Nhìn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung:

Bài 2: Chúng ta phải chủ động giảm thiểu rủi ro

VietTimes -- Mỹ không chỉ là thị trường chiếm hơn ¼ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mà còn là nền kinh tế có ảnh hưởng tới Việt Nam ở nhiều góc độ, theo nhiều kênh khác nhau.

Trong bức tranh xuất khẩu và thu hút FDI nửa đầu năm 2019 có 2 điểm sáng nổi bật là xuất khẩu vào Mỹ và thu hút đầu tư FDI từ Trung Quốc và các nguồn liên quan tới Trung Quốc tăng đột biến.

Tuy nhiên, trong khi những điểm sáng này không đủ sức để cải thiện bức tranh chung về xuất khẩu và thu hút FDI, bản thân chúng lại chứa đựng nguy cơ, có thể đẩy Việt Nam trở thành mục tiêu tiếp theo của các biện pháp trừng phạt ở thị trường Mỹ.

Xuất khẩu sang Mỹ gia tăng

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Mỹ, trong nửa đầu 2019, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng 33% so với cùng kỳ, cao gấp 16 lần so với mức tăng 2% của nửa đầu 2018 (các dữ liệu này có thể lệch so với dữ liệu tương ứng của Việt Nam). Với thặng dư thương mại đạt mức 25,3 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách các nền kinh tế mà Mỹ bị thâm hụt thương mại (sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Đức, Ireland).

Đáng chú ý là trong 10 đối tác kinh tế mà Mỹ thâm hụt thương mại lớn nhất nửa đầu 2019, Việt Nam là trường hợp duy nhất tăng nhập khẩu đột biến vào Mỹ. Tất cả các nước còn lại đều hoặc là giảm kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ, hoặc là vẫn tăng kim ngạch nhưng giảm hẳn về tốc độ (giảm từ 1-3 lần).

Trong số 10 nền kinh tế mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất, ngoại trừ Malaysia và Việt Nam, các trường hợp còn lại đều đã phải chịu các biện pháp đe dọa hoặc trừng phạt thực tế từ Mỹ (Trung Quốc, Mexico, EU, Ấn Độ). Về phần mình, Malaysia đã giảm nguy cơ vì đã cải thiện đáng kể tình trạng nhập siêu vào Mỹ, với kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ giảm, ở mức -5% nửa đầu năm nay từ mức 7% nửa đầu 2018.

Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn Internet)

FDI từ Trung Quốc và các nguồn liên quan

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc tăng 174%, từ Hong Kong tăng 355%, và từ Đài Loan tăng 146%. Đây cũng là các nguồn FDI duy nhất tăng trong nửa đầu năm 2019.

Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này được cho là doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Trên bề mặt, đây là một hiệu ứng được cho là tích cực. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng bất thường vốn FDI, các nguồn này lại làm dấy lên lo ngại về tình trạng gian lận thương mại xuất xứ, mở nhà máy ở Việt Nam chỉ để làm căn cứ lắp ráp, gia công đơn giản, hoặc thậm chí là chỉ chuyển qua để lấy xuất xứ Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ, làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.

Từ thực tế trên, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những rủi ro tiềm ẩn.

Thứ nhất, nhiều sản phẩm có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đi Mỹ đột biến lại cũng là sản phẩm tăng nhập khẩu đột biến từ Trung Quốc. Ví dụ số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy nửa đầu năm 2019, điện thoại và linh kiện điện thoại xuất khẩu đi Mỹ tăng 91,7%, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử tăng 71,6% thì nhập khẩu từ Trung Quốc với hai nhóm hàng này cũng tăng 80.8%.

Thứ hai, ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất ở miền Bắc, các nhà đầu tư Trung Quốc, HongKong, Đài Loan đang tăng cường mua/thuê đất mà không quan tâm tới việc lực lượng lao động tại địa phương có đủ để đáp ứng công suất sản xuất mà họ đăng ký không.

Những hiện tượng như trên cần phải được theo dõi chặt chẽ và phân tích để giải thiểu rủi ro. Bất kỳ khả năng gia tăng kim ngạch hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam đều không có lợi trong bối cảnh này.

Phản ứng của Mỹ

Trong một trả lời phỏng vấn ngày 26/6/2019, Tổng thống Mỹ cho rằng "Việt Nam đang lợi dụng và gây tổn hại cho Mỹ, dù là ở quy mô nhỏ hơn".

Đặc biệt, ngày 29/7/2019, trong một báo cáo bằng văn bản gửi Ủy ban Tài chính Thượng viện để trả lời các băn khoăn của cơ quan này về tình trạng thâm hụt thương mại với Việt Nam, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, đã nêu rõ rằng “Chính phủ (Mỹ) đã làm rõ với Việt Nam rằng Việt Nam phải có hành động để giảm thâm hụt thương mại”. Các biện pháp mà Việt Nam cần thực hiện bao gồm “tăng nhập khẩu từ Mỹ, gỡ các rào cản tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, nông sản và sở hữu trí tuệ”.

Tác giả Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: Internet)

Thực tế từ 02 năm qua cho thấy trước mỗi biện pháp mạnh nhằm đối phó với thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác có thâm hụt thương mại lớn, Mỹ đều có những động thái tương tự.

Chú ý là các biện pháp mà Mỹ sử dụng để đối phó với các đối tác có  thặng dư thương mại lớn với Mỹ không phải là những biện pháp thông thường, hướng tới một vài mặt hàng cụ thể, với đối tượng là một nhóm các doanh nghiệp cụ thể như kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp, kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp.

Đây là các biện pháp bao trùm, tác động lớn và toàn diện tới một hoặc nhiều nhóm hàng hóa chủ lực của đối tác (ví dụ như các biện pháp thuế Mỹ áp dụng đối với hàng trăm tỷ hàng hóa của Trung Quốc; biện pháp thuế bổ sung đối với nhôm thép, thuế đánh vào ô tô và linh kiện mà Mỹ áp dụng/đe dọa áp dụng với EU, Nhật, Mexico, Canada…; biện pháp tăng thuế đồng loạt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ…).

Cũng chính vì tính chất này mà hậu quả của những biện pháp như vậy nếu áp dụng với Việt Nam sẽ là rất lớn bởi Mỹ không chỉ là thị trường chiếm hơn ¼ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mà còn là nền kinh tế có ảnh hưởng tới Việt Nam ở nhiều góc độ, theo nhiều kênh khác nhau.

Tư Giang (ghi)

(Còn nữa)