Ung thư không phải là "án tử":

Bài 14: Sự thật về tin đồn phẫu thuật khiến bệnh nhân ung thư chết sớm

VietTimes – Vẫn còn rất nhiều tin đồn thiếu xác thực cho rằng bị ung thư mà phẫu thuật sẽ nguy hiểm tính mạng của bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1 BV Ung Bướu TP.HCM sẽ mang đến cho độc giả những thông tin khoa học xung quanh căn bệnh này. 
Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư phụ khoa tại BV Ung bướu TP.HCM

Đừng tự đánh mất cơ hội sống

PV: Thưa bác sĩ, trong tâm lý hoang mang, nhiều người bệnh và thân nhân tìm kiếm và tin vào các thông tin được lan truyền thiếu kiểm chứng trên các mạng xã hội. Điều này có làm cho bệnh tình tiến triển xa hơn, nhiều khi là tự đánh mất cơ hội sống của chính mình hay người thân. Xin bác sĩ chia sẻ về các trường hợp tương tự với thực tế chữa trị tại BV Ung bướu TP.HCM?

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến: Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp sau khi nhập viện và được chẩn đoán là ung thư, bệnh nhân vì nhiều lý do như lo sợ, không có điều kiện kinh tế nên đã xin xuất viện.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân thường kiếm đến các thầy lang hoặc những nơi phát thuốc nam, thuốc bắc được người quen giới thiệu hoặc tìm kiếm trên những trang mạng không chính thống. Uống thuốc được một thời gian, bệnh tình càng ngày càng nặng.

Nhiều trường hợp ung thư cổ tử cung đã được chẩn đoán ở giai đoạn sớm nhưng khi nhập viện lại ở giai đoạn muộn với biểu hiện của tam chứng bi thảm: vô niệu, phù hai chân và đau hai chân. Nhiều trường hợp ung thư buồng trứng khi quay trở lại với BV Ung bướu thì đã ở giai đoạn lan tràn, khó thở do tràn dịch màng phổi.

Đa số những bệnh nhân ở giai đoạn này đều đã quá chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra, do việc dùng thuốc bừa bãi nên làm chức năng gan, thận bị suy giảm trầm trọng. Khi bệnh nhân bị suy gan, suy thận cũng sẽ không thể hóa trị hoặc xạ trị triệt để được. Kết quả sau cùng là bệnh nhân đã bỏ lỡ cơ hội vàng để điều trị bệnh mà tự đầy mình vào cơn nguy kịch.

Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân tự ý điều trị bằng cách đắp thuốc, đắp lá cây trên bướu mới phát triển nhỏ làm bướu bùng phát dữ dội, bội nhiễm, nhiễm trùng, có trường hợp có dòi trên bướu (như hai ca ung thư âm hộ kích thước khủng đã mổ tại khoa ngoại 1 BV Ung bướu.

PV: Vẫn tồn tại những tin đồn cho rằng đã không may bị ung thư mà phẫu thuật thì cái chết sẽ đến nhanh hơn? Quan điểm của bác sĩ về việc này thế nào?  

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1 BV Ung Bướu TP.HCM

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến: Quan điểm nếu “đụng dao kéo” sẽ làm bướu phát triển nhanh hơn không phải là hoàn toàn sai. Ung thư nếu cắt ngang, hay cắt lằn giới không an toàn tế bào ung thư sẽ bùng phát dữ dội. Giải thích theo chuyên môn: Nguyên nhân là khi phẫu thuật nếu không lấy được toàn bộ bướu sẽ kích thích phản ứng viêm làm tăng sinh mạch máu và thúc đẩy các tế bào ung thư ở trạng thái “ngủ yên” chuyển sang trạng thái hoạt động, tăng sinh. Chính vì vậy điều trị ung thư phải là bác sĩ chuyên ngành ung thư, phải có cái nhìn đúng về ung thư như vậy mới hạn chế thấp nhất tái phát và di căn.

Tuy nhiên, ngày nay phẫu trị vẫn được xem là một trong những phương pháp điều trị cơ bản và khoa học nhất trong điều trị ung thư. Thậm chí trong một số loại ung thư thì phẫu trị còn được xem là phương pháp điều trị triệt để duy nhất, ví dụ trong bệnh lý melanôm hoặc sarcôm sau phúc mạc. Do đó, điều quan trong là phải thực hiện phẫu thuật đúng chỉ định, đúng loại bướu, đúng giai đoạn và phải được thực hiện bởi các phẫu thuật viên chuyên khoa ung bướu để bảo đảm lấy được toàn bộ bướu với diện cắt an toàn và tránh rơi vãi mô bướu trong lúc phẫu thuật.

Bệnh nhân nữ nhọc nhằn chống chọi với ung thư phụ khoa

PV: Vai trò của phẫu thuật là gì khi đã có nhiều phương pháp điều trị ung thư được coi là đột phá và mới mẻ hơn xuất hiện, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến: Phẫu thuật luôn là công cụ hữu hiệu và là lựa chọn đầu tiên trong việc điều trị nhiều loại ung thư, đặc biệt ở giai đoạn tiền ung thư và giai đoạn sớm. Phẫu thuật trong điều trị ung thư là nhằm lấy đi khối u và các mô lành xung quanh để ngăn ngừa sự lây lan của ung thư ra xung quanh.

Với sự tiến bộ của y học, nhiều phương pháp điều trị ung thư mới ra đời và hứa hẹn những kết quả khả quan như liệu pháp nội tiết, liệu pháp nhắm trúng đích và gần đây là liệu pháp miễn dịch.

Tuy nhiên không phải có liệu pháp mới ra đời thì vai trò của các phương pháp điều trị ung thư truyền thống như phẫu, hóa hay xạ trị bị lu mờ.

Phẫu thuật có rất nhiều vai trò trong điều trị ung thư, bao gồm: chẩn đoán, điều trị và dự phòng ung thư. Có những việc mà các phương pháp điều trị khác không thể làm được như sinh thiết mô bướu để chẩn đoán xác định ung thư hoặc xử trí những trường hợp cấp cứu đe dọa tính mạng: như khai khí đạo trong khó thở do bướu chèn ép, điều trị viêm phúc mạc trong thủng ruột...

Ngoài ra, phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị hữu hiệu trong những trường hợp bướu còn khu trú tại chỗ - tại vùng. Phẫu thuật còn giúp làm giảm tổng khối bướu đến mức thấp nhất để tạo điều kiện cho các phương pháp điều trị khác phát huy tối đa tác dụng.

Hơn nữa, phẫu thuật là phương pháp điều trị mà tế bào ung thư không có khả năng đề kháng. Trong khi đó, hóa trị hay điều trị nhắm trúng đích đều có tình trạng kháng thuốc xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến vừa bước ra khỏi ca mổ sáng 3/7 tại BV Ung bướu 

Vai trò của phẫu thuật và người bác sĩ phẫu thuật ung thư cũng ngày càng thay đổi theo sự tiến bộ của y học. Nhờ hiểu biết ngày càng nhiều về sinh bệnh học ung thư, việc phẫu thuật không chỉ là cắt bỏ khối u mà còn dùng để ngăn ngừa ung thư trước khi nó xảy ra ở những bệnh nhân nguy cơ cao, để chẩn đoán, xếp giai đoạn bệnh và cả để điều trị triệu chứng trên những bệnh nhân giai đoạn cuối…

Những tiến bộ về kỹ thuật mổ đã đưa đến những phương pháp mổ mới, ít gây hại hơn cho bệnh nhân mà vẫn lấy hết khối u an toàn như phẫu thuật nội soi, mổ robot…cùng với phẫu thuật tạo hình nhằm trả lại cho người bệnh thẩm mỹ và chức năng vận động bình thường. Vai trò của người bác sĩ phẫu thuật cũng không chỉ là người cầm dao kéo mà đã trở thành người bác sĩ tư vấn, phòng ngừa và tầm soát ung thư, chẩn đoán và lập ra kế hoạch điều trị đa mô thức, cũng như chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân giai đoạn cuối.

PV: Liệu có thể điều trị ung thư phụ khoa mà vẫn bảo tồn chức năng sinh sản cho nữ giới, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến: - Ung thư cổ tử cung hiện nay vẫn là ung thư phụ khoa thường gặp nhất tại Việt Nam, và độ tuổi bệnh nhân mắc bệnh ngày càng trẻ. Điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm bằng phẫu thuật cho kết quả sống còn rất tốt (tỷ lệ sống còn 5 năm ở giai đoạn sớm là trên 92%).

Tuy nhiên một vấn đề được đặt ra là ở những phụ nữ trẻ không may bị bệnh, nhất là những phụ nữ chưa có may mắn được làm mẹ thì việc điều trị tiêu chuẩn bao gồm cắt tử cung tận gốc sẽ tước đi cơ hội thiêng liêng này.

Tin vui với các chị em là hiện nay ở những bệnh nhân giai đoạn sớm, muốn bảo tồn tử cung để có thể có thai thì đã có những kỹ thuật điều trị mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng này.

Ở những bệnh nhân giai đoạn tiền ung thư hay giai đoạn 0 (ung thư tại chổ, chưa thấy được bằng mắt thường), bác sĩ sẽ khoét một vòng hình nón ở cổ tử cung mang bướu bằng dao hay dao điện, để lấy bướu ra mà vẫn bảo tồn tử cung.

Còn ở những bệnh nhân có bướu ở cổ tử cung thấy được, nhưng nhỏ dưới 2 cm và chưa cho di căn ra mô xung quanh, bác sĩ sẽ cắt bỏ cả cổ tử cung nhưng chừa lại tử cung.

Các phương pháp điều trị này đều cho kết quả an toàn về mặt ung thư và khả năng có con sau mổ cũng khá cao. Với bệnh nhân cắt bỏ cả cổ tử cung, các nguyên cứu cho thấy tỷ lệ có con sau đó khoảng 50% và tỷ lệ sống trên 5 năm lên đến 97%. 

Ngoài ra, những phụ nữ ung thư cổ tử cung cũng có thể lưu trữ mô buồng trứng bình thường trước khi điều trị nhằm có thể có con sau này. Hiện nay tại BV Ung Bướu TP.HCM, chúng tôi đều đã thực hiện được những kỹ thuật này.

Riêng với kỹ thuật cắt cổ tử cung tận gốc bảo tồn sinh sản trên bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, đã thực hiện thành công 2 ca. 

Một lưu ý cho các chị em phụ nữ là: đây đều là những kỹ thuật cao, phức tạp, bệnh nhân cần được tư vấn, thăm khám kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện. Do đó các chị em nên đến các trung tâm ung thư phụ khoa lớn để được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn.

Phẫu thuật hiện đại có thể giúp nữ bệnh nhân bảo tồn tử cung và chức năng sinh sản 

PV: Thưa bác sĩ, ung thư phụ khoa là vấn đề lớn đối với đa phần nữ giới, nhưng nhiều nữ bệnh nhân vẫn không muốn nói về điều này vì e ngại. Xin bác sĩ chia sẻ thêm về những vấn đề quan trọng như tình dục sau điều trị ung thư phụ khoa để bệnh nhân hiểu và yên tâm?

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến: Ung thư phụ khoa ở giai đoạn sớm, điều trị bằng phẫu thuật và xạ trị, bệnh nhân ung thư có khả năng khỏi bệnh cao, chất lượng cuộc sống tốt. Tuy nhiên, các mô thức điều trị thường sẽ gây ra nhiều biến chứng nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng sống nói chung và chất lượng tình dục nói riêng.

Tại Khoa Ngoại Ung thư Phụ khoa, một khảo sát cho thấy 52% bệnh nhân ung thư cổ tử cung không tiếp tục quan hệ tình dục sau khi khỏi bệnh. Lý do chính là do bệnh nhân sợ tái phát. Đa số bệnh nhân (76%) không được tư vấn đầy đủ về những thay đổi của cơ thể và rối loạn tình dục có thể xảy ra sau điều trị.

Chúng tôi đã từng đề cập về sự tàn phá khủng khiếp của các vũ khí điều trị ung thư lên cơ thể con người.

Rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, đau buồn khi nghe nhiều chị em tâm sự sau khi mổ ung thư phụ khoa: chồng ly dị, xa lánh, có bồ, hôn phu từ chối đám cưới, người yêu ngoảnh mặt làm ngơ... Và đôi khi người phụ nữ đi đến tuyệt vọng, không màng đến điều trị thậm chí có ý định quyên sinh...

Nhưng phẫu thuật vẫn là một trong những phương pháp được chỉ định để điều trị hầu hết các ung thư phụ khoa. Phẫu thuật cắt rộng chu cung và mô cạnh âm đạo làm tổn thương đến đám rối thần kinh thực vật chi phối các tạng trong vùng chậu, dẫn đến giảm tiết dịch nhờn.

Khi bệnh nhân cắt tử cung tận gốc, phần âm đạo trên bị loại bỏ, do đó làm giảm độ dài âm đạo. Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng làm giảm nội tiết tố estrogen, progesterone và testosterone, gây khô âm đạo. Cắt bỏ âm hộ làm thay đổi cấu trúc và hình dạng của âm hộ người phụ nữ. Xạ trị ảnh hưởng dẫn đến khô và đau âm đạo, có khi bị teo, dính, chít hẹp âm đạo. Tác dụng phụ của hóa chất như: mệt mỏi, nôn ói, giảm hoạt động sinh dục. Hóa trị cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy phụ nữ vào giai đoạn mãn kinh sớm và đem lại nhiều hệ lụy trong sinh hoạt tình dục ở phụ nữ trẻ hoặc tiền mãn kinh.

Để vượt qua điều này, cần một sự chấp thuận với chính bản thân bệnh nhân, hãy hiểu rằng quan tâm về tình dục là điều hoàn toàn bình thường và có thể bàn luận giữa người bệnh, người thân (đặc biệt là người yêu/chồng) và chuyên gia y tế.

Đánh giá về vấn đề tình dục nên thực hiện trước và sau điều trị ung thư phụ khoa. Những yếu tố nguy cơ, loại phẫu thuật, tình trạng mãn kinh, thuốc, trầm cảm và các bệnh lý nội khoa khác, cũng cần được các chuyên gia y tế thu thập và xem xét. Kế đó, thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định phù hợp. Sự trao đổi cởi mở giữa bệnh nhân và bác sĩ là không thể thiếu.

Hiện tại Khoa Ngoại 1 đã thành lập tổ tư vấn về các rối loạn sau khi phẫu thuật ung thư phụ khoa. Ngoài ra, yếu tố quyết định sống còn của bệnh nhân là người chồng, bạn tình, sự chia sẻ, thương yêu chăm sóc! Đây là nguồn động lực sống mà không phương thuốc nào bằng, sức đề kháng tăng mãnh liệt nhất và là động lực khơi nguồn của tất cả hoạt động vươn lên tìm sự sống của bệnh nhân sau khi điều trị ung thư phụ khoa.