Nạn nhân của “thần dược”
Vẫn biết GS. Mai Trọng Khoa là một chuyên gia ung bướu hàng đầu của Việt Nam, nhưng tôi vẫn bất ngờ khi ông cho biết, ông từng điều trị ung thư cho vô số vị lang y nổi tiếng, còn những vị lang vườn thì nhiều vô kể.
Sự thật này không mấy người biết được. Nên đến nay, vẫn có nhiều người bệnh thay vì tìm đến các BV chuyên khoa để chữa trị bằng tây y, thì lại tin tưởng vào việc chữa trị bằng các loại cây lá mà các “thầy lang” quảng bá như “thần dược” có thể điều trị khỏi cả những bệnh ung thư.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Cúc (Gia Lâm, Hà Nội) được đưa vào BV K khi đã ở giai đoạn muộn, khối u có dấu hiệu sắp vỡ, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ cho biết, trước đây bệnh nhân đã đến BV và được chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 2.
Mặc dù các bác sĩ tư vấn, ở giai đoạn này, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh vẫn rất cao và bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị, nhưng bà Cúc lại không nhập viện, mà về nhà tự dùng thuốc lá để đắp vào nơi có khối u và uống lá đu đủ suốt 6 tháng liền để “chữa bệnh”. Dĩ nhiên, khi bà nhập viện thì đã qua “thời gian vàng” để có thể khỏi bệnh.
Nhưng bà Cúc không phải là bệnh nhân hiếm hoi chịu hậu quả của việc tin vào các “bài thuốc” từ những lời đồn không có căn cứ khoa học như thế.
Mới đây, một bệnh nhân cũng đã được đưa vào BV Ung bướu Hà Nội với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ ở vú - hậu quả của việc sử dụng thuốc lá của thầy lang, chỉ vì tin vào lời quảng cáo “chữa khỏi các bệnh ung thư mà bệnh viện trả về”. Lúc này, bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối, bị nhiễm trùng tuyến vú nặng và phần hoại tử đã lan rộng nên phải cắt bỏ toàn bộ vú.
Cách đây chưa lâu, BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn. Theo bệnh nhân, khi phát hiện có khối u nhỏ, chị đã nghe theo lời mách bảo nên chỉ đắp lá dâm bụt để hút khối u, cho đến khi khối u lớn, chảy nước vàng, người đau nhức, chị mới đến bệnh viện thì đã muộn …
Bệnh nhân ung thư vú tự đắp lá "điều trị" và hậu quả phải cắt bỏ toàn bộ
|
TS. Phạm Thị Việt Hương - Khoa Nội Nhi của BV K cũng kể: “Tôi có một bệnh nhi là Kiên N. bị ung thư xương đùi trái, đã tháo khớp háng và điều trị 6 đợt hóa chất theo phác đồ. Khi ra viện, bác sĩ đánh giá cháu không có tổn thương gì. Cháu đã ra viện hơn 4 năm, sức khỏe ổn định và thực hiện ước mơ thi đại học.
Chuyện không có gì đáng nói, nhưng gần đây lên khám lại, cháu kể: "Bác ơi, có cái bà lang ở Hòa Bình cho con uống thuốc. Bà ấy tốt lắm. Nếu bệnh nhân nghèo thì bà ấy cho miễn phí hoặc lấy rẻ thôi. Bác có anh chị nào ở Khoa mình cần thì cứ bảo gọi cho mẹ con cho điện thoại và địa chỉ. Bà ấy chỉ cần là uống thuốc xong thì viết thư cảm ơn".
Một bé gái là bệnh nhân ung thư xương của TS. Hương cũng đã ra viện. Nhưng cháu cho TS. Hương biết cháu lại uống thuốc của ai đó tự xưng là chữa ung thư theo hướng mới, mỗi tháng hết 10 triệu.
“Cháu kêu rất mệt, sút 4 kg/tháng kể từ khi uống thuốc của người này. Khi tôi phát hiện được sự việc, hỏi cháu: Cháu biết họ là bác sĩ ở bệnh viện nào? Được đào tạo về y và đặc biệt về ung thư không? Thì câu trả lời là không. Bản thân cô bé không tin vào "Thánh", nhưng sợ không dám dừng thuốc vì “Họ bảo nếu con đang uống thuốc của họ mà dừng thì tế bào ung thư phát tác rất nhanh”.
Các chuyên gia đầu ngành đã nhiều lần khuyến cáo, nhưng nhiều người vẫn tin vào những lời truyền tai về những “bài thuốc” chữa ung thư thiếu cơ sở khoa học, như lá đu đủ, bìm bịp, dâm bụt, lá sắn dây vv… Hậu quả là họ đã bỏ qua “thời gian vàng” và rước thêm bệnh, rơi vào tình trạng nguy kịch.
Cùng với “lá cây” của các thầy lang, hiện vẫn không ít người bệnh ở BV K và BV Bạch Mai rỉ tai nhau về việc điều trị bằng lá đu đủ, bất chấp nhiều trường hợp bị tai biến nặng do dùng lá này chữa bệnh.
Thấy tôi ngạc nhiên, một người bệnh còn đưa cho xem một bài viết đăng trên báo N. với dòng tít “Lá đu đủ chữa khỏi bệnh ung thư” kèm theo bức ảnh cây đu đủ. Bài báo không ghi tác giả mà chỉ ghi tên người sưu tầm, kể về một ngư dân người Australia tên là Sant Sheldon, bị ung thư phổi rất nặng và bác sĩ cho hay chỉ sống được khoảng 5 tháng nữa. Nhưng rồi, hàng ngày, ông đã uống nước lá đu đủ đun sôi rồi khỏi bệnh hoàn toàn.
Có điều, không mấy người biết rằng, cây đu đủ được nói tới trong bài báo là giống đu đủ được trồng nhiều ở miền Tây nước Mỹ, gọi theo cách của thổ dân là paw paw, chứ không phải là đu đủ Việt Nam.
Viện Ung thư Quốc gia Mỹ từng tài trợ một dự án 5 triệu USD cho một giáo sư ở Trường đại học Dược Purdue để nghiên cứu trong gần 20 năm về hơn 300 loại cây được cho là có khả năng chữa được ung thư, trong đó có paw paw. Nhưng sau đó, dự án đã bị đình lại.
Theo Ths. Đoàn Lực – Trưởng khoa Chống đau của Bệnh viện K, việc tự ý chữa bệnh ung thư bằng lá đu đủ rất nguy hiểm, lá đu đủ không thể chữa khỏi bệnh.
GS. Nguyễn Bá Đức – Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cũng khẳng định: “Lá đu đủ chưa chữa được cho bất kỳ một trường hợp bị ung thư nào. Làm sao có thể chữa được bệnh nan y này đơn giản thế?”
Chuyên gia Đông y không chữa ung thư bằng Đông y
Theo GS. Mai Trọng Khoa, có 3 nhóm bệnh nhân ung thư liên quan đến thuốc Đông y thường gặp là: Nhiều nhất là những người bị bệnh nhưng không đến BV điều trị, mà do nhận thức hoặc điều kiện kinh tế, họ chỉ uống thuốc của các ông lang bà mế. Đến khi bệnh đã ở giai đoạn cuối mới đến BV, thì việc điều trị đã vô cùng khó khăn, rất tốn kém mà không hiệu quả, tỉ lệ tử vong cao.
Nhóm thứ hai là những người đến BV khám và được chẩn đoán bệnh ung thư, nhưng lại bỏ điều trị ở BV để về uống thuốc nam. Đến khi bị tái phát mới quay lại BV điều trị tiếp thì đã muộn.
Nhóm bệnh nhân nữa là những người đã được chẩn đoán và điều trị ở BV, nhưng giữa các đợt điều trị lại tự ý uống thuốc của các ông lang bà mế, dẫn đến biến chứng suy gan, suy thận, phải cấp cứu và chạy thân nhân tạo…. Lúc này, việc điều trị tây y cũng phải dừng lại vì biến chứng khiến bệnh nặng lên, nhiều nguy cơ tử vong.
Ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tại BV K
|
Đáng lưu ý là, mặc dù quảng cáo các bài thuốc ung thư như “thần dược”, khiến nhiều người bệnh tin theo vừa mất tiền, thậm chí vừa mất …mạng, nhưng khi các “thầy lang” bị ung thư thì họ lại lập tức đến BV để điều trị bằng y học hiện đại, chứ không uống các thứ “thuốc” mà họ cho người khác dùng. Có điều, sự thật này các vị lang y đều…giấu biệt.
GS. Mai Trọng Khoa ví dụ về vị giáo sư danh tiếng về Đông y bị ung thư phổi. Là người rất giỏi về Đông y, cũng là giảng viên trường Đại học Y HN, nhưng chính ông lại không điều trị ung thư cho mình bằng Đông y, mà tìm đến GS. Mai Trọng Khoa để điều trị bằng tây y. Đặc biệt, bệnh nhân này tuân thủ nghiêm ngặt các phương pháp điều trị tây y, chứ không sử dụng thuốc Đông y.
Điều này cho thấy, vị giáo sư hiểu rất rõ các bài thuốc về Đông y không có khả năng chữa trị ung thư.
GS. Mai Trọng Khoa cười: Đấy là vị giáo sư thuộc diện đầu ngành Đông y còn thế. Chứ những “thầy lang” được tôi điều trị ung thư dạ dày, ung thư phổi thì rất nhiều…
TS. Phạm Thị Việt Hương bày tỏ: “Tôi không đả phá những thầy đông y, nam y chân chính có những bài thuốc thực sự tốt cho một số bệnh, thậm chí ít nhiều cũng có tác dụng hỗ trợ ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay các phương pháp điều trị ung thư vẫn là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và miễn dịch sinh học. Có một số vị thuốc trong dân gian được cho là kìm hãm hoặc tiêu diệt tế bào ung thư như cây dừa cạn, cà độc dược, cây thông đỏ...nhưng phải tách xuất, bào chế bằng công nghệ tinh chế từ hàng tấn cây mới có được một lọ thuốc có tác dụng, chứ không phải chỉ là ăn hoặc uống vài lạng và lọ thuốc này, đồng thời, phải kết hợp với nhiều thuốc khác may ra có hiệu quả.”