Có những nhà lãnh đạo như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đảng sẽ trường tồn:

Bài 2: Chống tham nhũng là công việc vất vả nhất trong tất cả các công việc mà Đảng ta làm sau Mở cửa

VietTimes -- "Hiện nay công tác xây dựng Đảng đang được đề cao, đó là một tất yếu bởi muốn cầm quyền lâu dài cần phải chống tham nhũng, cần phải làm trong sạch Đảng, đây là công việc vất vả nhất trong tất cả các công việc mà Đảng ta làm sau Mở cửa" - Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Thời nào việc nấy

Ngày 23/10/2018 QH Việt Nam bầu và TBT Nguyễn Phú Trọng trúng cử chức Chủ tịch nước. Một bước tiến dài của lịch sử. Nhân đây ông có thể nói thêm, thời điểm Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước thì đặc thù thế nào? Và so với bây giờ chẳng hạn?

- Ban đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh định làm một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, phải đuổi được thực dân và đánh đổ phong kiến. Để đánh đổ phong kiến, Cụ Hồ kêu gọi và tập hợp tất cả các lực lượng có thể tham gia vào cách mạng, cho nên mới xuất hiện Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm (Chủ tịch Đảng dân chủ và Chủ tịch Đảng Xã hội- XB)…  Thế nhưng khi kháng chiến bắt đầu xảy ra thì những người lãnh đạo cuộc cách mạng thấy được những trường hợp trí thức bỏ chạy. Lập trường của giới trí thức khá bấp bênh trước sự khốc liệt của một cuộc kháng chiến, trước việc phải đối đầu thật sự với những lực lượng mà trong mơ chưa bao giờ người Việt nghĩ đến.

"Khi tôi thắc mắc “tại sao cha lại yêu Đảng đến thế” thì ông bảo “cha yêu Đảng vì cha hiểu rất rõ rằng nếu không có cách mạng, không có Đảng thì cha trở thành một người hư” - Nguyễn Trần Bạt. 

Nhà tôi là địa chủ nên tôi biết rất rõ khách khứa đến chơi với ông nội, ông ngoại tôi phải thưa bẩm như thế nào. Khi đánh đổ toàn bộ quan hệ “thưa bẩm” như vậy tức là tạo ra một cuộc cách mạng dân chủ. Thế nhưng  cuộc trường chinh ấy có nhiều người bỏ cuộc, đến đoạn khó thì còn lại Hồ Chí Minh và Đảng Lao động. Nếu cuộc cách mạng ấy không đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp thì các lực lượng tham gia chia phần với những người cộng sản về sau này chắc chắn là đông.

Thế nhưng thực tế lịch sử là những người Cộng sản đã phải đi qua cuộc kháng chiến, phải đổ xương máu cho nó, những ai không đủ gan đi cùng họ đều đã bỏ chạy. Có người mô tả sự bỏ chạy của mình như là hoạt động yêu dân chủ. Việc họ quay ra gắn bó với những lực lượng đế quốc nô dịch dân tộc chúng ta cả 100 năm là một khuyết tật chính trị, chẳng có gì biện minh được. Trong khi đó Hồ Chí Minh và những người cộng sản lại rất dễ dàng giải thích địa vị của mình trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Ở Hồ Chủ tịch bấy giờ là lòng dũng cảm. Còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà chính trị thành đạt là nhờ sức chịu đựng. Ông vượt qua tất cả các khó khăn bằng sự kiên nhẫn không thể tưởng tượng được. Tổng bí thư phải đối mặt với những việc không thể né tránh được và những người khác thì có thể sai nhưng ông không thể sai.

Cái gánh của ông nặng hơn khi cộng đồng quốc tế đòi hỏi ở ông những điều khắt khe hơn nhiều so với các đồng chí của ông. Trong tình thế hiện nay làm Tổng bí thư và làm Chủ tịch nước buộc ông phải có những năng lực xử lý tức thời những việc cực kỳ khó khăn. Thí dụ, bây giờ người ta quan niệm Việt Nam phải lựa chọn giữa nước này hoặc nước kia.

Nếu là Tổng bí thư thì có thể không cần phát biểu, nhưng bây giờ là Chủ tịch nước thì buộc phải nói. Nói thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước là việc vô cùng khó với người nắm giữ hai cương vị này. Những việc ấy, nếu kém tài, và gì nữa, không có sức khỏe, không có sức chịu đựng, không đủ kiên nhẫn thì không làm được.

Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là nhân vật chiến lược phải “ra trận” thật sự. Thế giới đang có trận nên ông phải ra trận thật chứ không còn dừng ở mặt lý thuyết nữa. Cuộc chiến tranh thương mại  Mỹ - Trung đang phát triển thành cuộc đấu tranh chính trị, thậm chí phát triển thành một cuộc chiến tranh lạnh. Đấy là cả một chuỗi các cơ hội buộc Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phải cân nhắc, lựa chọn khi xây dựng các chính sách đối ngoại.

Bố tôi cũng là trí thức, ông tham gia cuộc cách mạng như một tiểu trí thức. Đến khi toàn quốc kháng chiến thì ông hiểu rằng cuộc chơi chính trị này không còn đơn giản nữa, đây là cuộc đấu tranh, cuộc kháng chiến có thật, là sân khấu của những người cộng sản. Thế là ông vào Đảng như một đảng viên thông thường chứ không lợi dụng địa vị trí thức để tham gia cách mạng một cách dễ dãi.

Khi tôi thắc mắc “tại sao cha lại yêu Đảng đến thế” thì ông bảo “cha yêu Đảng vì cha hiểu rất rõ rằng nếu không có cách mạng, không có Đảng thì cha trở thành một người hư”. Nghe bố tôi nói, tôi hiểu rằng những người tham gia chính trị có rất nhiều loại động cơ, trong đó có cả những động cơ không đủ bền vững để theo đuổi một sự nghiệp lâu dài như vậy.

Bây giờ trong quá trình gìn giữ các thành tựu chính trị, Đảng ta không chủ quan. Chớ ngủ quên trên vòng nguyệt quế là vậy. Một số vị có cương vị vẫn mắc lỗi về nhận thức, ít nhiều chịu ảnh hưởng của  những sự rêu rao tuyên truyền rằng bây giờ là thời đại của phương Tây và chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu thay thế chủ nghĩa xã hội.

Cho nên cảnh giác để giữ gìn địa vị của Đảng Cộng sản Việt Nam là công việc không dừng được và cũng chính vì thế mà không có “nhất thể hóa”. Địa vị của Đảng cộng sản Đảng cao hơn các địa vị còn lại nên không thể có sự nhập nhằng giữa Đảng và Nhà nước, đấy mới là thái độ chính trị thực sự đúng đắn.

Hiện nay công tác xây dựng Đảng đang được đề cao, đó là một tất yếu bởi muốn cầm quyền lâu dài cần phải chống tham nhũng, cần phải làm trong sạch Đảng, đây là công việc vất vả nhất trong tất cả các công việc mà Đảng ta làm sau Mở cửa. Đảng thực hiện chính sách Đổi mới, Mở cửa là xã hội ủng hộ ngay vì đấy là con đường sống còn của chúng ta, không giống như thể chế Việt Nam Cộng hòa.

Nếu tham nhũng tiếp tục hoành hành thì thể chế sụp đổ

Ông muốn nói đến căn bệnh nan y tham nhũng của chính thể Việt Nam cộng hòa?

- Chiến tranh là một thương vụ khổng lồ, đi dọc chiến trường Khe Sanh trong những năm chiến tranh rất dễ bắt gặp cảnh bán bật lửa Zippo, thuốc lá Mỹ, radio Nhật, Hà Lan…, tức là người Việt cũng không thua kém gì người Mỹ. Vì thời ấy chưa có nhà văn Việt Nam nào đủ tài như nhà văn Mỹ nên chúng ta không có tác phẩm giống như “Cuốn theo chiều gió”, chứ còn hiện tượng buôn lậu trong quân đội Việt Nam Cộng hòa diễn ra không khác gì mấy so với quân đội của miền Nam miền Bắc thời nội chiến ở Mỹ.

Mặc dù tính chất chính trị của các cuộc chiến tranh là khác nhau, nhưng đều có những màu sắc thương mại rất giống nhau ở mọi thời đại. Tham nhũng đã góp phần tạo ra sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa. Người Mỹ chán đến mức Ngoại trưởng Henry Kissinger phải thiết kế ra cuộc viếng thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nixon với mục đích điều đình với người Trung Quốc để họ không cản đường rút lui của người Mỹ.

Bao nhiêu công việc bộn bề và cấp thiết sao lại lẩy, chọn ra sự ưu tiên là chống tham nhũng? 

- Nếu tham nhũng tiếp tục hoành hành thì thể chế sụp đổ. Bây giờ kiếm được ít tiền đã khó rồi, thế mà chỗ nào cũng mất hàng nghìn, hàng trăm nghìn tỷ. Truyền thông ngày nào cũng nói về hiện tượng thua lỗ, mất vốn của các Tập đoàn nhà nước. Mở cửa có mặt trái của nó là làm cho các cơ quan của chúng ta đều bị phơi nhiễm căn bệnh phi chính trị hóa đời sống kinh tế và đời sống quản lý nhà nước, làm nảy sinh nhiều quan điểm sai trái.

Nói chỉ kiếm chác nuôi béo nhóm lợi ích không thôi  là anh coi thường kẻ địch. Tham nhũng  không phải chỉ để kiếm chác lợi ích vật chất, tham nhũng còn để tích lũy lực lượng  làm một cuộc đổi mới chính trị. Do đó, có thể nói hiện tượng tham nhũng gắn liền với cuộc đấu tranh chính trị giữa Đảng cộng sản Việt Nam và những lực lượng không trung thành với nó. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết không đồng ý với quan điểm nhất thể hóa cũng là vì thế.

Trong những phân tích gần đây, tôi có đưa ra kết luận là chừng nào thế giới còn người nghèo thì chủ nghĩa xã hội còn là lý tưởng của họ. Có nghĩa là sự tồn tại của nó là vĩnh viễn, bởi nhân loại sẽ không bao giờ khắc phục được khoảng cách giàu nghèo, thế giới càng phát triển thì khoảng cách ấy càng lớn.  Chủ nghĩa xã hội có nhược điểm, nhưng nó không biến mất. Các nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể biến mất như Liên Xô nếu mất cảnh giác, phải phân tích được như thế mới thấy tại sao tôi lại đánh giá cao sự cảnh giác của Tổng Bí thư và những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam như đã phân tích ở trên.

Công cụ được coi là hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, nhiều ý kiến chú trọng và trông chờ đến một là Quốc hội quyết liệt, rồi các nhà báo dấn thân, ý kiến của người dân trên mạng xã hội? Ý kiến của ông thế nào?

- Cuộc đấu tranh thật sự, cuộc đấu tranh chuyên nghiệp không thể dựa vào các lực lượng không chuyên nghiệp. Dấn thân là một cách nói của những nhà báo hăng hái chống tiêu cực, tham nhũng và tích cực phản biện. Các nhà báo đi tìm nội dung công việc của mình và trong khi làm thì có những người gặp tai nạn nghề nghiệp. Đưa ra khái niệm “nhà báo dấn thân” liệu có phải là chúng ta đang khoác lên những người làm báo cái gánh vượt quá sức họ?

Còn việc Quốc hội bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước nói lên sự ủng hộ lớn đối với cá nhân ông. Để có được số phiếu 99,79% ấy đối với một cá nhân là sự phấn đấu chính trị vô cùng vất vả không thể tưởng tượng được.

Thế còn những xầm xì trên mạng xã hội?

- Mặt mạnh, thứ thật của sự phản biện trên mạng xã hội thì đã rõ. Nhưng cái người ta vẫn gọi là mặt trái và không ít người cũng biết rằng những câu chuyện xầm xì đâu đó, dù cho là không có thật, nhưng vẫn lợi dụng nó để truyền tải phục vụ cho ý đồ của mình.  

Phương Tây đặt vấn đề về quyền con người như là một sức ép chính trị, lợi dụng điều đó, thế giới cũng hùn lại thao túng và trấn lột nước Mỹ, đến mức Tổng thống mới nhất của nó nhận ra rằng ngoài mồm thì nói thế, nhưng bên trong, thực chất là các nước đang trấn lột nước Mỹ, vì vậy nước Mỹ phải tháo ra và lắp lại toàn bộ hệ thống chính trị mà nó là kẻ bỏ vốn chính trong việc gây dựng.

Thành thực cảm ơn học giả Nguyễn Trần Bạt về cuộc trao đổi này!