Kết thúc phiên 29/11/2017, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 952,14 điểm, tăng 10,93 điểm (+1,16%); chỉ số VN30-Index đóng cửa ở mức 946,55 điểm, tăng 10,81 điểm (+1,16%); chỉ số VNXAllshare đóng cửa ở mức 1.356,83 điểm, tăng 13,20 điểm (+0,98%); chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 113,95 điểm, tăng 2,45 điểm (+2,20%), chỉ số UPCOM-Index đóng cửa ở mức 54,00 điểm, tăng 0,08 điểm (+0,15%).
Giá trị giao dịch sụt giảm trên sàn HSX do không xuất hiện giao dịch đột biến trong phiên hôm nay, trong khi sàn HNX tiếp tục có sự cải thiện.
Cụ thể, trên sàn HOSE ghi nhận 149 mã tăng, 178 mã tham chiếu và giảm điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 229,83 triệu cổ phiếu, tương đương với 5.535,57 tỷ đồng. Trên sàn HNX, ghi nhận 111 mã tăng, 146 mã tham chiếu và giảm điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 93,12 triệu cổ phiếu, tương đương với 1.375,88 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index khởi đầu chậm chạp trong những phút đầu phiên sáng do sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu trụ cột như VIC, VNM, VRE, VCB, GAS. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Công thương công bố giá khởi điểm cho phiên đấu giá của Sabeco đã khiến mã cổ phiếu SAB của doanh nghiệp này có lúc tăng kịch trần đạt 342.400 đồng/cổ phiếu, giúp chỉ số VN-Index bứt phá mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, cổ phiếu đầu ngành bia khác là BHN cũng tăng kịch trần đạt 144.400 đồng/cổ phiếu, sau khi đại diện của Bộ Công thương tiết lộ về việc đàm phán với đối tác Carlsberg có kết quả cơ bản tốt. Kế hoạch thoái vốn tại BHN có thể sẽ vào dời sang quý I/2018.
Sắc xanh đã nhanh chóng quay trở lại với nhiều cổ phiếu trụ, đặc biệt là ngành ngân hàng, giúp VN-Index duy trì được đà tăng điểm cho đến hết phiên chiều.
Nhóm cổ phiếu trụ có một số cổ phiếu tăng điểm tốt như: SAB (+5,9%), CTG (+4,3%), VCB (+1,7%), BVH (+6,1%), BID (+2,4%), PLX (+2,8%).
Nhóm cổ phiếu trong danh mục SCIC thoái vốn cuối năm nay có phiên giao dịch tích cực như: FPT (+3,1%), VCG (+8,0%), BMP (+4,0%), NTP (+5,8%).
Cổ phiếu có thị giá vừa và nhỏ cũng có sự phân hóa trong phiên hôm nay như: FLC (+3,0%), FIT (+0,1%), HAI (-5,6%), HAG (-1,5%), HNG (-1,0%).
Thông tin đáng chú ý ở nhóm này là việc Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ AOS (AOS), một công ty kinh doanh thương mại đa ngành nghề có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, vừa gửi thông báo kế hoạch mua vào 40 triệu cổ phiếu FLC. Nếu mua vào thành công, AOS sẽ sở hữu 6,27% vốn của FLC và trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau ông Trịnh Văn Quyết. Với mức giá trên sàn đang dao động quanh ngưỡng 7.000 đồng/cổ phiếu, AOS sẽ phải bỏ ra khoảng 280 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trên cả hai sàn. Cụ thể, trên sàn HSX, khối ngoại mua 36,47 tỷ đồng, tập trung vào các mã: VNM (+10,05 tỷ đồng), VIC (+15,69 tỷ đồng), MSN (-15,86 tỷ đồng), DIG (+7,52 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 202,48 tỷ đồng, tập trung vào mã VPI (+240,35 tỷ đồng), VGC (-22,63 tỷ đồng).
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch đạt 7.731 hợp đồng, tương đương với giá trị 734,98 tỷ đồng. Trong đó, hợp đồng VN30F1712 được giao dịch nhiều nhất với 7.116 hợp đồng, đóng cửa ở mức 960 điểm. Hợp đồng VN30F1801 giao dịch với 306 hợp đồng, đóng cửa ở mức 969,4 điểm.