Éo le nỗi niềm cảnh đi nhờ mang thai hộ
Có người nhờ được người khác mang thai hộ sau 15 năm hiếm muộn, đón được đứa con thân yêu về nhà thì cũng đâm… hoang tưởng, vì quá mải mê lo canh giữ không cho ông chồng gặp gỡ trở lại với người phụ nữ đã mang giùm “giọt máu”. Dù là họ hàng mới được mang thai hộ, nhưng đời nhiều cảnh éo le lắm, nên tâm lý người vợ là cứ cẩn thận canh chừng cho chắc.
“Từ ngày đó đến giờ, tính ghen của bà ấy bỗng nhiên tăng nặng khủng khiếp. Bả tưởng tượng ra toàn những chuyện “kinh dị” mà tôi sức mấy cũng không nghĩ ra được, rồi cứ gán ghép vào cuộc sống của tôi, dày vò, dằn vặt tôi hoài. Mệt mỏi quá!” – Một ông chồng hiếm muộn rầu rĩ kể.
Người khác cũng thành công nhờ mang thai hộ, nhưng đến khi có đứa trẻ để bầu bạn thì chị đã bạc tóc, khánh kiệt tài chính sau 10 chữa chạy không thành công, lo chiều đãi người mang thai giùm.
Con ra đời bằng bất cứ phương pháp nào cũng đều là niềm hạnh phúc lớn lao của mẹ
|
Chị chỉ dám khẽ khàng bật mí: “Bản thân thì mòn mỏi nhưng vẫn phải nai lưng ra kiếm tiền để nuôi nấng chăm bẵm người đã giúp mình mang bầu. Cố gắng riết rồi cũng qua, nhưng mà nhiều lúc ngồi nghĩ lại, thấy quá trình nhờ người khác “vượt cạn” sao mệt mỏi quá! May mà thành công, đón được con mình về nhà là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi. Nên những chặng đường đã qua trở nên nguôi ngoai bớt” – Một người vợ hiếm muộn ngậm ngùi chia sẻ.
“Hai vợ chồng tôi phải trải qua 8 lần thụ tinh nhân tạo không thành công. Tốn kém bạc tỉ đã đành, mà mỗi lần thụ tinh buộc phải cách nhau 6 tháng và còn phải phục hồi sức khỏe cho bà ấy nữa nên rất tốn thời gian. Công tác bận bịu quá chừng, mà cứ mỗi lần vợ chồng đưa nhau đi viện lại như một đợt “trực chiến”. Canh cánh đủ thứ mà 8 năm là 8 lần thất bại liên tiếp” - Ông A kể.
Ở vào lứa tuổi sắp sửa về hưu, ông A mới có được niềm hạnh phúc trở thành ông bố lần thứ hai trong đời. Cuộc hôn nhân thứ nhất, ông có một cô con gái. Vợ chồng ly hôn xong, ông tìm hiểu kỹ rồi mới chọn được cô vợ trẻ, lại là “gái quê”. Thế mà chẳng hiểu sao ông trời không cho nổi một mụn con nữa cho vui cửa vui nhà.
“Đi khám ở ba bệnh viện (BV) lớn nhất TP.HCM, cả ba BV đều không nói nguyên nhân tại sao, hay nói khác đi là các bác sĩ kết luận hai vợ chồng đều… bình thường. Tôi thì rõ ràng đã có con một lần rồi mà. Giờ con gái đầu của tôi cũng đã lớn, hơn 20 tuổi rồi. Nhưng nghe thiên hạ cứ đồn cô ấy là “gái độc” không con, tội lắm. Cổ cũng hiền lành, hết lòng vì chồng, lo cho gia đình, nên tôi cứ cố. Tám lần thụ tinh nhân tạo, lần nào cổ cũng thuyết phục tôi là “lần cuối”, thất bại vẫn hoàn thất bại. Thấy bả đau đớn hoang mang quá, cực chẳng đã, chúng tôi mới phải cùng nhau viết đơn xin các bác sĩ BV Từ Dũ cho phép sử dụng biện pháp mang thai hộ” – Ông A nhớ lại hành trình 8 năm “tìm con” chật vật.
Khóc không thành tiếng
Nhắc đến gia cảnh của vợ chồng chị B (cư trú ở một tỉnh Tây Nguyên), những người cùng đi chữa chạy hiếm muộn ở BV Hùng Vương không khỏi ngậm ngùi.
Mong ước được đón con đến với mẹ
|
Như bao cặp vợ chồng khác, họ nhất mực tôn trọng nhau, đợi đến khi kết hôn mới làm chuyện vợ chồng. Năm năm ăn ở cạnh nhau, hầu như không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có con, hai vợ chồng đành dắt nhau về TP.HCM. Tìm tới khám tại Khoa Hiếm muộn (BV Hùng Vương), hai vợ chồng nghe như sét đánh ngang tai khi biết chị B không có tử cung.
Biết chính xác nguyên nhân mãi không có bầu, cả hai vợ chồng đều lâm vào tình cảnh tuyệt vọng, suy sụp, bởi quá mong muốn có được một sự kết tinh của tình yêu. Cuối cùng, được các bác sĩ tận tình tư vấn về biện pháp mang thai hộ và những quy định mới của pháp luật, cả hai vợ chồng đều phập phồng phấn khởi, dường như cuối đường hầm đã có một tia hy vọng lóe lên.
Đậu được thai, tiền nong tốn kém đã đành, mà tâm trạng thì luôn như nước sôi lửa bỏng. Không may, sau năm tháng mang bầu, người phụ nữ mang thai hộ bị trượt chân khi bước lên thềm nhà, không may là đã đánh mất vĩnh viễn cơ hội làm cha mẹ của vợ chồng chị B.
Sau cú sảy thai của người giúp mang thai hộ, vợ chồng chị B nản lòng, không còn chút sức sống nào để có thể theo đuổi chuyện “tìm con”. Luật quy định về mang thai hộ rất chặt chẽ, phải là họ hàng, đã từng sinh con, và cũng chỉ được mang giúp một lần duy nhất.
Chị B kể đã khóc rất nhiều trước khi nói lời chia tay với chồng, trả “tự do” cho anh đi tìm một mái ấm mới. “Vẫn biết mang thai hộ là một biện pháp nhân văn, và hoàn toàn có thể cứu vãn hôn nhân trên đà tan vỡ. Nhưng nhờ người mang thai hộ cũng đầy rủi ro như vậy. Tìm được họ hàng phù hợp đã khó, mà giữ được kết quả cũng có dễ đâu” – Chị B buồn bã kể.
Muôn lời đàm tiếu
May mắn hơn nhiều người khác, gia đình ông N nhờ được người chị dâu bên vợ từ quê tít tận miền Trung khăn gói vào TP.HCM mang thai giùm, nhưng vẫn phải giấu biệt tung tích của bà chị dâu, thuê nhà nơi khác cho chị ở để tránh tiếng với hàng xóm. Quá trình chăm chút bầu bì, vợ ông chạy qua chạy lại đón đưa chị, cũng coi như thuận lợi. Bé gái sinh ra trộm vía rất xinh xắn, nhanh nhẹn.
Nhưng ngày mà vợ chồng ông đón em bé về nhà cũng là bắt đầu chuỗi ngày sóng gió. Mừng con đầy tháng, ông N mời toàn thể bà con lối xóm, cán bộ UBND đã hỗ trợ thủ tục pháp lý đến ăn tiệc. Hàng xóm vốn dĩ xì xào dị nghị vì không thấy vợ ông mang bầu, mà giờ lại có con thì rỉ tai nhau: “Con bé nhìn giống ông N như đúc. Chắc chắn là có con với người khác rồi, giờ lại còn ngang nhiên đón về nuôi”.
“Thôi thì hàng xóm muốn nói gì thì nói. Cuộc sống của mình là của mình. Vợ chồng tôi không tính chuyển đi đâu khác nữa, cứ ở đó thôi” – Ông N cương quyết nói.
Trong khoảng 3 tháng đầu, em bé còn quá nhỏ, nên vợ chồng ông N đề nghị bà chị ở cho “hết cữ”, đồng thời cũng là lúc hướng dẫn những công việc chăm sóc bé để vợ ông có thể đảm nhiệm thời kỳ tiếp theo. Nhưng cả hai vợ chồng đều vô cùng lo lắng, chỉ sợ bà chị về quê ngoài Trung sẽ khóc lóc đòi ẵm theo đứa nhỏ. Luật quy định người mang thai hộ phải bàn giao em bé theo đúng thủ tục pháp luật đã ghi nhận, nhưng dù gì cũng tình ruột thịt, khi mang con trong bụng chín tháng mười ngày.
Nụ cười của con là mặt trời sưởi ấm tim mẹ
|
Vì muốn “riêng tư” với câu chuyện đời của gia đình mình, cô vợ trẻ của ông N cho tất cả người giúp việc nghỉ hết, vợ chồng tự tay làm, phân công nhau từ việc giặt tã cho em bé đến đưa bé ra hong nắng mỗi ngày.
Trên đầu đã hai thứ tóc lại bắt đầu hành trình làm cha y như một “người bố trẻ” ông N vẫn vui vẻ bảo: “Chắc tại số phận thế. Thôi cũng là cái may, vì từ khi có con bé, tôi bỏ hết nhậu nhẹt, rượu bia, chiều tối là lao về nhà chăm con. Có đi công tác giờ cũng ráng hạn chế đi qua đêm. Nhớ nó lắm, mà nó cũng quấn mình. Tôi dỗ con còn giỏi hơn mẹ nó đấy…”