Công nghệ giáo dục:

Bài 6: Tiếng nói là “vật thật”, chữ viết là “vật thay thế“

VietTimes -- "Một chuyên gia ngôn ngữ học tham vấn cho đài VTC về 3 chữ c, k, q đã nói: chữ  q ghi âm quờ. Vì lợi ích của Trẻ em, tôi nói ngay: Tiếng Việt không có âm quờ.Học sinh lớp 1 học môn Tiếng Việt công nghệ giáo dục thì phân biệt rạch ròi: này là âm / này là chữ. Cả ba chữ đều ghi một âm /cờ/. Em phân biệt rạch ròi: này là Âm - Vật thật / này là Chữ - Vật thay thế" -  Hồ Ngọc Đại.
Môn tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục giúp học sinh tự làm ra các khái niệm khoa học của ngôn ngữ học hiện đại về tiếng Việt.
Môn tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục giúp học sinh tự làm ra các khái niệm khoa học của ngôn ngữ học hiện đại về tiếng Việt.

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua. Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua - ảnh 1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Phép cộng, Phép nhân, Phép toán đại số… xét theo tâm lý học thì đều là khái niệm. Tư duy bằng khái niệm như lao động bằng công cụ, máy móc. Ác nỗi, mù mờ nhất trong tất cả các khái niệm thì chính là khái niệm về khái niệm (Hegel).

Davydov phân biệt hai loại khái niệm: Khái niệm kinh nghiệm / Khái niệm khoa học. Tư duy khoa học là tư duy bằng khái niệm khoa học. Nói đến khái niệm nói chung, ngay cả Hegel cũng còn ấp úng! Mà đã ấp úng về lý thuyết thì triển khai sao nổi thực nghiệm trong thực tiễn.

May sao, về khái niệm kinh nghiệm thì Khổng Tử là một ví dụ sang trọng với những Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Dũng…

Thế nào là nhân?

Trò nào hỏi thì mỗi lúc Khổng Tử dùng một ví dụ cụ thể để minh họa. Riêng về Lễ, ông kể ra hàng trăm nghi thức về lễ. Đã đành nghi lễ là hình thức trực quan của Lễ, hành lễ là hình thức trực quan cảm tính của cách dùng lễ, tất cả gộp lại thì cũng không phải là khái niệm lễ.

Tôi ở thế kẹt. Không thể dựa vào Hegel, càng không thể trông cậy vào Khổng Tử. May sao, còn có những người đang sống cũng quan tâm đến quá trình hình thành khái niệm: Piaget và Galperin.

Môn Tiếng Việt công nghệ giáo dục, một môn học khoa học thì phải là một hệ thống khái niệm ngôn ngữ học hiện đại về tiếng Việt hiện đại.

Tôi thiết kế môn Tiếng Việt lớp Một theo Công nghệ giáo dục, cho học sinh tự mình làm ra (hình thành) các khái niệm khoa học của ngôn ngữ học hiện đại về tiếng Việt.

Tôi nhớ đến một khái niệm hồi còn học phổ thông: Nước.

Nước là khái niệm kinh nghiệm hay khái niệm khoa học?

Trẻ lên hai đã biết nhận ra nước, phân biệt nước với rượu, với dầu, với những gì còn lại.

Liệu một người lớn không học hóa học mà tin rằng nước là hợp chất của hai chất khí dễ cháy, có cấu trúc H2O?

Người lớn nói tiếng Việt mẹ đẻ không thể lẫn ba / bà, vì ba là ba cái kẹo, còn là bà nội / bà ngoại.

Một chuyên gia ngôn ngữ học tham vấn cho đài VTC về 3 chữ c, k, q đã nói: chữ  q ghi âm quờ. Vì lợi ích của Trẻ em, tôi nói ngay: Tiếng Việt không có âm quờ.

Học sinh lớp 1 học môn Tiếng Việt công nghệ giáo dục thì phân biệt rạch ròi: này là âm / này là chữ. Cả ba chữ đều ghi một âm /cờ/. Em phân biệt rạch ròi: này là Âm - Vật thật / này là Chữ - Vật thay thế.

1. Một Âm / Vật thật ghi bằng (thay bằng) một chữ / Vật thay thế: a, b, c, ch, d, đ…

2. Một Âm ghi bằng hai chữ: g / gh; ng / ngh; uô / ua; ươ / ưa.

3. Một Âm ghi bằng ba chữ: c / k / q.

4. Một âm ghi bằng bốn chữ: iê / ia / yê / ya.

Sự phân biệt rạch ròi Vật thật / Vật thay thế là nhân tố tâm lý cơ bản nhất để nhận ra này là một Đối tượng là Vật thật có thật trong cuộc sống, này là các Hình thức võ đoán của tư duy gán cho nó, thay cho nó.

Tiếng nói bằng âm thanh là Vật thật, có trước.

Chữ viết là một Vật thay thế, có sau.