đà Nẵng xếp thứ nhất tỉnh/thành (điểm số năm 2021 chỉ đạt 0,6312 điểm/1.0 điểm và năm 2022 đạt 0,6868 điểm/1.0 điểm). Việc triển khai chuyển đổi số mới qua 2 năm nên còn rất nhiều việc phải làm, nhất là so với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển chung của TP.

Thời gian tới, Đà Nẵng định hướng sẽ chuyển đổi số tập trung tạo lập dữ liệu, khai thác hiệu quả dữ liệu số để cung cấp dịch vụ thuận tiện cho người dân, đặc biệt là giảm giấy tờ, thủ tục, rút ngắn thời gian, công khai minh bạch, đồng thời, phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển kinh tế số, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cũng như ứng dụng dữ liệu số, công nghệ số vào phát triển các ngành, lĩnh vực khác.

- Là người đứng đầu UBND TP, ông đã cảm thấy hài lòng về những gì Đà Nẵng đạt được chưa? Hay Đà Nẵng vẫn còn nhiều mục tiêu phía trước?

Ông Lê Trung Chinh: Như tôi đã nói ở trên, những gì Đà Nẵng có được hôm nay trong chuyển đổi số chỉ mới là bước khởi đầu, phía trước vẫn có không ít thách thức mà chúng tôi phải nỗ lực vượt qua.

Tính đến tháng 5/2023, Đà Nẵng đã hoàn thành 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện đã được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình hay mức 4 (mức cao nhất) với tổng số 1.797 DVCTT, chiếm tỷ lệ 93,5% trên tổng số TTHC (trung bình toàn quốc có 59,85% DVCTT toàn trình trên tổng số TTHC); Có 96% DVCTT có phát sinh hồ sơ (so với toàn quốc là 55,84%).

Đặc biệt, có 78% hồ sơ TTHC nộp trực tuyến (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 50%; trong khi toàn quốc 4 tháng đầu năm 2023 là 34,1%). Tính riêng tháng 5/2023, số lượng hồ sơ trực tuyến là 19.989 hồ sơ, trên tổng cộng 22.693 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 80%. Mức độ hài lòng của sử dụng dịch vụ công được người dân đánh giá khi sử dụng (trên Cổng dịch vụ công TP và Cổng dịch vụ công quốc gia) luôn xấp xỉ tỉ lệ 100% hài lòng. Năm 2023, Sở Nội vụ đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến độc lập, thì có 90% hài lòng, 10% đáp ứng (bình thường).

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ TT&TT, kinh tế số Đà Nẵng năm 2022 chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu GRDP TP (khoảng 17,5%), tăng khoảng 5% so với cuối năm 2021).

TP hiện có khoảng 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân (tăng khoảng 200 doanh nghiệp so với cuối năm 2022), đứng thứ hai sau TP HCM và cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước là 0,7 doanh nghiệp CNS/1.000 dân. Tổng nhân lực CNTT TP tính đến cuối năm 2022 khoảng 47.500 người, chiếm 7,7% tổng lực lượng lao động toàn TP.

Doanh nghiệp công nghệ số TP bắt đầu làm chủ công nghệ, có nhiều sản phẩm chủ lực, triển khai cho các tỉnh, thành toàn quốc và thậm chí ở nước ngoài. Đặc biệt là sản phẩm chuyển đổi số của doanh nghiệp đã đạt giải thưởng lớn như: Nền tảng Cảng chuyển đổi số ePort và Giải pháp tự động hóa ứng dụng công nghệ RPA của Công ty Irtech đạt Giải thưởng Sao Khuê 2022; Nền tảng chuyển đổi số ngành dệt may của Công ty Retex là 1 trong 5 sản phẩm đạt Giải thưởng Viet Solutions 2022,...

Đà Nẵng.png
Cổng dịch vụ dữ liệu TP Đà Nẵng

Bên cạnh đó, chính quyền đã ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để nâng cao hiệu quả trong thực thi công vụ, chỉ đạo và điều hành như: Sử dụng văn bản điện tử, ký số; theo dõi thực hiện công việc giao từng cơ quan, công chức; quan trắc cảnh báo sớm môi trường; giám sát giao thông và xử phạt nguội qua camera; tiếp nhận và xử lý góp ý trực tuyến của người dân,…

Hằng năm, UBND TP đều ban hành kế hoạch chuyển đổi số, trong đó có các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể; bao gồm các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số và của riêng mình (năm 2022 xác định 20 chỉ tiêu, trong đó, có 12 chỉ tiêu của riêng TP; năm 2023 có 40 chỉ tiêu, trong đó có 13 chỉ tiêu của riêng TP). Hàng quý, hàng năm, chúng tôi đều tổ chức rà soát, đánh giá kết quả chuyển đổi số và hầu hết các chỉ tiêu đưa ra đều đạt hoặc vượt.

Dẫu vậy, so với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển chung của TP, chúng tôi mong muốn việc chuyển đổi số phải hiệu quả, thực chất hơn nữa, nhằm giúp cộng đồng sử dụng dịch vụ công thuận tiện nhất, đặc biệt là dẹp bỏ những phiền nhiễu cho nhân dân; giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, tạo thêm ngành nghề mới, công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời, giúp các cơ quan chính quyền thực thi công vụ tiết kiệm thời gian, công sức và giải quyết được nhiều nhiệm vụ, kịp thời, hiệu quả, chính xác.

LCT2.png

- Để đạt được những kết quả như hiện nay là quá trình nỗ lực của cả hệ thống, bộ máy chính trị và người dân Đà Nẵng, trong đó, có sự đồng hành của báo chí trên địa bàn. Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong tiến trình chuyển đổi số của địa phương thời gian qua, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh: Trong chiến lược, Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, cũng như trong Nghị quyết, Đề án chuyển đổi số của TP, Đà Nẵng xác định nhận thức đóng vai trò quyết định trong triển khai chuyển đổi số. Do vậy, báo chí đóng vai trò quan trọng trong triển khai chuyển đổi số của TP Đà Nẵng.

Trong thời gian qua, báo chí đã đồng hành với TP trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các quy định chính sách; cỗ vũ những cá nhân, sản phẩm, dịch vụ triển khai tích cực, hiệu quả, cũng như góp ý những bất cập. Không những vậy, báo chí là kênh hiệu quả nhất để giới thiệu các dịch vụ, tiện ích, sản phẩm của chuyển đổi số đến với người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định triển khai chuyển đổi số cho cơ quan báo chí TP để phục vụ người dân tốt hơn theo nhu cầu thụ hướng báo chí hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng. Hiện nay, chúng tôi đã triển khai thêm phim trường S2, S3 cho Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng; đã phê duyệt Đề án chuyển đổi số cho Báo Đà Nẵng; đồng thời, đang xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược chuyển đổi số và phát triển báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Video Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh trả lời phỏng vấn VietTimes về những định hướng về chuyển đổi số của TP Đà Nẵng, cũng như vai trò của báo chí trong tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.

- Ông có thể vui lòng chia sẻ thêm mong muốn và kỳ vọng đối với cơ quan báo chí trong tiến trình chuyển đổi số của địa phương? Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ và hợp tác với báo chí như thế nào, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh: UBND TP đã giao Sở TT&TT làm đầu mối hợp tác với các cơ quan báo chí, đồng thời, để các cơ quan báo chí tham gia hiệu quả, đóng góp lớn vào tiến trình chuyển đổi số của địa phương trong năm 2022, UBND TP đã ban hành Đề án truyền thông Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025.

Thời gian tới, tôi hy vọng các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng Đà Nẵng trong công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho cộng đồng, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; phản ánh kịp thời các yêu cầu chuyển đổi số từ nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp,..

LTC3.png

Từ đó, góp phần triển khai công tác chuyển đổi số thực chất, hiệu quả, đạt mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội TP; phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số” như Nghị quyết 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ TP đã xác định.

- Xin cảm ơn ông đã trao đổi!

Thiết kế: Văn Lâm