Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua. Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
- Bài 3: Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
|
Giáo dục mang một hình thái xã hội, gắn với một trình độ phát triển lịch sử, theo một nguyên lý triết học.
Lịch sử/Triết học luôn luôn song hành, nương tựa vào nhau, hỗ trợ nhau. Triết học định hướng cho lịch sử. Lịch sử cố vươn lên cho ngang tầm triết học (Marx).
Tôi sang Nga cuối năm 1968, đúng vào lúc nổ ra cuộc nổi loạn của sinh viên Pháp. Năm 1968 cũng là năm thoái trào của cuộc “nổi loạn” trong giáo dục phổ thông thập niên 60.
Những năm đầu ở Nga, 1969 – 1970, tôi ý thức rõ hơn về nền giáo dục mà 15 năm trước tôi hết mình vì nó và cảm nhận được “có cái gì đó không phải”.
Tìm giải pháp cho nền giáo dục ấy, những năm 60, ở Phương Tây có hai hướng giải pháp: hoặc thay nội dung, hoặc thay phương pháp.
Tổng kết phong trào “đổi mới” trong thập niên 60, tôi nhận xét (Luận án Phó tiến sĩ): Không thể thay đổi riêng lẻ từng thành phần của cấu trúc, mà phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục trong suốt hàng trăm, hàng ngàn năm qua.
Thực nghiệm cho giải pháp ấy, tôi làm theo đề tài luận án phó tiến sĩ: Dạy Phép nhân cho học sinh lớp Ba.
Về lý thuyết, theo lời khuyên của Kolmogorov (nhà toán học hàng đầu thế giới hồi bấy giờ) cho biết có ba hướng đi lý thuyết:
Một – Từ phép cộng
Hai – Từ tích Đề-các
Ba – Từ hệ tiên đề.
Tôi không chọn được giải pháp nào:
Hướng 1 – Từ phép cộng sang: 3 + 3 + 3 + 3 = 3 x 4 thì chỉ thay đổi về hình thức thôi. Thế mà tôi muốn thay đổi cả nội dung lẫn hình thức của việc dạy toán.
Hướng 2 – Muốn dùng Tích Đề-các thì trước đó đã học Tập hợp.
Hướng 3 – Cao xa quá.
Cuối cùng, tìm một giải pháp tâm lý học, Davydov hướng dẫn tôi dùng Phép đo, bằng cách thay đơn vị đo.
- Đo theo đơn vị a.
- Đo theo đơn vị b lớn hơn a nhiều lần.
Mấu chốt của giải pháp tâm lý học là học sinh phát hiện ra mối liên hệ giữa số đo theo hai đơn vị đo: a và b.
Làm thực nghiệm trên từng học sinh trong cả hai năm học liền, nửa đầu năm 1971, tôi viết luận án phó tiến sĩ đã hòm hòm. Đùng một cái, một hôm đi làm như thường lệ, tôi thấy tấm pa-nô: Thuyết trình về Phép toán đại số và lý thuyết nhóm. Tôi bỏ việc, nghe giáo sư thuyết trình.
Tan cuộc, ra ngoài trời, tôi bừng ngộ: Phép nhân hay Phép toán đại số thì cũng là Phép toán. Nếu dạy Phép toán đại số (thay cho Phép nhân số học) thì sẽ chịu thử thách đích đáng hơn, có sức thuyết phục hơn đối với giải pháp tâm lý học cho việc dạy toán.
Tôi đến gặp Davydov và Elkonin xin thay Phép nhân bằng Phép toán đại số.
Hai ông cho 3 tháng hè chuẩn bị, rồi sẽ xem xét.