Bancassurance tiếp tục tăng trưởng

Bancassurance, còn gọi là dịch vụ bán chéo sản phẩm giữa ngân hàng thương mại và các công ty bảo hiểm, đang được xem là một sản phẩm rất tiềm năng. Hình thức này vừa mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận khách hàng, vừa góp phần hạn chế rủi ro cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm.
Bancassurance: “Nhân vật chính” của mảng dịch vụ ngân hàng
Bancassurance: “Nhân vật chính” của mảng dịch vụ ngân hàng

Tăng trưởng bancassurance đạt 17,2% trong 6 tháng đầu năm

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance) ước đạt 8.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,2% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ.

Chia sẻ về cơ hội của kênh bancassurance trong thời gian tới, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký IAV cho hay, tại các quốc gia phát triển, kênh bancassurance đã phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng từ 50-70% tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường nhân thọ và Việt Nam được dự báo sẽ sớm đạt con số này trong tương lai gần. “Các năm trước, kênh bancassurance chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn dưới 9% tổng doanh thu phí toàn thị trường, sang năm 2018 nhích lên 10%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng lên 17,2 % minh chứng cho sự bứt phá mạnh mẽ của kênh này”, ông Bùi Gia Anh nói. 

Cũng theo IAV, trong năm 2019, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng trưởng doanh thu dự kiến tăng 20% so với năm 2018. Tại Việt Nam hiện có 64 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm 30 phi nhân thọ, 18 bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Bancassurance: “Nhân vật chính” của mảng dịch vụ ngân hàng

Thực tế cho thấy, thu hoạt động dịch vụ, đặc biệt là từ bancassurance, đang có xu hướng tăng lên và được xem là “gà đẻ trứng vàng” của nhiều ngân hàng trong thời gian tới. Theo dự báo của SSI Research,  phí bảo hiểm thông qua kênh bancassurance sẽ tăng trưởng khoảng 30-40% và trở thành kênh bán hàng được ưa chuộng với tỷ trọng tăng lên 14% trong năm 2019. Chẳng hạn như mảng kinh doanh - dịch vụ bảo hiểm của MBBank chiếm khoảng 60% tổng tiền lãi từ hoạt động dịch vụ; bảo hiểm trở thành mảng dịch vụ tăng trưởng mạnh nhất của TPBank trong quý I/2019 khi tăng gấp 5 lần cùng kỳ... 

Tương tự tại SCB, trong mức tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng có sự đóng góp lớn từ mảng dịch vụ ngoài tín dụng, đặc biệt là mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - bancassurance. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của SCB đạt 503 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2018. SCB đã thu về 249 tỷ đồng doanh số bảo hiểm trong 06 tháng đầu năm, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian qua, SCB gây ấn tượng trong lĩnh vực bancassurance ở Việt Nam với sự ra mắt của nhiều sản phẩm độc đáo có tính năng ưu việt, điển hình như sản phẩm “Bảo hiểm ung thư toàn diện – Tâm An 360”. Đồng thời, SCB dành hơn 7,9 tỉ đồng tri ân khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ Manulife qua hai chương trình “Trao yêu thương – Tròn niềm vui” (đến hết ngày 30/09/2019) và “Tâm an vạn phúc – Sung túc trọn đời” (đến hết ngày 31/12/2019).

Quan trọng nhất là chọn đúng đối tác

Hoạt động bancassurance đưa lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và công ty bảo hiểm. Về phía ngân hàng, bancassurance sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh, tăng khả năng duy trì khách hàng và thu hút nhiều hơn khách hàng mới sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Ngân hàng có thể tăng doanh thu từ việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng mua bảo hiểm. Đặc biệt, ngân hàng có thể tăng thu nhập không phải từ lãi thông qua việc thu phí các dịch vụ ngân hàng (phí chuyển khoản, ATM, thẻ tín dụng…), cho thuê mặt bằng giao dịch, hoa hồng từ bán bảo hiểm… Ngân hàng có thể tận dụng cơ sở khách hàng, mối quan hệ dài hạn với khách hàng, hệ thống phân phối hiện thời… nhằm tạo ra lợi thế so với các kênh phân phối khác trong việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhằm tạo ra thu nhập ổn định. Qua đó, ngân hàng tăng cường thương hiệu và uy tín của mình trên thị trường, đồng thời, tạo thêm năng lực đổi mới, giảm bớt sự biến động của lợi nhuận theo thời gian do khả năng sinh lợi của ngành ngân hàng và bảo hiểm thường biến động không theo cùng một chu kỳ. Thêm vào đó, bancassurance giúp giảm vốn theo rủi ro của ngân hàng.

Việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm còn giúp giảm thiểu rủi ro không thu hồi được nợ của ngân hàng đối với các khoản cho vay. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh này còn giúp tăng nguồn vốn huy động của ngân hàng từ phía bảo hiểm. Có thể thấy trong các thỏa thuận hợp tác của các Công ty Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam với các ngân hàng đều bao hàm các thỏa thuận đầu tư tiền hoặc phí bảo hiểm thu được vào ngân hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia của IAV cũng đưa ra một số trường hợp các nhân viên ngân hàng nhận được thưởng lớn và cũng chủ động nỗ lực bán sản phẩm bảo hiểm nên đôi khi quên trách nhiệm chính của họ tại ngân hàng là huy động tiền gửi, cho vay và các sản phẩm thẻ… Đồng thời, các ngân hàng cũng phải thận trọng hơn vì khách hàng của ngân hàng nhiều lúc sẽ bị làm phiền bởi các công ty bảo hiểm và không cẩn thận, khách hàng sẽ vì đó mà rời bỏ ngân hàng.

Hợp tác giữa các ngân hàng - doanh nghiệp bảo hiểm là mối quan hệ lớn. Thông thường nếu các ngân hàng tập trung vào số tiền mà họ nhận được từ công ty bảo hiểm là bao nhiêu mà không quan tâm đến việc liệu có thực hiện được kế hoạch đề ra hay không sẽ dẫn đến việc thay vì ngân hàng và công ty bảo hiểm mang lại lợi ích cho khách hàng, lại trở thành khiến khách hàng không hài lòng. Chính vì thế trong quá trình lựa chọn đối tác bảo hiểm, các ngân hàng cần xem xét kỹ doanh nghiệp bảo hiểm,  bởi mỗi công ty bảo hiểm và ngân hàng có chiến lược phục vụ khách hàng khác nhau.