Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Mỹ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ - cuộc thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu tăng nhiệt

VietTimes -- Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục nóng lên! Sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tăng thuế đối với sản phẩm trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc lên 10% kể từ ngày 1/9; đồng Nhân dân tệ (NDT) đã phá vỡ mức 7 tệ ăn 1 USD vào ngày 5/8; sau đó ít giờ Mỹ lập tức tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến tranh tiền tệ đã chính thức bắt đầu.
Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và Mỹ coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ được coi là mở đầu cho cuộc chiến tranh tiền tệ
Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và Mỹ coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ được coi là mở đầu cho cuộc chiến tranh tiền tệ

Trung Quốc trả thù, để đồng Nhân dân tệ phá vỡ  “mức 7”

Việc đồng Nhân dân tệ phá vỡ ngưỡng 7 tệ đổi 1 USD được coi là hành động trả thù của Trung Quốc trước việc Mỹ áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu và cuộc chiến tiền tệ toàn cầu chắc chắn đã ập đến. Điều này đưa các biến số vào sự trì trệ lâu dài của ngoại hối và cũng gây áp lực lên thị trường thế giới.

Hôm 5/8, Trung Quốc đã để đồng Nhân dân tệ phá vỡ mức 7.0 lần đầu tiên sau 11 năm. Động thái này là một phản ứng trực tiếp đối với động thái leo thang trong thuế quan của ông Donald Trump. Việc Trung Quốc sử dụng tiền tệ để bù đắp những tác động của tranh chấp thương mại trong năm qua có ý nghĩa tượng trưng rất lớn. Nhưng điều quan trọng là Bắc Kinh đã sẵn sàng sử dụng tiền tệ làm vũ khí để đáp trả một cách không cân xứng với cuộc chiến của ông Trump.

Đối với thị trường toàn cầu, động thái này mở ra một mặt trận mới và nó sẽ mang lại những biến động mạnh mẽ sau một thời gian dài ổn định; đặc biệt là điều này sẽ khiến các quốc gia khác cũng phá giá tiền tệ để bảo vệ nền kinh tế của chính họ trong tình hình suy thoái toàn cầu.

Lần đầu tiên sau 11 năm, Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ phá vỡ mức 7 tệ/ USD để trả thù việc Mỹ tiếp tục áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu Mỹ
Lần đầu tiên sau 11 năm, Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ phá vỡ mức 7 tệ/ USD để trả thù việc Mỹ tiếp tục áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu Mỹ

Tiền bị cuốn vào, trở thành vũ khí thương chiến

Ông Richard Benson, Giám đốc công ty đầu tư tỷ giá hối đoái Millennium Global có trụ sở tại London, nói: “Đây là việc chính thức đưa tiền tệ vào cuộc chiến thương mại”. Ông nói: “Sự ổn định tiền tệ đã được sử dụng vào cuộc chiến thương mại. Đó là hành động ngang nhiên và rõ ràng của Trung Quốc đáp lại thuế quan của ông Trump”.

Benson cho rằng rất khó để dự đoán hướng đi của tiền tệ. “Nguyên tắc kinh tế cơ bản khuyên bạn hãy mua đô la, nhưng sẽ rủi ro nếu Trump có thể phản công, khuyến khích việc bán tháo đồng đô la”.

Hôm 5/8, những người chiến thắng và thua cuộc ngay lập tức rất rõ ràng. Đồng Nhân dân tệ đã trải qua sự mất giá lớn nhất kể từ năm 2015, mặc dù các nhà phân tích cho rằng sự mất giá của đồng Nhân dân tệ dường như là có trật tự. Cho đến lúc này, chính quyền Trung Quốc dường như hài lòng với động thái này.

Các nền kinh tế nhỏ và mở khác, có liên quan chặt chẽ đến toàn cầu hóa, cũng xuất hiện sự mất giá tiền tệ. Các thị trường mới nổi bị tấn công, chẳng hạn như đồng won của Hàn Quốc vốn rất nhạy cảm với thương mại.

Đối với đồng yên Nhật đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7, ở mức 106 yên đổi được 1 đô la. Nhà ngoại giao về tiền tệ Nhật Bản đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng nếu đồng yên tăng giá mức quá lớn sẽ làm tổn hại nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, Nhật Bản đã sẵn sàng can thiệp.

Nếu đồng đô la bị mất giá, trong tay ông Trump có một số đòn bẩy có thể sử dụng để chi phối, bao gồm yêu cầu Ủy ban Dự trữ Liên bang (Fed) điều chỉnh lãi suất, hoặc can thiệp trực tiếp.

Hôm 5/8, ông Trump đã viết trên Twitter rằng việc Trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái là một hành vi vi phạm nghiêm trọng, sẽ gây hại cho Mỹ. Ông Trump cũng đặt câu hỏi với Fed là “Có lắng nghe không?”. Trước đây, ông Trump liên tục chỉ trích Fed vì không cắt giảm lãi suất.

Phần đông các nhà phân tích đều cho rằng Trump khó có thể trông cậy vào việc can thiệp vì điều này sẽ phá hoại cam kết để thị trường tiền tệ tự vận hành trong mấy thập kỷ qua và hiệu quả của phương pháp này thì vẫn gây tranh cãi lớn.

Lần đầu tiên sau 25 năm, Mỹ coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ
Lần đầu tiên sau 25 năm, Mỹ coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ

Xung đột Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, thị trường toàn cầu bị thít chặt

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow vào tháng trước đã loại trừ khả năng chính phủ Trump can thiệp, nhưng thị trường không loại trừ hoàn toàn khả năng này và vẫn dự báo Mỹ có thể ra tay hành động.

Theo phân tích của Citi, đồng đô la cần phải tăng giá khoảng 5% trước rủi ro can thiệp. Người quản lý quỹ cho biết, bất kể Mỹ có can thiệp trực tiếp hay không, động thái của Trung Quốc đã khiến các quốc gia khác có xu hướng sử dụng tiền tệ làm vũ khí để duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế trước sự tăng trưởng của thế giới.

Ví dụ, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nói rằng đồng euro mạnh là một trong những lý do chính để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Vai trò quan trọng của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu đã làm cho đồng Nhân dân tệ mạnh hơn và có ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết. Ông Kit Juckes, chiến lược gia tiền tệ Ngân hàng Socíeté Générale của Pháp, đã chỉ ra rằng đồng Nhân dân tệ là thành phần lớn nhất trong chỉ số thương mại đồng euro và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ là một vấn đề khó giải quyết trong khu vực đồng euro.

Sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ và sử dụng tỷ giá hối đoái làm vũ khí chiến tranh thương mại, Bộ Tài chính Mỹ  ngay lập tức coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, và cuộc chiến thương mại ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Hai nước có vẻ như hai đoàn tàu phóng nhanh trên cùng đường ray nhưng hướng vào nhau.

Lần đầu tiên trong 25 năm qua, Mỹ coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm 5/8 tuyên bố: Mỹ đã xác định rằng Trung Quốc đang thao túng tỷ giá hối đoái và sẽ hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ sự cạnh tranh không lành mạnh từ Bắc Kinh.

Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố đã khẳng định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, biến Trung Quốc trở thành quốc gia thao túng tiền tệ đầu tiên kể từ năm 1994. Động thái này sẽ làm gia tăng mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và thực hiện cam kết của Tổng thống Mỹ Trump, coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ đầu tiên kể từ năm 1994.

Tiền tệ giờ đây đã trở thành vũ khí trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Tiền tệ giờ đây đã trở thành vũ khí trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Trước khi Mỹ đưa ra hành động này, do các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung không có kết quả, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với khoảng 300 tỷ đô la hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ từ ngày 1/9.

Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, tuyên bố Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) phá vỡ mốc 7 tệ đổi 1 USD hôm 5/8 cho thấy chính quyền Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát tỷ giá Nhân dân tệ. PBOC tuyên bố rằng họ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết và trực diện cho các phản hồi tích cực có thể xảy ra trên thị trường ngoại hối.

Bộ Tài chính Mỹ cho rằng điều này chính là thể hiện PBOC đã công khai thừa nhận rằng họ có kinh nghiệm phong phú về thao túng tiền tệ và chuẩn bị áp dụng trên cơ sở tiến hành liên tục. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm cam kết của các nước thành viên G20 không hạ giá đồng tiền mang tính cạnh tranh. Mỹ hy vọng Trung Quốc hãy tuân thủ các cam kết này thay vì thao túng tỷ giá hối đoái với mục tiêu cạnh tranh.

Trong báo cáo về tỷ giá 6 tháng đầu năm công bố ngày 28/5, Bộ Tài chính Mỹ không coi bất kỳ đối tác thương mại lớn nào là quốc gia thao túng tiền tệ, nhưng có 9 quốc gia trong đó bao gồm Trung Quốc bị coi là “đối tượng theo dõi”.

The Wall Street Journal: dùng Nhân dân tệ làm vũ khí, Trung Quốc gặp rủi ro lớn hơn Mỹ

Ngày 5, tỷ giá Nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ đã phá vỡ mốc 7 được thế giới bên ngoài theo dõi chặt chẽ và đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm. The Wall Street Journal  (WSJ) cho rằng Bắc Kinh đã cho phép đồng Nhân dân tệ mất giá để đáp trả thuế quan của Mỹ, nhưng điều này gây rủi ro lớn cho Trung Quốc hơn là Mỹ.

PBOC sau đó đã đưa ra một tuyên bố nói đồng Nhân dân tệ bị mất giá do “ảnh hưởng bởi biện pháp chủ nghĩa bảo hộ và các hành động thuế quan tiếp theo sắp tới đối với Trung Quốc”.

Thị trường chứng khoán quốc tế sụt giảm nghiêm trọng sau những đòn trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc
Thị trường chứng khoán quốc tế sụt giảm nghiêm trọng sau những đòn trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc

WSJ cho rằng PBOC ban đầu bảo vệ “mốc 7 Nhân dân tệ”, nhưng sau khi ông Trump tuyên bố hôm 1/8 sẽ áp dụng thuế quan mới đối với Trung Quốc, PBOC rõ ràng đã áp dụng biện pháp cho phép Nhân dân tệ mất giá để đáp trả hành động của Mỹ.

Phá giá đồng Nhân dân tệ đem lại điều tốt cho Trung Quốc, khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc hấp dẫn hơn trên thị trường quốc tế, nhưng cũng sẽ tiếp tục mở rộng thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc - đây là vấn đề mà ông Trump lo lắng.

Tuy nhiên, đồng Nhân dân tệ phá vỡ các mức mà thế giới bên ngoài nghĩ ban đầu sẽ không bị phá vỡ, hoặc mức mà các nhà đầu tư tin rằng sẽ được bảo tồn, điều này cũng gây ra rủi ro nghiêm trọng.

PBOC dường như có niềm tin vào các biện pháp kiểm soát vốn hiện tại của Trung Quốc và tin rằng sẽ không có dòng vốn chảy ra ngoài do đồng NDT bị mất giá như các năm 2015 và 2016.

Theo số liệu của Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF), khi đó Trung Quốc xuất hiện chảy máu vốn lớn nhất trong lịch sử. Vào thời điểm đó, những người đầu tư đua nhau rút tiền, đã khiến tiền gửi ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh khoảng 1 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà giao dịch và nhà đầu tư đang sử dụng mức giá tượng trưng “mốc 7” làm chỉ số phòng ngừa rủi ro. Giá cả và các giao dịch cũng được cố định ở mức này. Do đó, khi tình hình bắt đầu thay đổi, nó có thể gây nên biến động mạnh trên thị trường.

Ngoài ra, với kỳ vọng duy trì tỷ giá hối đoái ổn định, các khoản nợ ngoại tệ lớn đã tiếp tục tích lũy. Điều này đặc biệt đúng đối với các nhà phát triển bất động sản có đòn bẩy tài chính cao ở Trung Quốc, họ đã trở thành đối tượng mua trái phiếu chủ lực trong thị trường trái phiếu đô la hiệu ích cao châu Á.

Ông Steven Mnuchin: Mỹ đã xác định rằng Trung Quốc đang thao túng tỷ giá hối đoái và sẽ hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ sự cạnh tranh không lành mạnh từ Bắc Kinh
Ông Steven Mnuchin: Mỹ đã xác định rằng Trung Quốc đang thao túng tỷ giá hối đoái và sẽ hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ sự cạnh tranh không lành mạnh từ Bắc Kinh

Theo Moody, một cơ quan xếp hạng tín nhiệm, các nhà phát triển Trung Quốc phát hành tổng cộng 33,8 tỷ đô la trái phiếu phát hành trong nước và 19,3 tỷ đô la trái phiếu phát hành nước ngoài, sẽ hết hạn vào năm tới hoặc có thể tùy chọn bán ra, nghĩa là các nhà đầu tư có quyền yêu cầu trả nợ sớm.

Hàng trăm nhà phát triển Trung Quốc nhỏ hơn đã đóng cửa trong năm nay. Nếu làn sóng phá sản mở rộng, nó có thể sẽ gây ra một cú sốc lớn đối với hệ thống tài chính Trung Quốc vốn đã mong manh, vì một số phần của hệ thống bị thiếu đô la. Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 7 đã hạn chế các nhà phát triển phát hành trái phiếu ra nước ngoài và chỉ được phép trả các khoản nợ đến hạn bằng đô la Mỹ, có lẽ vì đồng nhân dân tệ dự kiến sẽ mất giá.

Tất cả điều này cho thấy, mặc dù PBOC không còn coi “phá vỡ mốc 7” là một điều cấm kỵ, nhưng cũng không muốn để đồng nhân dân tệ mất giá quá nhiều.

Nếu đồng Nhân dân tệ chỉ mất giá trong một thời gian ngắn, sẽ có lợi cho việc đàm phán thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu đồng Nhân dân tệ không được kiểm soát và tiếp tục mất giá, chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh đau đớn hơn Washington.