Công nghệ giáo dục

Bài 23: Nghiệp vụ sư phạm

VietTimes -- "Người lớn nghe thì choáng ngợp, nghi ngờ, nhưng học sinh thì hồn nhiên làm gì được nấy, làm đâu chắc đấy. Dám dạy Phép toán đại số cho học sinh lớp Một, vì tôi có trong tay Nghiệp vụ sư phạm tương ứng. Có Nghiệp vụ sư phạm trong tay, tôi thiết kế các Môn học khoa học dựa vào các thành tựu cuối cùng của các khoa học tương ứng" - Hồ Ngọc Đại.

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.

Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Kỳ này:

Bài 23: Nghiệp vụ sư phạm

Chương trình Môn Tiếng Việt lớp Một CGD thiết kế theo Nghiệp vụ sư phạm thực thi, mô tả bằng công thức: A → a.

A – Thành tựu sau cùng của khoa học tương ứng. Với Môn Tiếng Việt lớp Một là sách của Đoàn Thiện Thuật – Ngữ âm tiếng Việt, giáo trình chuyên ngành cho sinh viên năm thứ ba, khoa ngôn ngữ học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tổng kết 300 năm nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt).

Mũi tên → là Công nghệ giáo dục (CGD).

Nghiệp vụ sư phạm hiện đại thể hiện ở cả hai này:

Một. Đối tượng cần chiếm lĩnh (cái).

Hai. Cách chiếm lĩnh đối tượng ấy.

Tôi đã viết quyển sách CÁI và CÁCH, cho Nghiệp vụ sư phạm hiện đại (Nxb Đại học sư phạm, 2001), 616 trang.

Đối tượng / Cách chiếm lĩnh đối tượng tuy hai một: cái này quy định cái kia.

Thiết kế chương trình môn học phải có nguyên tắc, triệt để về lý thuyết, có nghiệp vụ thực thi tin cậy: làm gì được nấy, làm đâu chắc đấy!

Về lý thuyết, Đối tượng là một thực thể phát triển, vận động theo chiều:

Từ trừu tượng đến cụ thể hơn

Từ đơn giản đến phức tạp hơn.

Về thực thi (nghiệp vụ sư phạm) trong thực tiễn giáo dục hằng ngày:

Thầy giao việc – Trò làm việc.

Về lý thuyết, có sách giáo khoa cho học sinh.

Về nghiệp vụ sư phạm, có sách thiết kế cho giáo viên.

Sách giáo khoa thiết kế chặt chẽ. Nếu kiểm tra trang đang học, trang 25 thì biết được 24 trang trước đó học thế nào. Kiểm tra trang 125, biết được sản phẩm của 124 trang trước đó. Kiểm tra trang 225, biết được có gì trong đầu học sinh học 224 trang trước đó.

Dựa vào một công trình khoa học của người đương thời để thiết kế môn học cho học sinh lớp Một chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nếu biết được 8 năm trước đó (1971), tôi đã dạy Phép toán đại số cho học sinh lớp Hai, Trường Thực nghiệm số 91 Mat-xcơ-va. Về nước, ở Trường Thực nghiệm Hà Nội, tôi đưa xuống lớp Một.

Người lớn nghe thì choáng ngợp, nghi ngờ, nhưng học sinh thì hồn nhiên làm gì được nấy, làm đâu chắc đấy.

Dám dạy Phép toán đại số cho học sinh lớp Một, vì tôi có trong tay Nghiệp vụ sư phạm tương ứng.

Có Nghiệp vụ sư phạm trong tay, tôi thiết kế các Môn học khoa học dựa vào các thành tựu cuối cùng của các khoa học tương ứng. Tôi nhớ những năm 1965 – 1968 sơ tán về nông thôn. Tôi nói với chủ nhà: Nay mai bác cứ ở nhà, xem trận bóng đá ở Hà Nội.

- Bác nói đùa, vui thật!

- Các bác vẫn còn kịp xem đấy.

Ông kị tám đời, ông kị bảy đời… ông nội nhà nó dễ gì tin được chuyện cháu đang học ở Mĩ, tối tối vẫn vẫn nói chuyện với bố mẹ ở nhà, hai bên mặt nhìn mặt, nhìn thấy cả lo âu lẫn vui mừng.

Tôi biết, Nghiệp vụ sư phạm hiện hành tuy là lạc hậu, lỗi thời, nhưng đang nuôi sống nhà giáo và gia đình họ.

Tôi biết, các trường sư phạm hiện vẫn dạy như xưa, đã cải tiến bằng video, có kèm theo màn hình, có cả micro để nói cho nhiều người nghe và mình đỡ khản tiếng.

Năm 1985, tôi ra một quyển sách, Bài học là gì, sách có hai phần: Phần I, Phần II.

Phần I có 3 mục. Mục đầu tiên có 20 trang. Trang đầu tiên có dòng đầu tiên, với nhan đề:

Còn chưa có trường sư phạm!