Việc bệnh nhân Tic ngày càng gia tăng đang là vấn đề được các bác sĩ nhi khoa quan tâm. Tuy nhiên, việc truy tìm và xác định “thủ phạm” gây bệnh vẫn còn có những ý kiến chưa đồng nhất.
Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh các nguyên nhân như di truyền, rối loạn sinh hóa thần kinh thì hiện nay, nguyên nhân chủ yếu là do trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử để chơi game, xem phim.
Một số bác sĩ đã chia sẻ video về các cháu bé bị Tic lên mạng để cảnh báo người dân và cho biết, việc điều trị cho các cháu thành công, chủ yếu là không cho các cháu sử dụng điện thoại, máy tính, Ipad, TV vv… Một minh chứng được đưa ra: bằng cách “cai” thiết bị điện tử, cháu trai từ Đăk Lăk ra Nghệ An chữa trị sau 2 tháng đã không còn triệu chứng nào của Tic.
Theo BS. Nguyễn Thị Thùy Vân - Khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng I - trẻ mắc rối loạn Tic thường do cha mẹ quá bận bịu, giao phó con cái cho ông bà hoặc cho con xem tivi, internet, chơi game, chơi ipad... quá nhiều. Trong quá khứ, khi công nghệ chưa phát triển, bệnh này đã được lịch sử y khoa ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay, với những trẻ mắc Tic khi được khuyên từ bỏ chơi game, xem tivi… thì bệnh được cải thiện khá tốt.
Bác sĩ Lý Hiển Khánh - Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết qua khảo sát, hầu hết nguyên nhân do sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều.
Tuy nhiên, không như một số bác sĩ cho rằng nguyên nhân của Tic là do “nghiện” internet, Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Minh Quyết - Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương - lại nhấn mạnh rằng tivi, điện thoại không phải là nguyên nhân của rối loạn Tic.
Ths. Quyết nhận định Tic có liên quan đến một số yếu tố như sang chấn tâm lý, lo âu, hưng phấn hoặc mệt mỏi. Tic cũng thường giảm khi có những hoạt động lôi cuốn sự tập trung chú ý như chơi nhạc cụ, tập luyện thể dục, đọc to…
Đồng quan điểm với Ths. Nguyễn Minh Quyết, TS. Lê Thị Thu Hà – Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi Viện Sức khỏe Tâm thần, giảng viên Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội - cho rằng, Tic không phải do nghiện Internet.
PGS.TS. Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103 - phân tích: rối loạn Tic là do gien di truyền. Bên cạnh đó là yếu tố môi trường khi đã có bằng chứng cho thấy việc sử dụng rượu, cần sa trong thai kỳ là các yếu tố nguy cơ trước khi sinh của rối loạn tic mãn tính. Ngoài ra, các phản ứng miễn dịch bất thường cũng được coi là nguyên nhân gây ra Tic.
Các bác sĩ khuyên các gia đình bệnh nhân không quá hoang mang khi con mắc rối loạn Tic. Vì hoàn toàn có thể điều trị được Tic thông qua việc giảm căng thẳng lo âu, giảm áp lực học tập vv…
Theo Ths. Nguyễn Minh Quyết, quyết định bắt đầu điều trị dựa vào mức độ trầm trọng của triệu chứng Tic, chẳng hạn như biểu hiện Tic ít nhất từ mức độ trung bình trở lên và Tic gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, sự tự tin, các mối quan hệ cá nhân với các thành viên trong gia đình, bạn bè và các thày cô giáo; và khả năng thực hiện các nhiệm vụ của trẻ ở trường học.
Vì triệu chứng Tic thay đổi lúc giảm đi, lúc tăng lên, nên tốt nhất là bắt đầu quá trình điều trị bằng liệu pháp tâm lý giáo dục và thích ứng cuộc sống trước khi quyết định sử dụng thuốc.
Với những trường hợp mắc bệnh phối hợp với tăng động giảm chú ý, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, trầm cảm, lo âu…nên chọn lựa đầu tiên là điều trị các rối loạn phối hợp, bởi vì sau khi điều trị các rối loạn này biểu hiện Tic có thể thuyên giảm.
PGS.TS Bùi Quang Huy cho hay điều trị không làm thay đổi sự phát triển tự nhiên của Tic. Chỉ điều trị để ngăn chặn những cơn rung giật nếu chúng cản trở đáng kể đến các hoạt động hoặc hình ảnh bản thân của trẻ. Thông thường, việc điều trị có thể tránh được nếu bác sĩ giúp trẻ và gia đình của trẻ hiểu được phát triển tự nhiên của tic và nếu giáo viên ở trường có thể giúp các bạn cùng lớp hiểu được chứng rối loạn này.
Về dùng thuốc, ông Huy cho rằng, với bất kỳ loại thuốc nào, cần sử dụng liều thấp nhất có tác dụng để bệnh nhân dễ dung nạp. Khi tic thuyên giảm thì có thể giảm liều thuốc từ từ.
Việc kết hợp dùng thuốc với liệu pháp tâm lý cho trẻ để điều trị Tic là lời khuyên của đa số các chuyên gia. Bác sĩ Lý Hiển Khánh thông tin: bên cạnh dùng thuốc, các bác sĩ còn kết hợp liệu pháp tâm lý cho trẻ. Hầu hết sau khoảng 3-6 tháng, tình trạng của trẻ sẽ cải thiện.
Theo BS.Nguyễn Thị Thùy Vân, trẻ bệnh nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc bổ và liệu pháp tâm lý. Còn với trẻ bị nặng phải dùng thuốc đặc trị nên cha mẹ cần phải kiên trì phối hợp với bác sĩ trong điều trị...
Một số chuyên gia vẫn khuyến cáo các bậc phụ huynh: để điều trị hội chứng Tic, trẻ được dùng thuốc nhẹ và điều chỉnh hành vi, cũng như hạn chế sử dụng thiết bị điện tử. Do đó, phụ huynh cần kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử ở trẻ, hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí và thể dục thể thao./.