Khi De De gọi cho nhà mạng China Mobile để hỏi về gói cước rẻ hơn, cư dân Quảng Châu này được hướng dẫn đăng ký gói 5G. 30GB dữ liệu vẫn có thể sử dụng trên mạng 4G khi 5G không có sẵn.
“Tôi cần dùng dữ liệu và nó chỉ đắt hơn 1 NDT so với gói cước cũ của tôi, vì vậy tôi đã nghĩ “sao lại không nhỉ ”, De nói. De đang dùng Huawei Mate 20 phiên bản 4G.
Dù De chưa được hưởng lợi ích mà 5G mang lại như độ trễ thấp, dung lượng cao, anh vẫn được tính là 1 thuê bao 5G. Tính đến cuối tháng 6, China Mobile và China Telecom – hai hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc – báo cáo số người dùng 5G lần lượt là 70 triệu và 38 triệu.
Trong khi đó, người dùng Weibo GXSD-09 than phiền vì liên tục nhận được cuộc gọi từ China Telecom thông báo sẽ bị ngừng gói 4G trừ khi nâng cấp lên 5G. “Tôi hiểu công ty cần giành thị phần 5G nhưng thật sự “cạn lời” với hành vi thiếu tôn trọng khách hàng một cách trắng trợn như vậy”, người này viết trên Weibo.
Chiêu trò của nhà mạng không thể qua mắt Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT). Gần đây, cơ quan này yêu cầu các nhà mạng phải tính toán lại số liệu. Theo dữ liệu riêng của Bộ, tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc chỉ có 66 triệu smartphone 5G đang thực sự dùng mạng 5G.
Ông Wen Ku, một quan chức của MIIT, cho biết Bộ không tán thành các hành vi như bắt ép nâng cấp để người dùng chuyển sang gói 5G và sẽ tăng cường giám sát, đặc biệt là trừng phạt với hành vi nâng cấp mà không được sự đồng ý của người dùng hay các hoạt động khác làm tổn hại đến quyền lợi khách hàng.
Thông báo của MIIT được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang giành nhau vị trí số 1 trên các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, 5G, Internet of Things (IoT), vốn được xem là lợi thế cạnh tranh quan trọng của nền kinh tế mới.
5G và trung tâm dữ liệu đứng đầu trong kế hoạch “hạ tầng mới” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mạng 5G thế hệ mới là yếu tố căn bản cho hạ tầng kỹ thuật số của Trung Quốc và thúc đẩy kết nối tốt hơn cho người dùng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Zhang Ding Ding – một nhà phân tích ngành công nghiệp Internet, chuyển đổi 5G không nên vội vã. Là một trong những người dùng 5G đầu tiên tại Trung Quốc, ông đã thử nghiệm tốc độ 5G tại nhiều thành phố và nhận được kết quả khác nhau.
Ông Zhang nhận xét trải nghiệm thực sự còn thua xa lời cam kết 5G nhanh hơn 100 lần so với 4G, đồng nghĩa không cần phải nâng cấp. “Chúng ta nên đi từng bước một, đi theo người dùng và thị trường thay vì tạo ra cảnh phồn thịnh giả tạo”.
Tính đến cuối tháng 6, ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc đã lắp đặt 400.000 trạm gốc 5G, gần đạt kế hoạch năm. China Mobile và China Telecom cùng xây dựng mạng 5G để giảm áp lực vốn. Theo ông Wen, doanh số điện thoại 5G khá hứa hẹn và dự kiến đạt 86,2 triệu máy trong năm 2020.
Các nhà sản xuất nội địa như Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo đều nỗ lực gia tăng thị phần thông qua cung cấp điện thoại 5G từ rẻ tới trung bình, có thể xuống mức 1.000 NDT (3,3 triệu đồng). Chuyên gia Zhang nhận định thiết bị giá rẻ sẽ khuyến khích nhiều người dùng chuyển sang 5G hơn.