Bán đảo Balkan: nguy cơ bùng nổ cuộc xung đột mới giữa Serbia và Kosovo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình châu Âu đang biến đổi theo chiều hướng nguy hiểm với một thùng thuốc súng khác ở bán đảo Balkan đang có dấu hiệu bùng nổ.
Tình hình khu vực Balkan đang nóng lên với nguy cơ xảy ra xung đột giữa Gerbia và Kosovo (Ảnh: QQ).
Tình hình khu vực Balkan đang nóng lên với nguy cơ xảy ra xung đột giữa Gerbia và Kosovo (Ảnh: QQ).

Căng thẳng ở bán đảo Balkan đã nóng lên. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm Chủ nhật (31/7) đã phát biểu cảnh báo phía Kosovo có kế hoạch thực hiện các chiến dịch quân sự chống lại các khu định cư của người Serb ở phía bắc. Truyền thông địa phương đưa tin còi báo động đã vang lên ở phía bắc Kosovo cùng với những tiếng súng lẻ tẻ.

Tuần trước, Kosovo đã thông báo, kể từ thứ Hai (1/8), các giấy tờ của Serbia sẽ không được sử dụng để nhập cảnh vào Kosovo. Những người có giấy tờ này sẽ được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh đặc biệt. Họ cũng sẽ không chấp nhận biển số xe do Serbia cấp. Một số người đã mang xe tải ra chặn những con đường để phản đối. Ngoại trưởng Serbia chỉ trích đây là các hành động tạo ra "địa ngục" cho những người dân tộc Serb sống ở Kosovo.

Về tin đồn Serbia có ý định đưa quân đội tới Kosovo, Bộ Quốc phòng Serbia cải chính rằng không có chuyện đó và nước ông không đưa quân vào Kosovo, đồng thời kêu gọi không nên tung tin thất thiệt.

Tổng thống Vucic nhấn mạnh rằng phía Serbia sẽ cố gắng hết sức để duy trì hòa bình, đồng thời kêu gọi những người Serb sống ở đó không để bị dễ dàng khiêu khích. Ông nói rằng Serbia sẽ chiến thắng nếu Kosovo bắt đầu đàn áp bức hại hoặc thậm chí giết người Serb.

Tổng thống Serbia cảnh báo phương Tây và Kosovo cần hành xử thận trọng (Ảnh: QQ).

Tổng thống Serbia cảnh báo phương Tây và Kosovo cần hành xử thận trọng (Ảnh: QQ).

Kosovo là một bộ phận của Liên bang Nam Tư trước đây, sau khi Nam Tư tan rã, nó trở thành một khu vực tự trị của Serbia, nhưng Kosovo chủ yếu là người Albania làm chủ và đang đấu tranh giành độc lập. Serbia đã đàn áp mạnh mẽ và tiến hành thanh lọc sắc tộc ở Kosovo. Sau đó, Mỹ và NATO can thiệp, rồi Kosovo đã độc lập từ năm 2008 tới nay.

Theo truyền thông Nga, vào ngày 31/7, chuông nhà thờ và còi báo động liên tục vang lên trong các vùng đất của người Serb ở phía bắc Kosovo. Điều này khiến người ta liên tưởng đến khung cảnh của chiến tranh.

Cảnh sát Kosovo được trang bị vũ khí đã chặn tuyến đường giao nhau giữa khu vực người Serb và người Albania, trong khi người Serb dựng rào cản để phản đối. Các quan chức ở Kosovo đã cáo buộc những người biểu tình giận dữ đã đánh đập những người Albania đi ngang qua, tấn công một số ô tô và có người xả súng vào lực lượng cảnh sát.

Theo báo chí Nga, ít nhất một người Serb đã bị bắn.

Ở Bắc Mitrovica của Kosovo, nơi tình hình đang ở trên bờ vực, thành phố bị người Albania thống trị ở phía nam và người Serb sống ở phía bắc, những cây cầu ở giữa hai khu vực hiện đã bị rào chắn. Theo báo cáo của các cơ quan truyền thông, hàng trăm người Albania đã tụ tập ở phía nam, một số đã được vũ trang súng đạn.

Người Serb ở Kosovo mang xe tải chặn đường quốc lộ để chống chính quyền (Ảnh: Dongfang).

Người Serb ở Kosovo mang xe tải chặn đường quốc lộ để chống chính quyền (Ảnh: Dongfang).

Trên vùng đất của Liên bang Nam Tư trước đây này, xung đột dân tộc luôn có nguy cơ bùng phát. Trong mọi trường hợp, hậu quả sẽ bi thảm hơn nhiều so với cuộc xung đột Ukraine.

Tại đây, quân đội Serbia đã được đặt trong tình trạng báo động. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Serbia cũng khẳng định quân đội Serbia không vượt biên vào Kosovo, cái gọi là Quân đội Serbia xung đột với cảnh sát Albania hoàn toàn là tin đồn của phía Kosovo.

Tình hình tại sao là như hiện nay? Đó vẫn là vấn đề cũ.

Ngày 1/8 là một ngày quan trọng. Theo yêu cầu của chính quyền Kosovo, kể từ ngày này trở đi, các giấy tờ do người Serbia cấp sẽ hết giá trị và sẽ được thay thế bằng các giấy tờ của Kosovo, những người có giấy tờ cũ sẽ nhận được giấy tờ tạm thời khi nhập cảnh vào Kosovo.

Người Serb rất bất bình, họ cho rằng đây là sự phân biệt đối xử và ngược đãi họ.

Đối với người Serbia, Kosovo vẫn là một phần của Serbia. Trong thời kỳ Liên bang Nam Tư, Kosovo là một tỉnh tự trị của Serbia, nhưng người Albania chiếm phần lớn dân số. Khi đó, do các vấn đề sắc tộc, xung đột gay gắt đã nổ ra, dẫn đến cuộc Chiến tranh Kosovo.

NATO buộc phải can thiệp, và sau hơn 70 ngày ném bom bừa bãi, Serbia buộc phải đầu hàng. Năm 2008, với sự ủng hộ của phương Tây, Kosovo đã đơn phương tuyên bố độc lập và được Mỹ, Anh, Đức, Pháp và các nước khác công nhận, nhưng Serbia, Nga và các nước khác từ chối công nhận.

Tại Belgrade, Tổng thống Serbia Vucic đã có bài phát biểu cảnh báo phương Tây và Kosovo hãy hành xử một cách thận trọng.

Ông thề: "Người Serb sẽ không phải chịu thêm bất kỳ sự tàn bạo nào nữa ... Chúng tôi không muốn xung đột, cũng không muốn chiến tranh. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho hòa bình, sẽ tìm kiếm hòa bình, nhưng tôi xin nói ngay: Không đầu hàng, Serbia sẽ chiến thắng. Nếu họ dám bắt đầu đàn áp, quấy rối và sát hại người Serb, Serbia sẽ chiến thắng."

Ông Vucic cũng suy đoán rằng chính quyền Kosovo, lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine, đang mưu đồ kích động một cuộc xung đột mới. Trong cuộc xung đột mới này Thủ tướng Kosovo Kurti được miêu tả là Zelensky của Kosovo, còn Serbia và bản thân ông được miêu tả như Nga và Tổng thống Putin.

Thủ tướng Kosovo Kurti biện hộ rằng cách làm hiện tại của Kosovo là hoàn toàn tuân thủ luật pháp và đang bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Ông cũng cáo buộc Tổng thống Serbia Vucic đã kích động bạo lực để người Serb bắt đầu chặn đường và nổ súng trước.

"Vài giờ, vài ngày và vài tuần tới có thể đầy thách thức và vấn đề. Chúng tôi đang phải đối mặt với cái mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa sô vanh quốc gia của Serbia ...", ông Kurti cảnh báo.

Thùng thuốc súng sắp bùng cháy, Nga cũng khẩn cấp bước vào.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc chính quyền Kosovo đang cố gắng trục xuất người Serb khỏi Kosovo và họ biết rõ rằng Serbia sẽ không ngồi yên, "Chúng tôi kêu gọi Pristina (Kosovo), Mỹ và Liên minh châu Âu ủng hộ họ, hãy ngừng khiêu khích và tôn trọng quyền của người Serb ở Kosovo."

Hình ảnh được cho là Kosovo triển khai lực lượng đặc nhiệm ra khu vực giáp giới với Serbia (Ảnh: Dongfang).

Hình ảnh được cho là Kosovo triển khai lực lượng đặc nhiệm ra khu vực giáp giới với Serbia (Ảnh: Dongfang).

Thái độ của Nga rất rõ ràng: chính sách kì thị của Kosovo cố ý dẫn đến tình hình leo thang; phương Tây cũng không thể trốn tránh trách nhiệm, thậm chí không loại trừ họ lợi dụng Kosovo để gây biến động ở Serbia.

Mấy ngày trước đây, Tổng thống và Thủ tướng Kosovo đều đã đến thăm Mỹ…Đây là Balkan, nếu không cẩn thận, có thể bùng cháy một thùng thuốc súng lớn.

Ông Vucic đã nói rất rõ rằng một số người đang cố gắng tạo ra một cuộc khủng hoảng tương tự, sau đó miêu tả Serbia là Nga và ông là Putin ... Tất nhiên, phiên bản của Kosovo có thể hoàn toàn ngược lại.

Nhưng vẫn phải cảnh giác và đề phòng sự lan rộng của cuộc khủng hoảng Ukraine. Cuộc khủng hoảng Ukraine năm nay đã thay đổi hoàn toàn thế giới. Giờ đây, điều thế giới không muốn nhất là một cuộc khủng hoảng toàn diện mới, nhưng các hành xử của một số quốc gia không phải đang dập lửa mà là đổ xăng vào.

Các nhà phân tích thời cuộc lo ngại, hậu quả của việc thùng thùng thuốc súng Balkan bị bắt lửa sẽ là một thảm họa mới.