Google đã đóng phần “Các ứng dụng” của Chrome Web Store nhằm thúc đẩy phát triển các Ứng dụng web chủ động (Progressive Web Apps – PWA). Người dùng các trình duyệt Google Chrome trên PC chạy hệ điều hành Mac, Linux và Windows sẽ không thể tải và cài đặt các ứng dụng Chrome App nữa.
Việc gỡ bỏ các ứng dụng khỏi Chrome Web Store thực tế đã được Google thông báo lần đầu hồi tháng 08/2016. Tập đoàn này giải thích rằng họ đã quyết định đóng các ứng dụng khỏi trình duyệt Chrome bởi đơn giản không nhiều người thực sự dùng chúng.
Một bài viết trên blog từ năm ngoái, Google giải thích rằng “Khi chúng tôi tiếp tục các nỗ lực nhằm đơn giản hóa Chrome, chúng tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu một cuộc cách mạng thay đổi nền tảng các ứng dụng Chrome. Có hai kiểu ứng dụng Chrome: các ứng dụng packaged app (ứng dụng đóng gói) và các ứng dụng hosted app (ứng dụng trên đặt trên máy chủ từ xa). Hiện nay, chỉ có khoảng 1% người dùng hệ điều hành Windows, Mac và Linux thường xuyên sử dụng các ứng dụng đóng gói của Chrome, và hầu hết các ứng dụng hosted đang được thực hiện trên các ứng dụng web thông thường. Chúng tôi sẽ gỡ bỏ các ứng dụng packaged và hosted khỏi Chrome trên Windows, Mac và Linux trong hai năm tới”.
Hôm qua, Google đã thực hiện những gì họ đã nói khi gỡ bỏ hoàn toàn các ứng dụng khỏi Chrome Web Store. Tất cả các ứng dụng Chrome App đã được cài đặt trên trình duyệt Chrome cũng sẽ bị ngừng hoạt động vào khoảng đầu năm 2018. Tuy nhiên, những người sử dụng Chrome chỉ để duyệt web vẫn sẽ được tải và cài đặt các phần mở rộng và hình nền.
Người dùng sử dụng laptop Chrome OS cũng không phải lo lắng bởi họ vẫn được tiếp tục truy cập vào các ứng dụng Chrome trong thời gian tới, theo Engadget.
Với việc gỡ bỏ các ứng dụng Chrome, Google mong muốn các nhà phát triển bắt đầu sử dụng PWAs cho các máy tính chạy hệ điều hành Mac, Linux và Windows. PWAs có thể chạy trên nhiều trình duyệt khác nhau, thậm chí là trên các thiết bị di động, và có thể mang lại một trải nghiệm tương tự như một ứng dụng cho các trang web trên desktop. Một đặc trưng của PWA là một website có thể hiển thị nhiều trang web trên màn hình đầy đủ. Một ví dụ khác là một website PWA có thể được “cài đặt” và thêm vào màn hình chủ của người dùng. Các tính năng khác của PWA website là nó có các thông báo đẩy tích hợp (integrated push notification) và khả năng lướt web khi offline, theo trang công nghệ Ars Technica. PWA cũng hoạt động trên ứng dụng Chrome cho các thiết bị chạy Android. Một khi Google đã hoàn thành vận hành PWAs trên Android, thì nọ cũng có thể đẩy mạnh bằng cách đưa nó sang các phiên bản khác của trình duyệt web Chrome.
Một tính năng tuyệt vời khác nữa về PWAs là nó không phải chỉ dành riêng cho trình duyệt Chrome bởi nó sử dụng tất cả các chuẩn W3C hiện nay (World Wide Web Consortium). PWAs hiện đang hoạt động trên trình duyệt web riêng của Samsung trên các loại smartphone chạy Android của họ và các phiên bản Android của Firefox và Opera. Microsoft cũng đã thông báo rằng họ đang đưa PWAs lên Windows 10, trong khi Apple đang bước đầu đưa PWA lên trình duyệt Safari của họ. Google cho biết họ đang lên kế hoạch đưa các ứng dụng màn hình PWA lên Chrome vào khoảng giữa năm 2018.